Saturday, April 20, 2024
Trang chủQuân sựTQ ngày càng hung hăng ở Biển Đông, Ấn Độ buộc phải...

TQ ngày càng hung hăng ở Biển Đông, Ấn Độ buộc phải hành động (phần 2)

Mặc dù những sự cường điệu xung quanh mối quan tâm đang tăng lên của Ấn Độ ở Thái Bình Dương, xu hướng Ấn Độ Dương của New Delhi trong quản lý các vấn đề an ninh tác chiến là rõ ràng.

Trung Quốc “vươn vòi” sang Ấn Độ Dương

. Trong khi cơ quan an ninh thừa nhận những quan ngại về chính sách Biển Đông của Trung Quốc, cuộc tấn công tác chiến chính của Hải quân Ấn Độ diễn ra ở khu vực Ấn Độ Dương, nơi ảnh hưởng chính trị của Ấn Độ được xem là bị ảnh hưởng kinh tế và ngoại giao đang gia tăng của Trung Quốc vượt qua.

Đặc biệt là tuyên bố của Trung Quốc về Con đường tơ lụa trên biển đã gây ra một thách thức đối với chính sách của Ấn Độ trong khu vực. Bề ngoài, kế hoạch biển chủ đạo này tập trung vào việc tạo ra cơ sở hạ tầng khổng lồ và sự kết nối trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, song New Delhi cho rằng có một động cơ chiến lược lớn hơn. Bất chấp những lợi ích kinh tế vốn có của dự án, các nhà phân tích Ấn Độ tin rằng “lời rao hàng” của nó tiết lộ một kế hoạch lớn hơn: đảm bảo nguồn tài nguyên và vận chuyển năng lượng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương thông qua sự hiện diện tác chiến lớn hơn của hải quân Trung Quốc (PLAN). Với dầu lửa và các khoáng sản của Châu Phi ngày càng nằm trong trọng tâm của những đề nghị của Trung Quốc về Ấn Độ Dương, dường như có khả năng mục đích cuối cùng của Con đường tơ lụa trên biển là thiết lập các căn cứ hải quân trong khu vực để bảo vệ những lợi ích vật chất của Trung Quốc.

Việc Bắc Kinh thừa nhận căn cứ hậu cần đầu tiên của nước này ở Ấn Độ Dương, tại Djibouti, chỉ khẳng định những lo ngại của Ấn Độ, thúc đẩy thêm tính toán về cái gọi là kế hoạch của Trung Quốc về nhiều trung tâm hậu cần ở Ấn Độ Dương. Đặc biệt, có những nghi ngờ về bản chất việc sử dụng kép các cơ sở được lên kế hoạch xây dựng, mà nhờ đó các địa điểm bề ngoài là thương mại có thể được nâng cấp thành các trung tâm hải quân trong những thời điểm khủng hoảng địa chính trị. Bất chấp chỉ số chấp nhận đang tăng lên dành cho Con đường tơ lụa trên biển trong các nước Ấn Độ Dương, các nhà quan sát Ấn Độ tiếp tục quan ngại về sự hiện diện hải quân ngày càng tăng của Trung Quốc.

Chắc chắn, New Delhi và Washington đồng ý rằng các mục tiêu Ấn Độ Dương của Bắc Kinh phụ thuộc vào những lợi ích cốt lõi trên biển của nước này ở Thái Bình Dương. Nhưng các nhà phân tích Ấn Độ bất đồng quan điểm với những người đồng nhiệm Mỹ trong việc xem những nỗ lực cải tạo đất của Trung Quốc ở Biển Đông như là một dấu hiệu báo trước sự triển khai sức mạnh lớn hơn đến Vịnh Bengal. Từ điểm lợi thế của Ấn Độ, tranh chấp về lãnh hải ở Đông Nam Á mang lại cho Bắc Kinh một cái cớ hữu ích cho việc tấn công chiến lược vào khu vực Ấn Độ Dương, gây ra mối đe dọa thực hiện chính sách kiềm chế của các cường quốc dân chủ khắp vành đai Châu Á – Thái Bình Dương.

Khó khăn cho New Delhi là nước này cũng bất đồng với cách giải thích của Washington về luật biển và những quyền tự do mà các tàu chiến nước ngoài được hưởng ở những vùng duyên hải. Đặc biệt, Ấn Độ không hoàn toàn ủng hộ những nỗ lực của Mỹ tuyên bố “có quyền đi qua không bị gián đoạn” ở các vùng nước ven biển mà không cần phải xin phép trước nhà nước chủ thể – đặc biệt ở các khu vực được cho là nằm trong các lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của một quốc gia. Trên thực tế, quan điểm của New Delhi về chủ đề này phù hợp với những quan điểm của Bắc Kinh – đặc biệt là về sự cần thiết phải có sự thông báo trước từ các tàu chiến nước ngoài trước khi đi vào các vùng lãnh hải hay EEZ của một nhà nước vùng duyên hải.

Được xem xét qua lăng kính của Ấn Độ, những vụ đột nhập không báo trước qua các lãnh hải và EEZ có chủ quyền dưới cái nhãn “đi qua vô hại” hay “quyền tự do hàng hải” là một tuyên bố có vấn đề. Cho dù UNCLOS cho phép việc đi qua không dừng lại và nhanh chóng – do đòi hỏi của những nhu cầu hàng hải – một động thái được thực hiện chỉ vì mục đích ghi điểm chính trị sẽ là một hành động phi pháp, cho dù hợp pháp về mặt kỹ thuật. Hơn nữa, với việc sử dụng các hệ thống tự động không người lái đang tăng lên, những điều khoản pháp lý cho phép tiếp cận tự do các không gian duyên hải dường như đảm bảo một sự xem xét lại.

Tính hợp pháp của các cuộc tuần tra trên biển ở Biển Đông cũng có những hậu quả đối với chiến lược của hải quân Ấn Độ trong việc đối phó với sự hiện diện của quân đội nước ngoài gần quần đảo Andaman và Nicobar. New Delhi cho rằng nhóm đảo này xứng đáng với trạng thái hợp pháp là một “quần đảo”, mà nếu thiếu điều đó, nước này không thể ngăn các tàu nước ngoài tiếp cận một cách tự do các lãnh hải này.

Những báo cáo vào năm 2015 về sự hiện diện gia tăng của các tàu chiến Trung Quốc xung quanh quần đảo Andaman đã gây ra một sự kích động trong cơ quan an ninh Ấn Độ. Các nhà phân tích Ấn Độ lo ngại các cuộc tuần tra của Mỹ ở Biển Đông có thể khuyến khích hành động trên biển mạnh mẽ hơn của Trung Quốc ở gần quần đảo Andaman và Nicobar, khi hải quân PLA tìm cách mở rộng phạm vi hiện diện tác chiến của nước này ở Ấn Độ Dương – mỉa mai thay, sử dụng chiến thuật tương tự như hải quân Mỹ ở các vùng duyên hải đông nghẹt của Thái Bình Dương.

Những ưu tiên chiến lược

Trong tình hình này, những ưu tiên chiến lược của New Delhi là rõ ràng. Trong ngắn hạn, Ấn Độ sẽ muốn Trung Quốc giảm bớt sự hung hăng của nước này và ngừng nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông. Việc này liên quan đến việc ngừng các hoạt động cải tạo đất và việc tuần tra trên biển quyết đoán. Nhưng New Delhi cũng hy vọng Mỹ và các đồng minh Đông Á sẽ sử dụng đến những chiến lược quân sự ôn hòa hơn trong việc đối đầu với Trung Quốc. Đối với giải pháp hòa bình cho các tranh chấp lãnh thổ phù hợp với luật pháp quốc tế, Trung Quốc và các bên tuyên bố chủ quyền khác sẽ cần tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 và làm giảm giọng điệu quân sự của họ. Tất cả các bên sẽ cần cho thấy sự thành thật trong đàm phán một hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý để quản lý cách ứng xử trên biển ở Biển Đông.

Trong trung và dài hạn, việc truyền bá sức mạnh hàng hải trên chiến trường Thái Bình Dương nằm trong những lợi ích của Ấn Độ. Việc củng cố các khả năng hoạt động trên biển của các nước Đông Nam Á sẽ dẫn đến sự cân bằng sức mạnh ổn định hơn khắp hệ thống chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, dẫn đến sự ổn định và tính có thể dự đoán được lớn hơn ở Ấn Độ Dương. Để điều này xảy ra, Ấn Độ thừa nhận nước này có thể cần là đối tác của Mỹ, Nhật Bản, và Úc ở vùng duyên hải Châu Á rộng lớn hơn để đảm bảo ảnh hưởng của chính nước này chống lại sự hiện diện hải quân và ảnh hưởng chiến lược đang gia tăng nhanh chóng của Trung Quốc.

* Tác giả Abhijit Singh là nhà nghiên cứu tại Viện Phân tích và Nghiên cứu Quốc phòng, New Delhi, Ấn Độ. Bài viết đăng trên Asia Policy số 21

RELATED ARTICLES

Tin mới