Theo TS, luật sư Hoàng Ngọc Giao, với các nước bất chấp phán quyết quốc tế, không thể dùng vũ lực cưỡng chế, nhưng sức mạnh quốc tế sẽ khiến họ phải tuân thủ luật chơi.
Tàu Hải cảnh Trung Quốc ngăn cản tàu Philippines tiếp tế cho binh sĩ của họ trên bãi Cỏ Mây năm 2014 (Nguồn: AFP)
Liên quan đến phán quyết của PCA về vụ kiện Biển Đông giữa Manila và Bắc Kinh, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn tiến sỹ, luật sư Hoàng Ngọc Giao – Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách Pháp luật và Phát triển (trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam).
PV: Thưa ông, khi tiếp nhận thông tin về phán quyết của Toà trọng tài trong vụ Philippines, ông chú ý nhất điểm nào?
TS Hoàng Ngọc Giao: Toà trọng tài không có chức năng đưa ra phán quyết về chủ quyền mà chỉ đưa ra phán quyết theo Công ước Luật Biển. Vì thế việc Toà trọng tài đưa ra phán quyết về 10 thực thể được Philippines đề cập đến cần phải xem xét kỹ hơn. Việt Nam khẳng định có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong vụ việc này, nhiều thực thể mà Philippines đề cập đến thuộc chủ quyền của Việt Nam nên theo tôi phán quyết của toà không có ý nghĩa xác định chủ quyền của Philippines đối với các thực thể này, mà chỉ có ý nghĩa xác nhận chế độ pháp lý của những thực thể này theo Công ước Luật Biển 1982.
Philippines không thể dựa vào phán quyết này để khẳng định chủ quyền của mình đối với các thực thể này, trong khi Việt Nam có đầy đủ căn cứ lịch sử, pháp lý về chủ quyền đối với các thực thể này.
Điều quan trọng nhất của phán quyết là bác “đường lưỡi bò”
PV: Dưới góc độ một chuyên gia về luật quốc tế, theo ông, điểm quan trọng nhất trong phán quyết của Toà Trọng tài vừa được đưa ra là gì?
TS Hoàng Ngọc Giao: Tôi cho rằng điều quan trọng bậc nhất trong phán quyết chính là toà bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về “đường lưỡi bò” (đường chín đoạn).
Lịch sử của Trung Quốc không có căn cứ pháp lý để nước này đưa ra yêu sách về “đường lưỡi bò”. “Đường lưỡi bò” hoàn toàn không phù hợp với Công ước Luật Biển về vùng đặc quyền kinh tế đối với quốc gia ven bờ.
Giá trị của phán quyết đối với các nước ven Biển Đông nằm ở đâu?
PV: Ngay sau khi Toà trọng tài đưa ra phán quyết, truyền thông Trung Quốc đã dẫn lời ông Tập Cận Bình khẳng định nước này không chịu ảnh hưởng bởi phán quyết này.
Có ý kiến cho rằng, đối với một nước ngang ngược như Trung Quốc, việc ai đó vui mừng trước phán quyết của Toà trọng tài chỉ là sự tự “ru ngủ”, thực địa mới là vấn đề quyết định. Vậy, theo ông, giá trị của phán quyết này đối với các nước ven Biển Đông nằm ở chỗ nào?
TS Hoàng Ngọc Giao: Nếu nhìn nhận phán quyết này như một bản án của toà án ở trong nước thì không phù hợp. Với một bản án của toà án ở trong nước thì phải có một hiệu lực và cơ quan cưỡng chế thi hành bản án. Nhưng trong quan hệ quốc tế thì đặc thù hoàn toàn khác.
Có một nguyên tắc đặc thù trong quan hệ quốc tế đó là các quốc gia bình đẳng về chủ quyền với nhau và không có một quốc gia hay thiết chế quốc tế nào được áp đặt cho các quốc gia.
Trong vụ Philippines kiện, việc khó nhất đối với toà trọng tài là xem mình có thẩm quyền không khi Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện. Dù vậy nhưng toà vẫn kiên quyết mời Trung Quốc tham gia và yêu cầu cử trọng tài viên. Điều đó thể hiện sự bình đẳng giữa các quốc gia. Toà tôn trọng quyền tham gia trọng tài của Trung Quốc cho đến phút chót.
Tuy nhiên, có một nguyên tắc khác là khi có phán quyết rồi thì các quốc gia có nghĩa vụ thực hiện các phán quyết, thoả thuận quốc tế. Nghĩa vụ của các bên thì được quy định ngay trọng Công ước Luật Biển. Đó là nghĩa vụ quốc tế. Nhưng trong thực tế, không phải trong mọi trường hợp một quốc gia là một trong hai bên tranh chấp bị thua lại chấp hành.
Vậy câu hỏi đặt ra là với các quốc gia bất chấp phán quyết quốc tế thì sẽ dẫn đến điều gì?
Đương nhiên là không thể dùng vũ lực cũng như không có các cơ quan cưỡng chế.
Thực ra, trong quan hệ quốc tế hiện nay, mỗi một quốc gia tồn tại trong mối quan hệ với các quốc gia khác. Trung Quốc không phải là quốc gia sống một mình trên một hành tinh. Trung Quốc mở cửa và phát triển là nhờ quan hệ với quốc tế.
Nếu Trung Quốc hành xử theo kiểu bất chấp luật chơi quốc tế thì hình ảnh và niềm tin của các quốc gia đối với Trung Quốc sẽ giảm sút. Nước này mà càng leo thang, càng lấn tới thì những đòn trừng phạt về kinh tế sẽ gây hại cho Trung Quốc như thế nào.
Đã có bài học cho Trung Quốc tham khảo rồi chứ không phải là chưa có.
Sức mạnh quốc tế thể hiện ở chỗ uy tín chính trị, bạn bè quốc tế, uy tín đối với các nước sẽ bị mất. Lúc đó buộc các nước lớn hay nhỏ phải tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế cũng như tuân thủ luật chơi quốc tế. Mà luật chơi của quốc tế ở đây là phán quyết của Toà trọng tài đã được đưa ra căn cứ vào luật pháp quốc tế.
Nếu không chấp hành mà lại có các hành vi chà đạp lên phán quyết bằng vũ lực thì TQ sẽ phải gặp phản ứng ngược trở lại từ các quốc gia trong đó có những nước lớn có chính sách đối ngoại có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế, trật tự an ninh quốc tế như Mỹ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ…
PV: Quay trở lại vấn đề tác động của phán quyết, thưa ông, Việt Nam được thuận lợi gì từ phán quyết?
TS Hoàng Ngọc Giao: Phán quyết đưa ra thì Việt Nam có điều kiện rất thuận lợi.
Thứ nhất là nó cho Việt Nam kinh nghiệm về tố tụng tài phán quốc tế cũng như các vấn đề liên quan thiết lập hồ sơ để tiến hành vụ kiện như thế nào, cho Việt Nam một sự tự tin hơn nữa để thực hiện đấu tranh pháp lý đối với Trung Quốc.
Thứ hai, nó cho Việt Nam điều kiện học hỏi kinh nghiệm của nước bạn trong quá trình thực hiện tố tụng trong vụ kiện.
Thứ ba, một số các kết luận của toà có nội dung mà Việt Nam có thể sử dụng làm căn cứ có lợi cho mình trong hồ sơ pháp lý trước quốc tế.