Friday, April 26, 2024
Trang chủBiển nóngBiện pháp xử lý tàu cá phi pháp của Indonesia và một...

Biện pháp xử lý tàu cá phi pháp của Indonesia và một số kiến nghị đối với Việt Nam

Ngay sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Indonesia Joko Widodo (10/2014) đã thực hiện nhiều biện pháp cứng rắn xử lý các tàu cá xâm phạm vùng biển của Indonesia; đồng thời phát động chiến dịch bảo vệ tài nguyên biển và ngành công nghiệp đánh bắt cá trong nước.

Indonesia đánh chìm tàu cá nước ngoài

Indonesia tiến hành đồng bộ, nhất quán các biện pháp bắt giữ, xử lý tàu cá nước ngoài đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của Indonesia.

Trong bối cảnh tình hình đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của Indonesia đang ngày càng gia tăng, gây thiệt hại lớn đến nền kinh tế và hoạt động đánh bắt cá của ngư dân Indonesia. Bộ Hàng hải và Ngư nghiệp Indonesia cho biết, hằng năm Indonesia bị thất thoát khoảng 300.000 tỉ rupiah (23 tỉ USD) do thủy sản bị đánh bắt trộm bởi tàu cá nước ngoài và hằng ngày có khoảng 5.400 tàu cá hoạt động trái phép trong vùng biển của Indonesia. Chính quyền của Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã có sự điều chỉnh chính sách mang tính cứng rắn hơn so với cựu Tổng thống Yudhoyon. Ông Yudhoyono từng phải làm ngơ trước 3 vụ (2 vụ trong năm 2010 và 1 vụ trong tháng 3/2013) tàu vũ trang Trung Quốc buộc tàu kiểm ngư Indonesia thả ngư dân Trung Quốc đánh cá trái phép ở vùng biển Natuna và Indonesia buộc phải đồng ý để bảo đảm an toàn, tính mạng cho thủy thủ đoàn. Các vụ này vào thời điểm đó không được công bố trên phương tiện truyền thông. Từ cuối năm 2014 đến nay, các cơ quan chức năng của Indonesia sẵn sàng đánh chìm các tàu cá vi phạm; tính đến nay, Indonesia đã đánh chìm gần 200 tàu cá nước ngoài, chủ yếu là các tàu cá của Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Trung Quốc, Papua New Guinea. Việc đánh chìm các tàu cá nói trên chủ yếu được tiến hành tại các căn cứ hải quân: Tarempa (tỉnh Batam), Rinai (tỉnh Riau Islands), Bitung (Bắc Sulawesi), Pontianak và Tarakan (tỉnh Kalimantan).

Chính sách “đánh chìm tàu cá” là một phản ứng nhanh do Bộ Hàng hải và Ngư nghiệp Indonesia Susi Pudjiastuti đưa ra, dựa trên cơ sở pháp lý của Điều 60 và Điều 69, khoản 4 Luật số 45/2009 về ngư trường và thủy sản, cho phép lực lượng bảo vệ bờ biển có thể đánh đắm tàu cá nước ngoài hoạt động trái phép trong vùng biển của Indonesia dựa vào bằng chứng sơ bộ đầy đủ. Ngoài ra, Indonesia cũng quyết định kéo dài lệnh cấm cấp giấy phép cho các tàu cũ của nước ngoài có trọng lượng 30 GT (tương đương tàu có trọng tải 45 tấn).

Hiện các cơ quan, Bộ, ban, ngành của Indonesia tiến hành bắt giữ, xử lý tàu cá phi pháp một cách đồng bộ, nhất quán. Lực lượng chấp pháp (hải quân, kiểm ngư, Lực lượng Chuyên trách về Đánh bắt Trái phép Indonesia) tiến hành tuần tra, giám sát, bắt giữ và lai dắt các tàu cá vi phạm vào bờ. Tòa án các cấp có nhiệm vụ xét xử và đưa ra phán quyết cuối cùng về việc có đánh chìm tàu vi phạm hay không. Bộ Ngoại giao Indonesia đưa ra các công hàm ngoại giao phản đối nước có tàu cá vi phạm, yêu cầu nước sở tại tuân thủ và trao các tàu vi phạm để xét xử theo luật pháp của Indonesia. Trước đây, Bộ Ngoại giao Indonesia (22/3/2016) trao công hàm phản đối Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc trao tàu cá Kway Fey 10.078 cho chính phủ Indonesia để xử lý theo luật pháp Indonesia. Lần đầu tiên Indonesia họp báo quốc tế, công bố tàu bán vũ trang Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Indonesia, bất chấp việc Trung Quốc yêu cầu không công bố thông tin trên.

Indonesia đang thực hiện các hành động mạnh mẽ và kiên quyết hơn để thực thi các quy định là nhằm: Bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh hải và đảm bảo an ninh trong vùng biển; Khẳng định quần đảo Natuna và các vùng biển xung quanh là thuộc chủ quyền của Indonesia, không tồn tại tranh chấp chủ quyền giữa Indonesia và Trung Quốc ở khu vực này; Tiếp tục ngăn chặn nạn đánh bắt cá bất hợp pháp, quản lý và bảo vệ nguồn lợi hải sản; Tăng cường nhận thức của người dân về tình hình và tương lai của đất nước nếu nạn đánh bắt cá trái phép tiếp tục tái diễn; Cảnh cáo, răn đe và ngăn chặn tàu cá các nước đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của Indonesia.

Thời gian tới, Indonesia sẽ tiếp tục thực thi chính sách cứng rắn đối với các tàu cá trái phép: Thứ nhất, chính sách cứng rắn của Chính quyền Tổng thống Joko Widodo đã nhận được sự ủng hộ của đa số người dân và nghị sỹ Quốc hội. Thứ hai, tình trạng đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của Indonesia đã giảm nhanh chóng, các nước thường có tàu cá bị bắt giữ đều cảnh báo ngư dân không nên xâm phạm vùng biển của Indonesia. Bộ trưởng Hàng hải và Ngư nghiệp Indonesia Susi Pudjiastuti tuyên bố chiến dịch đánh chìm tàu cá bất hợp pháp đã khiến số tàu cá hoạt động bất hợp pháp trên vùng biển Indonesia giảm tới 90%. Thứ ba, Indonesia sẽ điều thêm các tàu tuần tra cỡ lớn tới vùng biển xung quanh quần đảo Natuna để đề phòng các tàu hải cảnh Trung Quốc có hành vi chống đối. Tuy nhiên, do quan hệ hợp tác đầu tư, kinh tế và thương mại giữa Indonesia và Trung Quốc, khiến Indonesia sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong khi xử lý các tàu cá Trung Quốc. Được biết, Trung Quốc hiện là nước đầu tư lớn nhất tại Indonesia.

Tuy nhiên, chính sách xử lý của Indonesia còn một số hạn chế: Về lâu dài Indonesia sẽ không có đủ nguồn lực để bắt, đưa ra tòa xử lý rồi bắn hủy hết các tàu vi phạm, đặc biệt là các tàu lớn. Indonesia nên khởi xướng một sáng kiến khu vực với sự tham gia của các nước như Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan và VN để lập nên một thỏa thuận khung giải quyết vấn đề một cách đa phương và triệt để. Ngư dân Indonesia cũng vi phạm trong vùng biển của các nước láng giềng, song các nước đều có biện pháp xử lý linh động hơn.

Ngoài ra, chính sách đánh chìm tàu cá nước ngoài có một số điểm không phù hợp với Luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Điều 69, khoản 4, Luật số 45 năm 2009 về thủy sản của Indonesia không quy định rõ khu vực quản lý đánh cá. Trong khi đó, UNCLOS phân chia biển thành các khu vực và mỗi khu vực được thừa nhận các quyền tương ứng. Theo quy tắc “ngón tay cái” với quyền của các khu vực theo UNCLOS là càng xa bờ bao nhiêu thì càng ít quyền lợi hơn bấy nhiêu. Điều 73 UNCLOS cũng quy định những biện pháp có thể được thực thi pháp luật và các quy định của các quốc gia ven biển trong vùng EEZ, trong đó quy định việc thực thi quyền trong khu vực EEZ có thể bao gồm khám xét, bắt giữ, tiến hành các thủ tục tố tụng tư pháp, hình phạt cho các hành vi vi phạm (nếu có) không bao gồm phạt tù và các hành vi nhục hình, thậm chí việc thả phương tiện và thủy thủ đoàn ngay lập tức đều được hoan nghênh. Điều 292 UNCLOS quy định liên quan đến việc phóng thích ngay lập tức tàu và thủy thủ, trong đó có cơ chế giải quyết tranh chấp phát sinh giữa nhà nước mà tàu đang bị giam giữ cắm cờ và quốc gia ven biển, hai nước có khoảng thời gian mười ngày kể từ thời gian tàu bị giam giữ để lựa chọn cơ quan tài phán và nếu không làm như vậy thì sẽ tự động hủy bỏ việc áp dụng các lựa chọn cơ quan phán xét theo Điều 287 của UNCLOS.

Nhìn chung, các nước trong khu vực đều quan ngại trước các biện pháp cứng rắn của Indonesia, kêu gọi Indonesia tuân thủ quy định Luật quốc tế, đảm bảo an toàn cho ngư dân. Việt Nam, Thái Lan, Malaysia đều có tuyên bố thể hiện quan ngại trước việc Indonesia đánh chìm một số tàu cá của nước mình; yêu cầu Indonesia khi xử lý các ngư dân vi phạm phải phù hợp với quan hệ giữa song phương và trên tinh thần đối xử nhân đạo với các ngư dân. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có công hàm gửi phía Indonesia và yêu cầu phía Indonesia khi xử lý các ngư dân Việt Nam vi phạm lãnh hải của Indonesia cần phải phù hợp với quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước, cùng là thành viên của ASEAN và trên tinh thần đối xử nhân đạo với các ngư dân.

Tuy nhiên, Trung Quốc và Đài Loan có những hành động đáp trả quá khích đối với Indonesia. Trung Quốc thường dùng lực lượng Hải Cảnh, Hải Giám tấn công các tàu chấp pháp của Indonesia để giải cứu cho các tàu cá vi phạm; một số quan chức ngoại giao gửi thư, tin nhắn mang tính cảnh cáo Indonesia sẽ phải chịu hậu quả nếu đánh chìm tàu cá của Trung Quốc. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã biện minh cho những hành động trên khi khẳng định các tàu đánh cá Trung Quốc chỉ thực hiện các “hoạt động bình thường” trong “những vùng đánh bắt truyền thống của Trung Quốc”.

Dư luận nhìn chung cho rằng, tình hình ở Biển Đông vốn đang chịu nhiều căng thẳng, hành động của Indonesia sẽ khiến căng thẳng leo thang một cách không cần thiết; Thu giữ và phá hủy tàu cá nước ngoài, đặc biệt là những người láng giềng đáng quý là một hành động không thân thiện; việc Indonesia trừng phạt nặng các tàu cá nước ngoài cho thấy sự bất lực của Indonesia trong việc bảo vệ các nguồn tài nguyên của mình; Kêu gọi Indonesia cần dừng chính sách trên và thảo luận vấn đề này thông qua con đường ngoại giao; Hành động của Indonesia là một kiểu phô trương thanh thế, vượt qua giới hạn, đi ngược lại tinh thần đối thoại của ASEAN, gây mất ổn định và phá vỡ tình đoàn kết trong nội bộ khối ASEAN. Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng Chính quyền Indonesia đã tỏ ra cứng rắn với Việt Nam và Thái Lan nhưng lại tỏ ra yếu đuối đối với TQ và Nhật Bản; việc đánh chìm các tàu cá có thể gây ô nhiễm môi trường biển nơi chúng chìm xuống; đây là động thái chủ nghĩa dân tộc cực đoan hẹp hòi được theo đuổi để tìm kiếm ủng hộ của cử tri Indonesia.

Đối với Việt Nam, việc bắt giữ, xét xử các tàu cá phi pháp còn nhiều hạn chế. Việt Nam có đường bờ biển dài, có nhiều tàu cá nước ngoài đánh bắt trái phép trên vùng biển Việt Nam, đáng chú ý là mỗi năm có khoảng 1.200 tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép trên vùng biển Việt Nam. Số tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép trong vùng biển Việt Nam thường có thái độ hung hăng, sẵn sàng đâm, húc, tấn công các tàu chấp pháp và tàu cá của Việt Nam. Điển hình như một số vụ: Tàu đánh cá số hiệu QNg – 95348 – TS của ngư dân Quảng Ngãi (19/5/2009) bị“tàu lạ” đâm chìm, 26 ngư dân trên tàu đã may mắn được một tàu cá của ngư dân Việt Nam đang hoạt động ở cùng khu vực cứu sống. Tàu đánh cá số hiệu QNg – 2203 – TS của ngư dân Quảng Ngãi (15/7/2009) bị“tàu lạ” đâm chìm làm 9 người bị thương trong đó có 2 người bị thương rất nặng. Theo số liệu thống kê không chính thức, từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2014, riêng huyện Lý Sơn có 14 tàu cá bị tàu Trung Quốc tấn công khiến ngư dân bị thương, hư hại tài sản, thiệt hại hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, chính sách của Việt Nam còn một số hạn chế như chế tài xử phạt đối với tàu cá nước ngoài vi phạm vùng đánh bắt chưa đủ mạnh để răn đe, hạn chế. Việt Nam mới thực hiện xua đuổi, lập biên bản… rồi thả tàu và đẩy đuổi các tàu cá trên ra khỏi vùng biển Việt Nam. Được biết, ngày 4/5, Hải đội 2 và Đồn biên phòng Cồn Cỏ (Quảng Trị) phát hiện tàu cá số hiệu 16061 mang quốc tịch Trung Quốc vi phạm vùng biển chủ quyền Việt Nam. Tàu cá trên đánh bắt ở tọa độ 17 độ 16’00 vĩ độ Bắc – 107 độ 16’ 00 Kinh độ đông, cách đảo Cồn Cỏ khoảng 8 – 10 hải lý, cách đường phân định Vịnh Bắc Bộ Việt Nam – Trung Quốc 50 hải lý về phía Tây, song chỉ bị lập biên bản, cảnh cáo và phóng thích ra khỏi vùng biển Việt Nam.

So với các biện pháp xử lý của các nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Philippines và Trung Quốc, chính sách xử lý tàu cá của Việt Nam có vẻ còn “quá mềm”, bắt xong rồi thả, thả xong rồi lại bắt, không mang tính răn đe, cảnh cáo khiến tàu cá các nước không sợ khi xâm phạm vùng biển Việt Nam. Thời gian tới, cùng với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng, các cơ quan chức năng của Việt Nam nên tăng cường tuần tra, kiểm soát và bắt giữ các tàu cá nước ngoài đánh bắt cá trái phép trong vùng biển Việt Nam, đặc biệt là các tàu cá Trung Quốc, để thể hiện tính răn đe và khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông; nâng cao các biện pháp đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng cho ngư dân khi đánh bắt cá; tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, khuyến khích ngư dân đánh bắt tại các vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.

RELATED ARTICLES

Tin mới