Thursday, April 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTrước giờ G PCA ra phán quyết vụ kiện về vấn đề...

Trước giờ G PCA ra phán quyết vụ kiện về vấn đề Biển Đông: Trung Quốc đang lo sợ

Chuyên gia về luật quốc tế phân tích hành động của Trung Quốc trước khi Tòa trọng tài thường trực – PCA ra phán quyết về vụ kiện của Philippines ở Biển Đông và phản ứng sau đó của Bắc Kinh.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc cải tạo phi pháp bãi Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Ngay trước thềm phán quyết của PCA về vụ kiện giữa Philippines với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông được đưa ra, Bắc Kinh vẫn tỏ thái độ phớt lờ, thiếu hợp tác thậm chí là tổ chức tập trận bắn đạn thật ở khu vực Biển Đông.

Để hiểu thêm về vấn đề này và dự đoán về phán quyết cũng như phản ứng của các bên sau khi PCA đưa ra quyết định của mình, chúng tôi phỏng vấn Ông Hoàng Ngọc Giao, Tiến sỹ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển.

Ông Hoàng Ngọc Giao cho rằng: “Bắc Kinh đang lo lắng và cay cú bởi vì họ hiểu rằng nếu một mình Trung Quốc chơi theo luật riêng của mình thì sẽ phải lãnh tổn thất lớn cả về ngoại giao, kinh tế và thậm chí là quân sự”.

– Mức độ quan trọng của phán quyết về đường chín đoạn và quy chế pháp lý của thực thể trên Biển Đông sắp tới của Tòa trọng tài thường trực – PCA là thế nào, thưa ông?

Phán quyết sắp tới có ý nghĩa rất quan trọng trên phương diện pháp luật quốc tế cũng như với ngoại giao quốc tế.

Thứ nhất, các quốc gia trên thế giới hiện nay ứng xử với nhau dựa trên một khuôn khổ luật pháp đã được hình thành từ năm 1945, riêng về biển là Công ước về luật biển UNCLOS 1982.

Đây là những hành lang, khuôn khổ pháp lý để đảm bảo sự hợp tác trong hòa bình giữa các quốc gia với nhau trong nhiều lĩnh vực, trong đó có cả những vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền, quyền hoạt động của các quốc gia trên biển.

Phán quyết sắp tới của PCA, những vấn đề này sẽ được đề cập, ngoài căn cứ vào hành vi của các bên liên quan trên thực tế, tòa còn căn cứ vào pháp luật quốc tế, cụ thể là UNCLOS 1982.

Vì vậy, phán quyết này sẽ khẳng định rõ việc áp dụng và giải thích UNCLOS 1982 nhằm đảm bảo hiệu lực của pháp luật quốc tế về biển trên thế giới.

Thứ hai, phán quyết này là cơ sở pháp lý cho hoạt động ngoại giao của các quốc gia có trách nhiệm trên thế giới, bao gồm các nước bị ảnh hưởng ở Biển Đông như Philippines, Việt Nam cũng như một số quốc gia ngoài khu vực như Mỹ, Australia, Ấn Độ..

Đây là căn cứ pháp lý làm rõ trắng đen, làm rõ sự phải trái dưới góc độ pháp luật quốc tế. Trên cơ sở đó, nền ngoại giao của các nước sẽ phải hướng đến mục tiêu phán quyết của tòa được tôn trọng.

Thứ ba là ý nghĩa đối với nhận thức và công luận quốc tế, dù vụ kiện ở Biển Đông nhưng lại liên quan việc áp dụng luật quốc tế, duy trì và đảm bảo hiệu lực của luật quốc tế. Hiện nay, không phải quốc gia nào cũng ý thức rõ ràng được về điều này nhất là qua những luận điệu tuyên truyền, ngoại giao không trung thực của Bắc Kinh.

Sau khi PCA ra phán quyết, các nước sẽ hiểu rõ được hành vi nào là vi phạm UNCLOS và giải thích, áp dụng sai lệch công ước này.

– Ông có dự đoán gì về phán quyết của PCA về vụ kiện của Philippines ở Biển Đông?

Tôi có đánh giá lạc quan về phán quyết sắp tới của PCA. PCA nằm bên cạnh Tòa án công lý Quốc tế ở La Haye, có bề dày lịch sử về kinh nghiệm và uy tín. PCA được thành lập từ thời Hội Quốc Liên từ những năm 1930, hoạt động cho đến khi Hội Quốc Liên giải tán.

Sau khi Liên Hợp Quốc ra đời sau Thế chiến II, Tòa án Công lý Quốc tế ra đời thì PCA vẫn tiếp tục hoạt động cho đến hiện nay. Điều đó cho thấy, uy tín và kinh nghiệm của PCA thể hiện rất rõ.

Bên cạnh đó, các trọng tài viên được lựa chọn tham gia vào vụ kiện của Philippines với Trung Quốc ở Biển Đông là những người có kinh nghiệm xét xử dày dặn.

Nếu nhìn ở góc độ chuyên nghiệp, các chuyên gia về luật pháp quốc tế không bao giờ muốn nhìn thấy hệ thống luật pháp quốc tế bị vi phạm, thiếu tôn trọng. Vì vậy việc áp dụng, giải thích sai về UNCLOS sẽ bị phản đối.

– Vậy yếu tố chính trị có gây ảnh hưởng đến phán quyết này không, thưa ông?

Ở đây, có tồn tại và ảnh hưởng của yếu tố chính trị. Chúng ta dễ dàng thấy rằng, Trung Quốc là một siêu cường, là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Điều này có thể sẽ gây ra những áp lực cho PCA, khác với các vụ kiện giữa những quốc gia nhỏ.

Ảnh hưởng của Trung Quốc tới trật tự thế giới và nền chính trị quốc tế là không nhỏ. Tuy nhiên, theo tôi, yếu tố này không thể lấn át được lương tâm nghề nghiệp cũng như tính chuyên nghiệp và uy tín của các trọng tài viên ở PCA.

Chính vì vậy, tôi luôn đánh giá lạc quan về phán quyết sắp tới của Tòa trọng tài thường trực với vụ kiện của Philippines ở Biển Đông.

– Vậy ông đánh giá thế nào về phán quyết sắp tới của PCA?

Có thể nói, Philippines là quốc gia đi kiện, nếu những yêu cầu của họ được PCA đáp ứng thì có thể hiểu rằng đó là phán quyết có lợi cho Manila. Tuy nhiên, nếu nhìn rộng ra, phán quyết này của PCA sẽ có lợi có nền công lý quốc tế.

Phán quyết này không chỉ có lợi cho nước đi kiện mà còn cho cả các quốc gia là nạn nhân của hành động bành trướng, bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngoài ra, nó còn tác động tích cực đến công luận trước những hành động vi phạm luật pháp quốc tế.

– Liệu kết quả của vụ kiện có cải thiện tình hình ở Biển Đông, thưa ông?

Nhiều người cho rằng, phán quyết của PCA được đưa ra sẽ làm tình hình Biển Đông phức tạp hơn.

Theo tôi, phức tạp hơn không phải vì bản thân phán quyết, không phải vì Philippines kiện Trung Quốc, không phải vì Việt Nam và nhiều nước muốn phát quyết được thực thi mà phức tạp hơn hay không phụ thuộc vào Trung Quốc.

– Vậy Bắc Kinh sẽ phản ứng thế nào khi truyền thông Trung Quốc khẳng định ‘không chùn bước’ trong vấn đề Biển Đông và phán quyết của PCA nhiều khả năng sẽ đi ngược lại với các hành động ngang ngược của họ ở Biển Đông?

Trung Quốc như một kẻ phá bĩnh, từng tuyên bố rằng nếu ra phán quyết không có lợi cho mình thì Bắc Kinh có thể rút khỏi UNCLOS 1982.

Đây là phát biểu cho thấy Trung Quốc là quốc gia siêu cường nhưng vô trách nhiệm, chỉ mới phát triển nhưng đã muốn phá bỏ trật tự pháp lý quốc tế mà toàn cầu đang tuân thủ. Hành vi này có thể xem là bất cần với cộng đồng quốc tế.

Sau khi phán quyết được đưa ra, công lý về trật tự pháp lý quốc tế sẽ được khẳng định và nhận thức của công luận quốc tế về thái độ bất hợp tác, bất chấp luật pháp của Trung Quốc sẽ thay đổi.

Tuy nhiên, tình hình sẽ phụ thuộc việc Trung Quốc có chấp nhận, có tuân thủ hay không hay sẽ phá bĩnh như đã làm cho đến những ngày cận kề như tổ chức tập trận ở Biển Đông, có những tuyên bố bất cần, dùng thủ đoạn ngoại giao không trung thực về số nước ủng hộ mình phản đối phán quyết của PCA.

– Những hành động đó của Trung Quốc thể hiện điều gì, thưa ông?

Bắc Kinh luôn tuyên bố phản đối, không công nhận phán quyết của PCA và nói phán quyết này không có ý nghĩa gì với mình.

Tuy nhiên, trên thực tế, những hành vi như trên của Trung Quốc cho thấy chính quyền Bắc Kinh đang lo lắng bởi vì họ hiểu rằng nếu một mình Trung Quốc chơi theo luật riêng của mình thì sẽ phải lãnh tổn thất lớn cả về ngoại giao, kinh tế và thậm chí là quân sự.

– Cụ thể hơn là gì, thưa ông?

Nếu có hành động leo thang căng thẳng ở Biển Đông, các quốc gia có trách nhiệm như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ hay EU sẽ có những phản ứng mạnh mẽ và không chỉ phản ứng mà còn có những chế tài kinh tế để chống lại Trung Quốc.

Giống như nước Nga đang phải hứng chịu lệnh trừng phạt của Mỹ và EU hiện nay liên quan đến vấn đề Ukraine.

Điều này, rõ ràng sẽ gây áp lực cho nền kinh tế Trung Quốc khi nó vẫn chưa thực sự vững chắc, thị trường chứng khoán và tài chính nước này liên tiếp trải qua những ‘cơn đột quỵ’, chưa kể đến những vấn đề nội bộ của Bắc Kinh.

Vì vậy, tôi nghĩ rằng, Trung Quốc có thể vùng vẫy, dùng những thủ đoạn đe dọa với sức mạnh quân sự nhưng không dám manh động đến mức nhận lấy sự trừng phạt về kinh tế cũng như bị cô lập trên trường quốc tế.

– Xin cảm ơn ông!

RELATED ARTICLES

Tin mới