Saturday, May 4, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiThổ xin lỗi vụ Su-24: Sự chân thành trong… “bước đường cùng”?

Thổ xin lỗi vụ Su-24: Sự chân thành trong… “bước đường cùng”?

Có vẻ như Ankara đã làm tất cả để nối lại quan hệ với Moscow nhưng các chuyên gia cho rằng, hành động này được đưa ra trong “cơn cùng quẫn”.

Thổ Nhĩ Kỳ đã có những động thái tích cực để dàn hòa với Nga

Thổ Nhĩ Kỳ đền bù cho gia đình phi công, Erdogan điện đàm với Putin

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng xem xét khả năng trả bồi thường cho gia đình của viên phi công Su-24 Nga, – Trưởng cố vấn đối ngoại kiêm phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayip Erdogan là ông İbrahim Kalın tuyên bố vào tối ngày 28/6.

Tờ báo Thổ Nhĩ Kỳ Hurriyet dẫn lời ông Kalın rẳng, sau khi được đề nghị từ gia đình của trung tá phi công Oleg Peskov – người đã bị các tay súng phiến quân người Turkmen ở Syria giết hại, sau khi anh nhảy dù khỏi chiếc Su-24 đang cháy – thì vấn đề này sẽ được thảo luận.

Trước đó trong thông điệp gửi nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã xin lỗi về vụ máy bay Nga Su-24 bị bắn rơi, bày tỏ sự cảm thông và chia buồn về cái chết của viên phi công và nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ không muốn phá hỏng quan hệ với Nga.

Động thái này của ông Erdogan đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình ở trong nước, kể cả là các đảng phái đối lập.

Nghị sĩ của phe đối lập thuộc Đảng phong trào quốc gia là ông Ekmeleddin Ihsanoglu đã bình luận về thông điệp của Tổng thống Erdogan gửi Tổng thống Vladimir Putin, gọi đó là một “bước đi tích cực, đem lại hy vọng phục hồi mối quan hệ Nga-Thổ trong tương lai gần”.

Vị nghị sĩ này cho biết, ông đã rất thất vọng khi quan hệ giữa hai bên bị đình chỉ. Moscow và Ankara trong chặng đường dài lịch sử đã gắn bó với nhau bằng tình hữu nghị bền chặt. Thậm chí, đối đầu Liên Xô-NATO thời Chiến tranh lạnh cũng đã không thể làm gián đoạn hệ Nga-Thổ.

Vụ việc với chiếc máy bay Nga là điều hết sức đáng buồn mà lẽ ra Thổ Nhĩ Kỳ không được để xẩy ra, dù là trong bất kỳ trường hợp nào. Nhưng ông cho rằng, “tư duy lành mạnh và ước vọng hòa bình cuối cùng sẽ thắng thế”, tình hữu nghị sẽ giúp 2 dân tộc vượt qua khủng hoảng.

Ông Ekmeleddin Ihsanoglu còn nhấn mạnh rằng, bảo tồn tiếp xúc hữu nghị, giữ gìn quan hệ láng giềng thân thiện giữa các nước, các dân tộc và các chính phủ, đảm bảo lợi ích giữa các bên là điều mà tất cả các nước nên làm chứ không riêng gì Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Điện Kremlin gọi bức thư của Erdogan là một bước đi quan trọng để bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, phát ngôn viên của Tổng thống Nga Putin là ông Dmitry Peskov nhận xét rằng, chỉ như vậy vẫn chưa đủ. Theo lời ông, không thể giải quyết tất cả vấn đề trong một vài ngày.

Ông Dmitry Peskov cho biết, Tổng thống Nga và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có cuộc trò chuyện qua điện thoại vào ngày 29/6 để bàn bạc cụ thể về vấn đề này, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng, Ankara sẽ thể hiện rõ “sự chân thành” để góp phần giải quyết mối bất hòa giữa hai nước.

Hiện nay, còn một mâu thuẫn nữa giữa hai nước chưa được giải quyết với những tuyên bố trái ngược là vấn đề thiệt hại của chiếc Su-24. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim đã từ chối trả tiền bồi thường cho chiếc máy bay ném bom tiền tuyến của Nga.

Phát biểu trên kênh truyền hình CNN, ông Binali Yildirim cho biết, Ankara chỉ xin lỗi về vụ việc đó mà thôi, nước này sẽ không bồi thường cho chiếc Su-24 Nga bị máy bay tiêm kích F-16 nước này bắn rơi hôm 24/11 ở không phận Latakia của Syria, giáp với biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, trước đó cũng chính ông Yildirim lại tuyên bố trên kênh truyền hình TRT rằng, Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ rõ sự hối tiếc và nếu cần thiết thì sẽ bồi thường chiếc máy bay bị bắn rơi.

Bình luận về động thái xin lỗi Nga trong vụ Su-24 hết sức bất ngờ của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, các chuyên gia phân tích Nga đã nhận định rằng, lời xin lỗi từ ông Erdogan là điều tất yếu sẽ phải đến, trong bối cảnh nước này đang “bất hoà với cả thế giới”.

Thổ Nhĩ Kỳ chìa tay với Nga trong bối cảnh “bất hòa với cả thế giới”

Theo nhà phân tích chính trị Oleg Matveychev, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có khả năng đã chấp nhận bước làm này vì những khó khăn kinh tế do căng thẳng quan hệ giữa hai nước gây nên, đặc biệt tổn thất trầm trọng trong đầu tư kinh tế, nông nghiệp và ngành du lịch.

“Tất nhiên, đây là lời xin lỗi quá muộn màng. Có vẻ như ‘người ta’ buộc phải xin lỗi Nga dưới áp lực của hoàn cảnh kinh tế” – các chuyên gia Nga nhận định thêm, việc dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” và xây dựng nhà máy điện hạt nhân Akkuyu bị đình chỉ là cú đòn quá nặng với Ankara.

Theo chuyên gia Matveychev, việc bị cấm các sản phẩm nông nghiệp và sự vắng bóng khách du lịch Nga là điều tồi tệ đối với nhà chức trách nước này.

“Điều đang diễn ra trên các bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ không thể gọi là một thảm họa mà phải dùng từ địa ngục” – vị chuyên gia Nga cho biết.

Ông Matveychev nhận định, mỗi bước đi đúng đắn của Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ có phản ứng thích hợp, không loại trừ rằng chính quyền Nga có thể hủy một số hạn chế đã được áp đặt sau khi máy bay ném bom Nga Su-24 bị máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi trên lãnh thổ Syria.

Ví dụ như một số các biện pháp trừng phạt đã được áp đặt đối với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được gỡ bỏ. Tuy nhiên, nó không thể diễn ra ngay lập tức mà có thể diễn ra trong vòng một, hai hoặc ba năm, bởi sau mỗi mốc còn cần có sự xem xét đánh giá thái độ của Ankara – chuyên gia Nga nhận định.

Còn nhà phân tích chính trị Anton Khashenko nhận định, Thổ Nhĩ Kỳ đang cô đơn hơn bất cứ lúc nào, do Tổng thống Erdogan đã tiến hành các chính sách sai lầm, gây “bất hoà với cả thế giới” và bây giờ ông ta tìm cách khôi phục mối quan hệ với Nga.

Chuyên gia Khashenko chỉ ra, ông Erdogan nghĩ rằng, khi Thổ Nhĩ Kỳ là “bạn bè” với cả Hoa Kỳ và Châu Âu thì chẳng việc gì phải xin lỗi Nga.

Nhưng Washington và Brussels chẳng hề đếm xỉa gì tới “tâm tư nguyện vọng” của Erdogan, do đó, ông ta vùng vằng với Mỹ về vấn đề hỗi trợ người Kurd, tìm cách dọa dẫm châu Âu bằng con bài người tỵ nạn, dẫn đến quan hệ với Mỹ và EU giờ đây càng ngày càng lạnh nhạt.

 

Tổng thống Erdogan đã phá hỏng cả quan hệ với Mỹ và Liên minh châu Âu

Một nhà khoa học chính trị khác của Nga là ông Pavel Svyatenkov nhận định rằng, chính sách của Ankara đã khiến Brussels bực tức, sự dọa dẫm châu Âu về vấn đề người tỵ nạn Trung Đông và Bắc Phi của ông Errdogan đã khiến cả Liên minh châu Âu và Đức chán nản.

Mới đây, Quốc hội Đức đã thông qua nghị quyết công nhận nạn diệt chủng người Armenia của Thổ Nhĩ Kỳ, điều đó tất nhiên làm Ankara giận dữ. Động thái của các nghị sĩ Đức rõ ràng là nhằm chứng tỏ rằng, Berlin vô cùng bất mãn với chính sách của ông Erdogan.

Ông Khashenko nhấn mạnh là các biện pháp hạn chế của Nga đối với Thổ Nhĩ Kỳ gây thiệt hại khó thể khắc phục cho các doanh nghiệp nước này. Đây là đòn kinh tế rất nghiêm trọng đối với Ankara, trong khi đó, không có “bạn bè lớn” nào ra tay giúp đỡ ông Erdogan.

Ông Erdogan tưởng mình là Sultan của Đế chế hùng mạnh Ottoman, cho rằng vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ là không thể thiếu đối với các đồng minh phương Tây nên “rồi mọi cái sẽ đâu vào đấy”. Nhưng giờ đây, tất cả các đối tác trên thế giới đều không muốn qua lại với Thổ Nhĩ Kỳ.

Chuyên gia Pavel Svyatenkov cho biết, trong khoảng ít nhất là sáu tháng hay gần một năm trở lại đây, vị Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đang ở trong sự cô lập hoàn toàn về ngoại giao, cùng với những vấn đề nội bộ đang tồn tại thì đây là tình trạng rất không hay cho ông ta.

Tất nhiên, là người có lý trí nên ông Erdogan hiểu rằng, cần bắt đầu gây dựng lại quan hệ với ai đó cần thiết nhất cho mình. Ngay từ đầu, Moscow đã nêu ra những điều kiện mở lại cuộc đối thoại với chính quyền Ankara.

Chính vì vậy mà ông Erdogan đang cố gắng cải thiện quan hệ với Nga và đưa ra lời xin lỗi. Tất nhiên, đây là một quyết định sáng suốt của Thổ Nhĩ Kỳ nhưng nó cũng là một thắng lợi lớn cho ngành ngoại giao của chúng ta – chuyên gia Khashenko cho biết ý kiến.

RELATED ARTICLES

Tin mới