Tổng thống Putin lên tiếng phản pháo cáo buộc Panama và cho rằng phương Tây đang tìm cách ép để làm suy yếu Nga.
Tổng thống Putin phản pháo hồ sơ Panama
Ngày 7/4, phát biểu trước một diễn đàn truyền thông ở thành phố St. Petersburg, Tổng thống Putin cho rằng những tài liệu Panama bị rò rỉ là một phần trong nỗ lực nhằm làm cho nước Nga “ngoan ngoãn hơn,” tạo nên “sự ngờ vực bên trong xã hội đối với nhà chức trách, những cơ quan hành chính nhà nước, khiến các bên nghi kị lẫn nhau”.
“Những thế lực đối lập lo ngại đang tìm cách phá hỏng sự đoàn kết dân tộc Nga. Họ ra sức tìm cách gây bất ổn nội bộ Nga nhằm khiến chúng ta phải khuất phục”, ông Putin nói.
Dẫn một cáo buộc mà người sáng lập WikiLeaks Julian Assange đã đưa ra, ông Putin tố cáo chính phủ Mỹ đứng đằng sau vụ Tài liệu Panama.
“Đứng đằng sau… là những quan chức và cơ quan chính thức của Mỹ, WikiLeaks giờ đã cho chúng ta thấy điều đó”, ông chủ điện Kremlin khẳng định.
Nhà lãnh đạo Nga cũng tự hào khi nói rằng cá nhân mình không có tên trong danh sách những cáo buộc tham nhũng và trốn thuế trong hồ sơ Panama.
“Các bạn coi qua những tài liệu về tài sản ở nước ngoài này. Người đầy tớ khiêm tốn của các bạn không có tên trong đó, vì vậy không có gì để mà nói. Nhưng họ có nhiệm vụ được giao! Họ đã làm gì? Họ tìm ra người quen và bạn bè”, ông Putin nhấn mạnh.
Nói về trường hợp người bạn thân thiết, nghệ sĩ cello Sergei Roldugin bị cáo buộc đã xây dựng một đế chế kinh doanh lớn và thực hiện các giao dịch phi pháp ở nước ngoài có thể liên quan đến mình trị giá 2 tỉ USD, Tổng thống Putin cho rằng ông này hoàn toàn trong sạch và tự hào khi có một người bạn như vậy.
“Nhiều người sáng tạo ở Nga, có lẽ mỗi một trong hai người, đang tìm cách kinh doanh, và, theo như tôi biết, Sergei Pavlovich (Roldugin) cũng vậy. Nhưng việc kinh doanh của ông ta là gì? Ông ta là một cổ đông nhỏ trong một trong những công ty của chúng ta và kiếm được chút tiền ở đó, nhưng chắc chắn không phải là hàng tỉ đô la. Vớ vẩn, chả có gì như thế cả”, ông Putin bênh vực.
Vì sao Nga không có tật lại giật mình?
Thực tế đây không phải là lần đầu tiên, Nga lên tiếng sau những cáo buộc liên quan đến hồ sơ Panama.
Ngày 4/4, phát biểu với báo giới tại thủ đô Moskva, người phát ngôn Điện Kremlin Dmity Peskov đã bác bỏ những cáo buộc rằng các nhân vật thân cận với Tổng thống Putin nằm trong danh sách những đối tượng bị tình nghi có liên quan tới hoạt động trốn thuế và rửa tiền, với sự trợ giúp của công ty luật Mossack Fonseca ở Panama.
“Tổng thống Putin, nước Nga và các cuộc bầu cử sắp tới là mục tiêu chính của một âm mưu nhằm gây bất ổn tình hình”, ông Peskov nhấn mạnh.
Người phát ngôn điện Kremlin cho rằng những cáo buộc kiểu trên không có gì mới, thiếu thông tin cụ thể và chỉ dựa trên phỏng đoán.
Trước đó, ông Peskov cũng từng cảnh báo việc các cơ quan tình báo phương Tây đang đứng đằng sau một cuộc “tấn công thông tin” nhằm bôi nhọ uy tín của Tổng thống Putin cũng như gây bất ổn trong nội bộ nước Nga trước thềm bầu cử.
Giới phân tích cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà điện Kremlin lại có phản ứng gay gắt trước những thông tin trong hồ sơ Panama như vậy. Thực tế từ trước đến nay Nga nổi tiếng với các vụ việc tham nhũng.
Tham nhũng trở thành một trong những vấn đề bê bối nhất của nước Nga. |
Người đầu tiên nằm trong số đó là Tổng thống Putin.
Tối 25/1, trong chương trình Panorama, đài BBC đã phát hành bộ phim tài liệu có tựa đề “Sự giàu có bí mật của Putin” bóc mẽ về việc ông chủ điện Kremlin che giấu khối tài sản rất lớn tới cả triệu USD.
Ông Dmitry Skarga, cựu lãnh đạo của công ty vận chuyển tiết rộ rằng ông là người đã vận chuyển món quà đắt giá là một chiếc du thuyền Olympa cao cấp rộng 57m của tỉ phú Abramovich tặng Tổng thống Nga qua một trung gian.
Không chỉ như thế, ông Adam Szubin, đại diện Bộ Tài chính Hoa Kỳ, khi phát biểu trên kênh truyền hình BBC đã gọi ông Putin là “hiện thân của nạn tham nhũng” ở Nga.
“Ông ta làm giàu cho đồng minh, bạn bè và cả những người ông không coi là bạn bằng cách sử dụng tiền của quốc gia. Dù Nga giàu có về tài nguyên năng lượng và có nhiều hợp đồng lớn nhưng ông chỉ đưa những hợp đồng này cho những người phục tùng ông ta và loại trừ những người chống đối. Với tôi, đó là một bức tranh tham nhũng” – ông Szubin nói.
Năm 2015, ông Bill Browder, Chủ tich một quỹ đầu tư tiết lộ rằng Tổng thống Nga có tài sản trị giá 200 triệu USD – con số này đủ để ông Putin trở thành người giàu nhất thế giới.
Trước đó, vào năm 2014, Bộ Tài chính Mỹ cũng đưa ra tuyên bố “Putin đầu tư vào Gunvor và có thể tiếp cận các quỹ Gunvor” – công ty buôn bán dầu mỏ lớn thứ 4 thế giới có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ.
Vào tối 13/1, quyền Phó Giám đốc Cơ quan quản lý nhà tù Nga Alexander Protopopov vừa bị cảnh sát bắt về tội bán 7.000 tấm bê-tông cốt thép, tương đương 50 km chiều dài của một đoạn đường cao tốc, để trục lợi cá nhân.
Theo Ủy ban Điều tra Nga (IC) cho biết trong khoảng thời gian từ 2014-2015, thông qua việc này, ông Protopopov đã thu lợi bất chính khoảng 79.000 USD. Các tấm bê tông sau đó được một công ty thương mại bán lại cho bên thứ ba để thu tiền chênh lệch.
Xây dựng đường xá là một trong những lĩnh vực ghi nhận tham ô nhiều nhất ở Nga. Một con đường ở vùng núi được xây để phục vụ Thế vận hội Mùa Đông Sochi 2014 ở Nga có kinh phí lên tới 8 tỷ USD.
Ngoài ra, có thể kể đến vụ nguyên cố vấn Trưởng ban và Trưởng ban Thanh tra Văn phòng Tổng thống lợi dụng chức vụ, quyền hạn tống tiền, nhận hối lộ 10.000USD từ Trung tâm Y tế thuộc Cục Quản lý hồ sơ Văn phòng Tổng thống.
Vụ phó Ban Điều tra các vụ án đặc biệt nghiêm trọng thuộc Cục Điều tra thi hành án Moskva về tội nhận hối lộ 0,5 triệu USD trong khoản tiền đặt giá 1,5 triệu USD để tha bổng hai bị cáo can tội buôn lậu.