Thursday, November 14, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiThiếu ý chí chính trị khó có thể thúc đẩy hợp tác...

Thiếu ý chí chính trị khó có thể thúc đẩy hợp tác an ninh biển

Theo PGS TS Sebastien Collin, để ngăn chặn việc đánh bắt cá bất hợp pháp, ý chí chính trị của các quốc gia là rất quan trọng.

Hội thảo được khai mạc tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh

Sáng nay (9/6), Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển và an ninh biển: hợp tác quốc tế và chia sẻ kinh nghiệm Á-Âu” đã khai mạc tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Trong các phiên họp diễn ra trong ngày hôm nay, các đại biểu của nhiều quốc gia Châu Âu và Châu Á đã thảo luận để tìm ra cơ hội  tác nhằm đảo bảo an ninh biển tại Châu Á trong bối cảnh tình tình Biển Đông diễn biến căng thẳng.

Trong ngày hôm nay, khoảng 180 đại biểu của Châu Á và Châu Âu đã thảo luận về 3 chủ đề: an ninh biển truyền thống, an ninh biển phi truyền thống và kinh nghiệm phát triển, quản lý biển. Trong đó, các đại biểu đã nhắc đến tình hình căng thẳng trên Biển Đông, nhiệm vụ khó khăn của các thành viên ASEAN trong việc tìm ra giải pháp giảm căng thẳng tại Biển Đông.

Trong lĩnh vực an ninh biển phi truyền thống, các đại biểu cũng rất quan tâm tới các hoạt động của tổ chức tội pham biển, các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp cũng như việc quản trị môi trường biển.

Nội dung chính của Hội thảo lần này là đưa ra các đề xuất, cụ thể đối với các nhà hoạch định chính sách của các quốc gia nhằm thúc đẩy hợp tác an ninh biển.

Trong 3 phiên thảo luận diễn ra trong ngày hôm nay, các đại biểu đã dành nhiều thời gian để thảo luận nội dung này.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Đạm, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, điểm mấu chốt trong việc thúc đẩy hợp tác an ninh biển, cả trong lĩnh vực an ninh truyền thống và phi truyền thống đó là duy trì các kênh đối thoại, phát triển cơ chế xây dựng lòng tin, song song với đó là tất cả các quốc gia cần phải tuân thủ pháp luật quốc tế.

TS Felix Heiduk, chuyên gia Viện các vấn đề an ninh và quốc tế Đức cho biết, trong lúc mâu thuẫn về chính trị, quân sự đang tiếp diễn, các quốc gia cần thúc đẩy hợp tác an ninh biển phi truyền thống như hợp tác trong việc khai thác nguồn cá hay bảo vệ môi trường. Có như vậy mới tìm được tiếng nói chung và dần dần củng cố lòng tin giữa các bên.

Trong bài phát biểu của mình, Chuẩn đô đốc Michiel Himans, Cựu phó phái đoàn quân sự Hà Lan tại NATO và EU gợi ý, để đảm bảo an ninh biển thì cần cách tiếp cận toàn diện, theo dây chuyền từ trên xuống, mà cụ thể là từ giáo dục, truyền thông đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng, phương tiện và hệ thống pháp lý phù hợp.

PGS TS Sebastien Collin thuộc Trung tâm nghiên cứu Pháp về Trung Quốc đương đại cho biết, mâu thuẫn về yêu sách lãnh thổ tại Biển Đông trong thời gian dài đang khiến một số quốc gia sử dụng hoạt động đánh bắt cá để củng cố yêu sách của mình.Vì vậy, để ngăn chặn việc đánh bắt cá bất hợp pháp, ý chí chính trị của các quốc gia là rất quan trọng.

Cùng quan điểm này, TS Đặng Đình Quý, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, ý chí chính trị là yếu tố quan trọng nhất. Nếu thiếu yếu tố này, mọi nỗ lực thúc đẩy hợp tác và đảm bảo an ninh biển khó có thể thành công./.

RELATED ARTICLES

Tin mới