Friday, April 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ không vỡ nợ vì in thêm tiền:Tính toán của Donald Trump

Mỹ không vỡ nợ vì in thêm tiền:Tính toán của Donald Trump

Theo PGS.TS Lê Cao Đoàn, Donald Trump không phải là nhà kinh tế học nhưng ông ta là nhà kinh doanh mẫu mực, đối với tiền bạc rất chặt chẽ.

Nợ công tăng không đáng ngại với Mỹ

Trước những lo ngại  nợ công vượt ngoài tầm kiểm soát (tăng từ mức tương đương 87% GDP năm 2009 lên 104% GDP vào tháng 12/2015) có thể đặt nước Mỹ vào nguy cơ xảy ra khủng hoảng nợ công hoặc vỡ nợ công, PGS.TS Lê Cao Đoàn, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, nợ công luôn là vấn đề lớn của thế giới và mỗi quốc gia, nhất là ở khía cạnh chính trị khi người ta nhìn vào nợ công để đánh giá năng lực quản trị của chính phủ.

Ông cũng khẳng định, câu chuyện của nước Mỹ không phải quá bí mật hay khó hiểu vì đây là quốc gia hiện đại và Mỹ đang là người định hình cho sự phát triển của nhân loại.

“Một quốc gia như vậy mà sử dụng hệ thống tài chính một cách bừa bãi, kém hiệu quả, có nguy cơ đẩy nước Mỹ rơi vào vỡ nợ thì thế giới này sẽ ra sao? Ở nơi tập trung đến 80% giải thưởng Nobel về kinh tế mà không giải quyết được vấn đề nợ công thì rất buồn cười.

Thực ra vấn đề nợ trong nền kinh tế rất bình thường, đó là câu chuyện các quan hệ tín dụng diễn ra một cách không bình thường và có khả năng gây ra khủng hoảng nợ. Khủng hoảng nợ thực chất là hệ thống tín dụng, cho vay kém, cuối cùng làm cho dòng chảy tài chính không được lưu thông bình thường, không tái sản xuất được. Nợ chính là đòn bẩy của sự phát triển vì nó thu hút được vốn để tạo ra các dòng chảy tài chính, trong đó quan trọng nhất là trả được nợ, nếu vốn huy động được sử dụng vào các lĩnh vực hay được kinh doanh một cách hiệu quả thì không có vấn đề gì.

Vậy nước Mỹ đã dùng vốn ấy như thế nào? Ai dùng? Nợ công ở đây là do chính phủ dùng tiền của quốc gia để tiêu pha cho hoạt động của chính phủ và đầu tư công. Tuy nhiên, sẽ không đáng ngại nếu các hoạt động ấy có hiệu quả, có sự ràng buộc chặt chẽ trongđầu tư, chi tiêu.

Do đó, dẫu nợ công Mỹ có lên 200% GDP vẫn không có gì đáng ngại. Họ có thể dùng các định chế để di chuyển nợ này sang nợ khác được nên đây không phải là vấn đề lớn đối với nước Mỹ”, PGS.TS Lê Cao Đoàn khẳng định.

Donald Trump-nhà kinh doanh mẫu mực

Trong quá trình vận động tranh cử, ứng viên tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump nhiều lần chỉ trích chính phủ “biến quốc gia thành chúa Chổm”. Ông cũng tuyên bố sẽ “tái cấu trúc” và giảm nợ công bằng những biện pháp quyết liệt như in thêm tiền, thương lượng lại với chủ nợ, mua lại trái phiếu với giá thấp trên thị trường, đánh thuế lên hàng nhập khẩu, tăng thuế đối với giới giàu có…

Trước khi bình luận về những đề xuất của Donald Trump, PGS.TS Lê Cao Đoàn nhấn mạnh, Trump là một nhà kinh doanh nên rất quan tâm đến câu chuyện chi phí và sẽ không có chuyện nước Mỹ phải è cổ ra chịu tất cả các chi phí đầu tư vào hoạt động của thế giới.

Đối với để xuất in tiền để trả nợ của Donald Trump, theo ông Đoàn, đây cũng là một giải pháp nhưng không phải là giải pháp có tính chất kinh tế học. Trump là một nhà kinh doanh, tức là đứng trên lập trường của kinh tế để nhìn nhận và giải quyết vấn đề.

“Ở đây ông ta yêu cầu các hoạt động của nước Mỹ phải tính đến hiệu quả, các quan hệ  giữa chi phí và lợi ích đối với tất cả những người tham gia vào trò chơi của quốc tế hiện nay”, vị chuyên gia lưu ý.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng, khi khủng hoảng tài chính mà dùng biện pháp in tiền (phát hành tiền) dưới dạng tăng giá trị giả nhưng nghĩa là phải có giá trị thật bằng các thu nhập quốc dân ở trong đó chứ không thể in một cách bừa bãi.

“Nếu Mỹ in tiền bừa bãi, thử hỏi niềm tin tài chính của thế giới về đồng USD có còn hay không?”, PGS.TS Lê Cao Đoàn đặt câu hỏi.

Vì thế, vị chuyên gia kinh tế lưu ý rằng, phải kiểm chứng được ông Trump phát biểu như thế nào trong bối cảnh nào mởi hiểu cặn kẽ được giải pháp mà ông ta đề ra. Trump không phải là nhà kinh tế học nhưng là nhà kinh doanh và ông ta rất chặt chẽ về đồng tiền, không có chuyện bừa bãi. 

“Trong một vài trường hợp bất đắc dĩ phải vay nợ nóng của người dân thì phải minh bạch, có định chế (mua-bán) trong này chứ không thể in tiền ra để móc túi người khác được. Do đó, tôi nghĩ một quốc gia hiện đại như Mỹ, những người đứng đầu không thể dùng cách ấy được.

Các chính phủ ở thời kỳ không ổn định có thể in tiền trong một số trường hợp nhằm nhất thời giải quyết việc gì đó còn nói về giải pháp phát triển kinh tế thì không được như thế. Việc phát hành tiền tệ có quy tắc, nguyên lý của nó, không thể nào làm bừa bãi được. Phát hành tiền phải tương ứng với giá trị, sự thay đổi của giá cả và sản lượng của quốc gia đó, các cấu trúc của giá trị toàn bộ GDP để nền kinh tế lưu thông một cách bình thường”, PGS.TS Lê Cao Đoàn nói.

Ông cũng khẳng định: “Bàn về nước Mỹ phải rất thận trọng vì đây là quốc gia hiện đại, là nền kinh tế lớn nhất thế giới, có hệ thống doanh nghiệp, tài chính, ngân hàng và nhà nước hoàn thiện, đặc biệt các giải pháp họ đưa ra luôn có tính hợp lý ở trong đó.

Tôi không tin ông Donald Trump lại phát biểu bừa bãi. Ông ta tuyên mạnh mẽ nhưng là một nhà kinh doanh từng trải, kiếm được hàng tỷ USD, lại là người công chúng, không hề kém cỏi chút nào. Trong các đời tổng thống Mỹ, Ronald Reagan từng là diễn viên điện ảnh nhưng ông ta đã trở thành một tổng thống giỏi của Mỹ, được đánh giá cao. Chính vì thế, khi phát biểu hay làm gì, những con người ấy đều phải dựa trên các nguyên lý chặt chẽ”.

Cũng bàn về việc trả nợ của nước Mỹ, Donald Trump cho biết ông có thể “làm một thương vụ hời” trên nợ Mỹ bằng cách thuyết phục các chủ nợ của nước này chấp nhận mức thanh toán thấp hơn, chẳng hạn như 85 cent cho mỗi USD.

Theo PGS.TS Lê Cao Đoàn, về mặt kinh tế, các nhà kinh doanh không bao giờ chịu mất tiền, cũng không nhường nhịn ai. Việc giãn nợ, chiết khấu nợ… bao giờ cũng phải kèm theo điều kiện.

“Câu chuyện ông Trump đề cập đến về mặt kinh tế học có các nguyên tắc ở trong đó. Các nhà kinh doanh không chịu mất tiền, họ chỉ có lợi trong phạm vi rộng, trước mắt hay lâu dài mà thôi, khi nợ đến hạn thì phải đáo hạn, phải có các thỏa thuận về lợi ích trong này. Chẳng hạn, các chủ nợ có thể giãn nợ cho con nợ nhưng sẽ tính lãi suất cao hơn để tạo ra áp lực, con nợ không thể dựa vào chuyện này để không nâng cao năng lực quản trị của mình.

Rõ ràng, trong tuyên bố của Donald Trump có ý nói rằng, đối với nợ xấu của Mỹ đừng để nó xấu hơn, phải giải quyết nợ để nền kinh tế đỡ tổn thương hơn. Trump là nhà kinh doanh mẫu mực, tiền nằm trong túi ông ta rất chắc và người Mỹ mê Trump ở điểm này:, PGS.TS Lê Cao Đoàn kết luận.

RELATED ARTICLES

Tin mới