Wednesday, January 15, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiErdogan, Thổ Nhĩ Kỳ, và cuộc chiến chống lại cả thế giới

Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ, và cuộc chiến chống lại cả thế giới

Trong bối cảnh Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đang ngày một tiến gần hơn tới vị thế toàn quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ, thế giới đang phải đối mặt với một lãnh đạo không ngại “gây sự”.

Chuyên gia Semih Idiz nhận định trên trang tin al-Monitor, việc Erdogan loại bỏ được Thủ tướng Ahmet Davutoglu để “dọn đường” đến với quyền lực tối thượng tại Thổ Nhĩ Kỳ đang khiến rất nhiều người tự hỏi, liệu điều đó sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến mức nào tới chính sách đối ngoại của Ankara.

Với cái cách mà Erdogan đã và đang đẩy mạnh những phát ngôn chống lại phương Tây, nhiều người đang lo ngại rằng quan hệ đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ và châu Âu sẽ còn rạn nứt trong tương lai gần, trong bối cảnh các bên vẫn còn quá nhiều khúc mắc dường như không thể giải quyết.

Theo chuyên gia Idiz, giọng điệu đổ lỗi cho tất cả là lý do tại sao Erdogan lại được lòng số đông tín đồ Hồi giáo bảo thủ ở Thổ Nhĩ Kỳ đến vậy. 

Và khi đang cần sự hậu thuẫn chính trị để thay đổi hiến pháp và trở thành người duy nhất nắm thực quyền tại Ankara, Erdogan gần như chắc chắn sẽ còn áp dụng những chiêu bài dân túy trong tương lai. 

“Khi cần đứng lên tỏ thái độ cương quyết trước cả thế giới, tôi hiểu rằng mình có thể làm được điều đó bởi phía sau đã có sự ủng hộ của công chúng Thổ Nhĩ Kỳ. Tất cả thế giới Hồi giáo đang nhìn vào Thổ Nhĩ Kỳ để học tập” – ông Erdogan phát biểu trước người dân tại thành phố Malatya hôm 7/5.

Giọng điệu trong phát biểu nói trên cũng như những tuyên bố trong thời gian qua của Erdogan cho thấy, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ muốn một thế giới Hồi giáo hợp nhất, với tầng lớp lãnh đạo đủ khả năng đối mặt với phương Tây ở vị thế bề trên.

Khi ông Davutoglu còn nắm chức Thủ tướng, quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với châu Âu đang tương đối “thuận buồm xuôi gió”, nhất là sau thỏa thuận người nhập cư kí kết cùng Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 3 vừa qua. Thỏa thuận này cũng kèm theo quyền đi lại tự do trong EU cho người Thổ.

Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ, và cuộc chiến chống lại cả thế giới - Ảnh 1.

 Davutoglu (trái) luôn là sợi dây kết nối giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng… Ảnh: EPA

Nhưng thỏa thuận này đang đứng trước nguy cơ đổ bể vì Erdogan. 

Tức giận trước một trong những điều kiện EU đặt ra để đổi lấy quyền đi lại tự do nói trên, cụ thể là Thổ Nhĩ Kỳ cần điều chỉnh luật pháp để giảm thiểu phạm vi quy định các hành động bị liệt vào dạng khủng bố, Erdogan tuyên bố Ankara sẽ không việc gì phải làm như vậy. 

Hiện nay, EU đang rất quan ngại trước việc bất kì quan điểm trái chiều nào cũng bị luật pháp Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào tội khủng bố.

Trong một bài phát biểu tại Istanbul, Erdogan nói thẳng rằng nếu châu Âu không tán thành quan điểm của ông trong vấn đề này, thì Ankara sẵn sàng “đường ai nấy đi” với EU. 

Nói cách khác, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định ông không ngần ngại phá vỡ thỏa thuận EU đã đạt được với Davutoglu trước đó nếu cần. 

Đáng chú ý, tuyên bố này được đưa ra chỉ một ngày sau khi Davutoglu mất chức, do đó rất nhiều người cho rằng chính thỏa thuận nói trên là nguyên nhân khiến cựu Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ phải ra đi. 

Erdogan cũng thường xuyên “nổi xung” vì cái mà ông gọi là sự thiếu cảm thông của EU đối với người nhập cư Syria. 

Trong một bài phát biểu tại thị trấn Kocaeli tuần trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích phương Tây thậm tệ vì “nhạy cảm với quyền của người đồng tính, rồi thì quyền động vật, nhưng lại không đoái hoài gì đến những phụ nữ và trẻ em Syria”.

Giới chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ cũng không tỏ ra lạc quan về tương lai quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-EU.

“Brussels và Berlin đã chịu quá đủ những màn đe dọa và giọng điệu lỗ mãng của Erdogan và bộ sậu, và họ càng lo ngại hơn khi giờ đây Davutoglu. một người nói được cả tiếng Anh và tiếng Đức và ít nhất cũng biết đối thoại nếu so với Erdogan, giờ đã mất chức” – nhà báo Elmas Topcu của trang tin Diken nhận định.

Không dừng lại ở vấn đề nhập cư, Erdogan còn chĩa mũi dùi công kích vào phương Tây về việc không những không ủng hộ Ankara trong cuộc chiến chống lại đảng Lao động người Kurd (PKK), mà còn đi hậu thuẫn một nhánh của PKK là YPG ở Syria.

Trong đó, Ankara cực kì bất bình với việc Washington công nhận PKK là khủng bố nhưng lại cương quyết từ chối không liệt YPG vào danh sách này, cũng như với việc Mỹ coi nhóm dân quân người Kurd ở Syria là đồng minh trong chiến dịch chống IS.

Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ, và cuộc chiến chống lại cả thế giới - Ảnh 2.

 Mỹ vẫn coi lực lượng dân quân người Kurd là Syria là đồng minh trong cuộc chiến chống IS. Ảnh: Breibart

Ông Erdogan chỉ trích phương Tây chỉ “làm um lên” nếu Paris hay Brussels bị khủng bố, còn khi PKK tấn công Istanbul thì họ “chẳng biết nói gì cả”.

Erdogan còn định “loạn ngôn” đến bao giờ?

Rất nhiều người đang đặt câu hỏi như vậy, bởi rõ ràng Thổ Nhĩ Kỳ có mối liên hệ mật thiết với EU và Mỹ trên quá nhiều phương diện, từ chính trị, quân sự, đến kinh tế.

Theo cựu Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ Nuzhet Kandemir, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây không thể cải thiện nếu Erdogan cứ phát biểu theo kiểu này. 

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng Erdogan tuy bề ngoại nói cứng với phương Tây là vậy, nhưng chính sách thì chưa chắc đã thể hiện điều đó. Và kể cả khi căng thẳng có tiếp diễn, thì khó có thể có chuyện Thổ và phương Tây cắt đứt quan hệ. 

“[Đảng cầm quyền] sẽ tiếp tục đẩy Thổ Nhĩ Kỳ tiến gần hơn với phương Đông, nhưng khi nhìn nhận một cách thực tế thì họ vẫn sẽ giữ quan hệ mật thiết với phương Tây” – cựu Đại sứ Kandemir nhận định.

Rõ ràng phương Tây cũng hiểu rằng họ không thể cắt đứt quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, và đành phải chấp nhận chịu đựng tính cách có phần quái gở của Erdogan.

Đương nhiên Erdogan cũng hiểu phương Tây cần Thổ đến mức nào, và sẽ còn tiếp tục chính sách đối ngoại theo kiểu “thích gây sự” như hiện nay.

RELATED ARTICLES

Tin mới