Thursday, March 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ - hết đe dọa đến mua chuộc

TQ – hết đe dọa đến mua chuộc

Tân Hoa xã đưa tin, ngày 12-5, khi phát biểu qua cầu truyền hình với Tướng 4 sao Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu liên quân Mỹ, Thượng tướng, Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Phòng Phong Huy cho rằng, Trung – Mỹ cần quản lý nguy cơ xung đột trên Biển Đông một cách xây dựng, hải quân hai nước phải tránh những hành động có thể làm phương hại đến quan hệ song phương, cũng như cải thiện thông tin liên lạc và hợp tác để quản lý nguy cơ.

Đồng thời nhấn mạnh, Trung Quốc coi trọng tự do hàng hải hơn bất kỳ nước nào trên thế giới và không gây ra căng thẳng hiện nay ở Biển Đông. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu liên quân Joseph Dunford tuyên bố, Mỹ – Trung cần thiết lập cơ chế kiểm soát nguy cơ để bảo đảm ổn định trong khu vực tranh chấp trên Biển Đông.

Những cảnh báo cần quan tâm

Cùng ngày 12-5, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest tuyên bố, tiến hành tự do hàng hải trên Biển Đông không phải là hành động khiêu khích và hoạt động của tàu USS William Lawrence nhằm chứng tỏ nguyên tắc: Máy bay và tàu thuyền của Mỹ có thể đến bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.

Đồng thời khẳng định, cộng đồng quốc tế và nhất là các nước trong khu vực đều phản đối hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Bắc Kinh và Washington đưa ra những tuyên bố kể trên sau khi Trung Quốc điều máy bay tiêm kích và 3 tàu chiến đeo bám khi tàu khu trục Mỹ USS William Lawrence đang tiến hành tự do hàng hải trong “khu vực 12 hải lý” quanh bãi đá Chữ Thập.

Ngày 14-5, tờ China Daily đổ lỗi cho sự căng thẳng gia tăng hiện nay ở Biển Đông xuất phát từ việc tàu khu trục Mỹ USS William Lawrence đã đi vào “vùng biển của Trung Quốc” trước đó mấy hôm.

Cũng trong ngày 12-5, Tạp chí Quốc phòng IHS Jane’s dẫn thông tin từ Đài Truyền hình Nhà nước Trung Quốc tiết lộ, thượng tuần tháng 5, một máy bay ném bom H-6K của không quân nước này đã bay qua căn cứ không quân Bắc Kinh vừa xây dựng trái phép trên bãi đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tuy nhiên, chương trình không nói ngày triển khai và có thể đáp xuống bãi đá này không.

Tháng trước, máy bay vận tải quân sự Y-8 của Hải quân Trung Quốc đã ngang nhiên hạ cánh xuống đường băng xây trái phép trên bãi đá Chữ Thập và Lầu Năm Góc lập tức kêu gọi Bắc Kinh không được tiếp diễn động thái này. Tờ China Times nhận định, Trung Quốc đang phát đi tín hiệu đến “các nước liên quan” rằng, Bắc Kinh sẽ quyết bảo vệ yêu sách bành trướng vô lý và phi pháp của họ ở Biển Đông đến cùng.

Theo nhận định của Đô đốc nghỉ hưu Jonathan Greenert, Washington và Tokyo nên cân nhắc các hoạt động chung tại Biển Đông, nơi các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc đang gây căng thẳng. Đồng thời thúc giục các quốc gia Đông Nam Á cân nhắc khả năng có hành động chung để giải quyết vấn đề trên biển hiệu quả hơn. Còn theo nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản, cuộc tập trận chung mang tên Malabar giữa Nhật Bản, Mỹ và Ấn Độ dự kiến diễn ra tại vùng biển gần tỉnh Okinawa vào trung tuần tháng 6.

Mục đích của cuộc tập trận là tăng cường quan hệ 3 nước trong lĩnh vực an ninh hàng hải và giám sát các hoạt động trên biển ngày càng bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông và biển Hoa Đông. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, Nhật Bản tham dự cuộc tập trận Malabar và Tokyo có kế hoạch mở rộng mức độ tham gia trong cuộc tập trận lần này.

trung quoc het de doa den mua chuoc
Tàu khu trục tên lửa USS William Laurence

Đằng sau chiến dịch PR

Ngày 16-5, tờ National Interest cho rằng, mục tiêu của chiến dịch “truyền bá tình yêu” Trung Quốc hiện nay là nhằm chứng minh, các nước ASEAN đang tranh chấp trên Biển Đông là những quốc gia phải chịu trách nhiệm vì “hành động khiêu khích” của mình hoặc vì “đã để cho Mỹ lợi dụng”. Và việc Bắc Kinh đưa các nhà ngoại giao đi khắp thế giới để tuyên truyền “Trung Quốc là nước hành xử đạo đức trên Biển Đông” nhằm chứng minh rằng, lý do duy nhất của mọi rắc rối trên Biển Đông hiện nay là Mỹ đã lừa bịp Philippines, Malaysia…

Nhưng thực tế cho thấy, chiến dịch PR của Trung Quốc không thu được kết quả như mong đợi bởi nhiều nước đã sớm nhận ra bộ mặt thật của Bắc Kinh – lời nói không đi đôi với việc làm, luôn tìm mọi cách để bao biện cho hành vi sai trái, bành trướng tại Biển Đông và biển Hoa Đông.

Và trước khi Tòa Trọng tài Thường trực quốc tế (PCA) ở La Hay, Hà Lan công bố phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, Bắc Kinh đang cố gắng tăng cường cam kết với các nước ASEAN, nhưng hầu hết các quốc gia này đều ngần ngại. Bởi họ đã từng chứng kiến, thậm chí là nạn nhân của trò lừa phỉnh này. Bộ Ngoại giao Trung Quốc vừa đề nghị ra một tuyên bố chung về tranh chấp Biển Đông với ASEAN, nhưng chưa nhận được sự hưởng ứng của các nước hữu quan.

Tiến sĩ Jay Batongbacal đến từ Đại học Philippines cho rằng, Trung Quốc đang thua trong trận chiến tại PCA và dư luận quốc tế, nhưng đây là tình huống do họ tự tạo ra. Theo nhận định của ông Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Viện Nghiên cứu quốc tế và an ninh thuộc Đại học Chulalongkorn (Thái Lan), Trung Quốc đang dùng đòn bẩy kinh tế để đạt lợi ích địa – chính trị. Đồng thời gây chia rẽ trong ASEAN vì các nước nhỏ có xu hướng nghiêng về Trung Quốc… trong khi các nước ven biển như Philippines lại sẵn sàng đối đầu.

Tiến sĩ Daniel Wei Boon Chua đến từ Đại học Công nghệ Nam Dương Singapore cảnh báo, nếu ASEAN bị Trung Quốc chia rẽ trong vấn đề Biển Đông, thì các nước hữu quan sẽ có hậu quả khôn lường.

Trước đó, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc từng đưa tin, ngày 7-5, Hiệp hội Luật quốc tế Trung Quốc đã tổ chức hội nghị thường niên tại thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm và vụ kiện “đường lưỡi bò” của Philippines được các đại biểu tham dự đặc biệt quan tâm. Và họ đều cho rằng, vụ kiện là sai trái vì Philippines đã phá vỡ thỏa thuận với Trung Quốc – phải giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương!?

Những thay đổi nguy hiểm ở Biển Đông

Một số học giả tại Trung tâm Đông Nam Á, Australia và châu Đại Dương thuộc Viện Phương Đông, Học viện Hàn lâm khoa học Nga cảnh báo về những thay đổi nguy hiểm ở Biển Đông, trong đó có việc Trung Quốc xây dựng các đảo mới và mở rộng những đảo cũ, đồng thời lắp đặt hệ thống tên lửa, căn cứ hải quân và không quân tại khu vực này. Và điều đó tạo nên những đe dọa mới đối với an ninh trong khu vực và vi phạm nguyên tắc, cũng như luật pháp quốc tế. Đồng thời khẳng định, con đường duy nhất để giải quyết xung đột tại Biển Đông là thông qua đàm phán trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Ngày 16-5, tờ Đa Chiều bình luận, trong khi cuộc chạy đua tàu ngầm ở Biển Đông vẫn đang tiếp tục, thì trên mặt biển cũng thường xuyên diễn ra các cuộc thư hùng không kém. Và loại tàu vừa được giới truyền thông Trung Quốc đăng tải là tàu cao tốc lớp Houbei, được tờ Đa Chiều gọi là “bầy sói” đang xuất hiện ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trong tương lai gần, Trung Quốc có thể kéo “bầy sói” này ra bãi đá Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi đóng quân. Giới quân sự coi đây là loại tàu cao tốc Trung Quốc thiết kế để tấn công Đài Loan (hiện đã đưa vào biên chế hơn 80 chiếc).

Theo nhận định của ông Thời Ân Hoằng, giáo sư về quan hệ quốc tế của Đại học Nhân Dân Trung Quốc, nếu không có sức mạnh quân sự, Bắc Kinh sẽ không giành được chiến thắng ở Biển Đông. Đồng thời cho rằng, va chạm Trung – Mỹ trên Biển Đông nhiều khả năng sẽ trở thành trạng thái bình thường mới.

Trước đó (13-5), tờ Quốc phòng Trung Quốc đăng bài “Quân đội Trung Quốc có năng lực đối phó với các sự kiện bất trắc ở Biển Đông”. Đồng thời kiến nghị, Bắc Kinh cần tiếp tục tuyên truyền ở mọi cấp độ và không chấp nhận phán quyết của PCA.

Ngày 15-5, tờ China Times đưa tin, Trung Quốc đang đổ lỗi cho Mỹ “đứng sau thao túng phán quyết của PCA” và gây căng thẳng trên Biển Đông. Vì coi phán quyết của PCA là thách thức lớn nhất Trung Quốc đang gặp phải, ảnh hưởng lớn tới mưu đồ độc chiếm Biển Đông, nên Bắc Kinh đã và đang triển khai chiến dịch “tung hỏa mù” – chủ động chuẩn bị trên các mặt trận, từ dư luận, ngoại giao, đến quân sự nhằm chống lại ảnh hưởng từ phán quyết của PCA.

Giới truyền thông nhà nước Trung Quốc ra sức tuyên truyền, vụ kiện của Philippines là âm mưu của Mỹ nhằm kích động chống Trung Quốc, kiềm chế Bắc Kinh; Biển Đông chỉ là cái cớ để Mỹ can thiệp vào các vấn đề khu vực, khuấy động căng thẳng để cô lập Trung Quốc.

Tiến sĩ Bonnie Glaser đến từ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) cũng cho rằng, nỗ lực của Trung Quốc trong cuộc chiến ngoại giao về vụ kiện đã không thành công, kể cả khi Bắc Kinh sử dụng thủ đoạn cây gậy và củ cà rốt. Giáo sư Jerome Cohen đến từ Đại học Luật New York có chung đánh giá như bà Bonnie Glaser – việc Trung Quốc từ chối tuân thủ luật pháp quốc tế chỉ khiến cho Bắc Kinh giống như một kẻ bắt nạt trong mắt thế giới.

“Trung Quốc có thể làm như Iran trên Biển Đông”, đó là cảnh báo của giới chuyên môn sau khi Tướng Hossein Salami, Phó tư lệnh Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran, dọa sẽ đóng cửa eo biển Hormuz nếu Mỹ và các đồng minh tiếp tục tập trận trong khu vực này, đe dọa Tehran.

Theo nhận định của nhà phân tích địa – chính trị Tim Daiss, giống như Iran, Trung Quốc có thể đưa ra lời đe dọa tương tự để gây áp lực đối với các hoạt động của hải quân Mỹ. Và Trung Quốc không chỉ là đòi gần 80% Biển Đông, Bắc Kinh còn muốn kiểm soát thực tế vùng biển này và giảm thiểu ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới