Saturday, May 18, 2024
Trang chủĐiểm tinĐừng quá hi vọng vào việc TQ xả nước

Đừng quá hi vọng vào việc TQ xả nước

 Theo quy luật của dòng chảy, lượng nước xả từ phía Trung Quốc về đến Việt Nam phải mất khoảng 1 tháng, thậm chí rất ít.

Xả nước thủy điện

Tháng 4 nước mới đến ĐBSCL

Trung Quốc đã cam kết sẽ xả lũ từ đập thủy điện Cảnh Hồng thuộc địa phận tỉnh Vân Nam từ ngày 15/3 đến ngày 10/4, với lưu lượng xả là 2.190 m3/giây, giúp khắc phục tình trạng hạn hán ở các nước hạ lưu sông Mekong như Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 17/3, TS Tô Văn Trường Ban chủ nhiệm chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp nhà nước KC08/11-15 của Bộ KHCN,  Nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam cho biết: “Ngay từ thập niên 80, phía Trung Quốc đã tiến hành quy hoạch thủy điện bậc thang trên dòng chính gồm 25 công trình với tổng công suất lắp máy 25.870 MW và 120 trạm thủy điện trên dòng nhánh công suất 2.600 MW.

Tính đến năm 2012, đã có 6 bậc thang thủy điện đã hoàn thành, nâng tổng số dung tích hữu ích của các hồ ở Trung Quốc đã lên đến hơn 22 tỷ m3 nước.

Ngay trong tháng 1/2016 vừa qua, mặc dù phía Việt Nam không yêu cầu nhưng do nhu cầu phát điện, và cân đối nguồn nước, phía Trung Quốc đã xả xuống hạ lưu khoảng 600m3/giây trong khoảng 10 ngày.

Mới đây, theo yêu cầu của Việt Nam, phía Trung Quốc tuyên bố từ ngày 15/3 đến ngày 10/4, sẽ xả với lưu lượng là 2.190 m3/giây, với hy vọng sẽ giúp khắc phục tình trạng hạn hán ở các nước hạ lưu sông Mekong.

Theo quy luật của dòng chảy, lượng nước xả từ phía Trung Quốc về đến Việt Nam mất khoảng 1 tháng, có nghĩa là đến tháng 4/2016 chúng ta mới có thể kiểm chứng được lượng nước được hưởng từ việc xả nước này.

Lúa, thủy sản, cây ăn trái ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lúc đó nhiều nơi đã ngắc ngoải”.

Trung Quoc giup cuu nguy DBSCL: Khong nen qua lac quan

TS Tô Văn Trường

Ngoài ra, theo ông Trường, không nên quá lạc quan trông chờ vào giải pháp xả nước của thủy điện Trung Quốc vì quãng đường đi dài hơn 4000 km, các nước Thái Lan, Lào, Campuchia cũng có nhu cầu lấy nước cho sản xuất, nhất là các vùng wetland (đất ướt) đang bị khô cạn sẽ tự động chứa nước, lượng nước còn lại về đến Việt nam cũng rất hạn chế.

Đặc biệt Campuchia, về nguyên lý, mùa lũ nước chảy từ sông Mekong vào Biển Hồ, còn mùa khô nước chảy từ Biển Hồ ra sông Mekong.

“Có ý kiến nghi ngại cho rằng nhìn vào biểu đồ mực nước giữa PhnomPenh với Prek Kdam thấy chỉ có bốn tuần nước có thể chảy ngược trên Tonle Sap và trung bình chỉ độ 10 cm, không còn 5 tháng như xưa.

Theo tôi hiểu, phải phân tích số liệu nhiều năm, cả năm nhiều nước, ít nước, mưa sớm, mưa muộn để so sánh. Tất nhiên, là trong năm kiệt trên sông Mekong số ngày nước chẩy ngược vào Tonle Sap cũng ít đi.

Nhưng nếu số ngày chảy ngược ít không phải chỉ là do nước sông Mekong kiệt, vì năm nào có lượng mưa trong lưu vực riêng của Biển Hồ lớn thì nước trong hồ cũng cao, nên số ngày chảy ngược vào cũng ít.

Vấn đề đáng nói ở đây, là việc các đập thủy điện Trung Quốc xả nước thì 3 nước Thái Lan, Lào và Campuchia được hưởng trực tiếp nhiều nhất vì sao chỉ có Việt Nam lên tiếng yêu cầu mà không phải là Ủy hội sông Mekong (MRC)?”, ông Trường đặt câu hỏi.

Thái độ của các nước ven sông phải rõ ràng, minh bạch

Phân tích về tình trạng hạn hán khốc liệt hiện nay ở hạ lưu các nước sông Mekong, theo ông Trường nguyên nhân chính là do hiện tượng Elnino diễn ra trên diện rộng của nhiều nước là chủ yếu. Lượng nước do lưu vực ở Trung Quốc và Myanmar chỉ đóng góp 18% vào tổng lượng dòng chảy sông Mekong.

Năm 2015 do mùa mưa đến trễ, kết thúc sớm, tổng lượng mưa trên lưu vực thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20-50%. Mực nước Biển Hồ ở Campuchia rất thấp, trung bình khoảng 1,96m so với chuỗi số liệu trung bình nhiều năm thời kỳ 1980-2013 và thấp hơn cùng kỳ năm 2014-2015 trung bình gần 1,1 m.

Biển hồ Tonle Sap đã cạn nước, mất khả năng điều tiết bổ sung ngay từ cuối tháng 12 (so với mọi năm là tháng 3-4) nên lượng nước về ĐBSCL càng ít.

Về mặt lý thuyết, thì thủy điện tích nước mùa lũ, xả nước mùa kiệt nên dòng chảy bình quân cả mùa kiệt là cao hơn. Tuy nhiên, mục đích thủy điện là phát điện “sinh lời” chứ không phải để điều tiết nước cho hạ lưu.

Từ khi hoàn thành, việc vận hành các công trình này đã làm thay đổi đáng kể dòng chảy cả mùa lũ và mùa kiệt so với qui luật tự nhiên, gây ảnh hưởng lớn đến nguồn nước hạ lưu.

Vì vậy, có thể thấy rõ các nguy cơ bất lợi cho các nước hạ lưu như do thủy điện là “tận thu”, nên khi nhu cầu dùng điện thấp, họ sẽ phát điện ít, tích nước lại, khi nhu cầu cao họ sẽ tăng phát điện và xả nước nhiều.

Do phụ thuộc vào quy trình vận hành của thủy điện, dòng chảy về trái qui luật, không dự báo được năm nhiều nước, năm ít nước, làm các nước ở hạ lưu mất chủ động trong quản lý nước và chủ động bố trí sản xuất.

Thêm nữa, do ảnh hưởng của thủy điện, dòng chảy xuống thấp ngay đầu mùa khô (hồ tích nước muộn), lên chậm đầu mùa mưa (tích nước sớm) làm mặn đến sớm và rút muộn ảnh hưởng đến cả 2 vụ lúa chính, là Đông Xuân và Hè Thu ở ĐBSCL.

Phía Trung Quốc mới chỉ cung cấp thông tin về mùa lũ, không cung cấp thông tin về mùa kiệt, nên các nước ở hạ lưu, lúng túng, bị động, không nắm bắt được quy trình vận hành của các đập thủy điện Trung Quốc.

Giải pháp đối với các nước hạ lưu sông Mekong, ông Trường nhận định: “Cần đề nghị với phía Trung Quốc là về lâu dài để đảm bảo giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất trên đồng bằng như thời gian qua.

Đồng thời, chủ động hơn cho điều hành sản xuất từ nay về sau, họ cần chia sẻ, cung cấp trước các thông tin về kế hoạch vận hành hàng năm tại thủy điện Jinghong và chia sẻ thông tin cập nhật hàng ngày tại thủy điện cuối bậc thang, Jinghong (gồm mực nước hạ lưu đập, lưu lượng xả, số tổ máy vận hành) cho cả năm (hiện chỉ có thông tin chia sẻ mực nước hạ lưu đập mùa lũ).

Sông Mekong có thể quanh co, nhưng thái độ của các nước ven sông phải rõ ràng, minh bạch vì quyền lợi chung của cả lưu vực theo nguyên tắc quản lý tổng hợp lưu vực sông”.

“Phải tự cứu lấy mình”

Về phía Việt Nam, ông Trường cho rằng, chúng ta phải tự cứu mình. Trước mắt, các tỉnh cần rà soát đánh giá các thiệt hại do thiên tai để chính phủ hỗ trợ và dãn nợ, khoanh nợ, xóa nợ theo quy định của nhà nước.

Các địa phương theo dõi dự báo thủy văn nguồn nước, xâm nhập mặn để lấy nước ngọt vào thời điểm thích hợp. Tiến hành nạo vét kênh mương, làm đập tạm ngăn mặn.

El Nino và La Nina đã xuất hiện trên thế giới nói chung và ở nước ta nói riêng có từ rất lâu đời, và thường có chu kỳ dài ngắn khác nhau, nhưng là có quy luật khá rõ ràng. Vấn đề cần làm rõ ở chỗ là các nhà quản lý phải biết đưa các trị số tác động của hai hiện tượng thời tiết này vào quy hoạch ở tần suất bảo đảm để giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất và đời sống của người dân.

“Kiểm soát mặn ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nên tập trung hình thành hệ thống công trình điều khiển mặn, điều khiển tích ngọt trên các trục kênh chính cấp I, về lâu dài sẽ tùy tình hình diễn biến khí hậu, sản xuất, mặn, ngọt và khả năng tài chính mà suy tính đến các công trình điều khiển mặn-tích ngọt ở các cửa sông chính.

Nghiên cứu nhận dạng toàn diện đường quá trình dòng kiệt về ĐBSCL trong điều kiện có xét đến biến đổi khí hậu và phát triển thủy điện ở thượng lưu làm ảnh hưởng đến nguồn nước tưới cho phát triển nông nghiệp, thủy sản và thay đổi diễn biến xâm nhập mặn ở ĐBSCL.

Xây dựng phương pháp dự báo, cảnh báo đường quá trình dòng chảy kiệt trong điều kiện có tác động của biến đổi khí hậu và phát triển thủy điện ở thượng lưu phục vụ dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn. Đề xuất giải pháp tổng thể về quản lý nước ở ĐBSCL phục vụ phát triển bền vững nông nghiệp và thủy sản”, ông Trường cho hay.

Vấn đề phòng tránh, chủ động ứng phó, theo nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, giải pháp duy nhất là phải có trước thông tin dự báo. Đó là bài toán dự báo mùa. Thông tin dự báo nếu đến được người dân và nhà quản lý trước 3-6 tháng họ sẽ có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho hợp lý, tránh xảy ra mất mùa.

Điều cốt yếu là ưu tiên hàng đầu cho công tác phi công trình như nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học về công tác dự báo, cảnh báo mùa, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, giống, cây trồng vật nuôi phù hợp điều kiện từng địa phương và khả năng của nguồn nước mặn, lợ, ngọt, xây dựng hợp lý quy trình vận hành hệ thống thủy lợi nội đồng….

RELATED ARTICLES

Tin mới