Sunday, November 24, 2024
Trang chủBiển nóngTQ làm gì ở Trường sa với những cấu trúc bí ẩn?

TQ làm gì ở Trường sa với những cấu trúc bí ẩn?

Phải chăng những hệ thống phóng tên lửa đất đối không được cấu trúc lục giác bí ẩn mà Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Trường Sa?

Các nhà chứa máy bay do Trung Quốc xây dựng phi pháp trên đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa hiện thu hút sự quan tâm của giới quan sát, sau khi Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington (Mỹ) công bố các hình ảnh vệ tinh mới nhất chụp 3 bãi đá này.

Theo CSIS, các bức ảnh chụp vào tháng 6 và tháng 7 cho thấy ít nhất 24 nhà chứa được gia cố sắp sửa hoàn tất trên mỗi đảo nhân tạo, có thể chứa được đủ loại tiêm kích của Trung Quốc, bao gồm các loại J-11 và Su-30.

Ngoài ra, trên mỗi đảo còn có 3 – 4 nhà chứa cỡ lớn có thể chứa các máy bay lớn nhất của Trung Quốc, như oanh tạc cơ H-6, các máy bay tiếp liệu H-6U và Il-78, máy bay vận tải Y-8, Y-20 và Il-76, các máy bay cảnh báo sớm KJ200 và máy bay trinh sát KJ-2000. Tuy nhiên, đây không phải là tín hiệu đáng lo ngại duy nhất về quá trình quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tên lửa đất đối không?

Những cấu trúc bí ẩn Trung Quốc xây ở Trường Sa 1

Cấu trúc lục giác bí ẩn CSIS

Theo CSIS, trên các thực thể này còn có nhiều tổ hợp cấu trúc chưa thể xác định, chỉ mới được xây dựng từ 2 – 3 tháng nay. Đáng chú ý nhất trong số đó là các cấu trúc lục giác bí ẩn. Mỗi đảo nhân tạo kể trên đều có 4 cấu trúc kiểu này, chúng được bố trí trên khắp các thực thể và luôn nằm sát biển. Bản thân các chuyên gia của CSIS, vốn có cơ hội tiếp cận các bức ảnh với độ phân giải cao hơn, cũng chưa thể xác định được những cấu trúc trên là gì.

Trong một bài viết trên BBC, chuyên gia Alexander Neill thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), cho hay hiện có đồn đoán rằng các cấu trúc thực tế là những cơ sở phòng không được gia cố, có thể chứa các khẩu đội tên lửa đất đối không. Còn đại tá hải quân Mỹ về hưu Jerry Hendrix, hiện là nhà nghiên cứu chiến lược quốc phòng tại Trung tâm an ninh Mỹ mới (CNAS), viết trên tờ The National Interest rằng các cấu trúc bí ẩn giống với các cơ sở chứa tên lửa được nhìn thấy tại nhiều nơi khác ở Trung Quốc.

Không chỉ vậy, các cấu trúc lục giác còn có nhiều nét tương tự với cách bố trí của hệ thống tên lửa đối không phóng thẳng đứng HHQ-9 (phiên bản hải quân của tên lửa HQ-9) trên các tàu khu trục lớp 052C (Lữ Dương II) của Trung Quốc.

Một số ý kiến khác cũng đồng tình rằng các cấu trúc nhiều khả năng là hệ thống phóng tên lửa đất đối không. Sở dĩ chúng có kích cỡ lớn hơn bình thường vì đã được gia cố để chịu được môi trường ẩm thấp và có độ mặn cao ở ngoài biển. Theo tính toán của một chuyên gia quan sát ảnh vệ tinh, với cấu trúc lục giác như thế, mỗi tổ hợp này có thể chứa đến 42 tên lửa đất đối không.

Những cấu trúc bí ẩn Trung Quốc xây ở Trường Sa 2

Hệ thống tên lửa HHQ-9 trên tàu khu trục lớp 052C được bố trí theo hình lục giác SinoDefence

Mạng lưới tinh vi

Cũng có vài ý kiến suy đoán các cấu trúc trên có thể là những cơ sở xử lý nước hoặc rác thải, dựa vào việc chúng luôn được xây dựng sát biển. Tuy nhiên, điều này không giải thích được vì sao chúng chỉ có mặt ở các thực thể có các sân bay mà không xuất hiện tại bất kỳ thực thể nào khác đang bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông, kể cả Phú Lâm ở Hoàng Sa? Xét về phương diện quân sự, việc Trung Quốc bố trí hệ thống phòng không để bảo vệ các căn cứ không quân mà họ đang xây dựng trên 3 thực thể trên chẳng mấy ngạc nhiên.

“Bởi những căn cứ không quân như thế vốn dễ bị tấn công, Trung Quốc có vẻ như đang triển khai một mạng lưới phòng không tinh vi và cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động chỉ huy và kiểm soát nhằm bảo vệ các căn cứ mới”, chuyên gia Neill viết.

Về phía Trung Quốc, chuyên gia về quan hệ quốc tế Thời Ân Hoằng, thuộc Đại học Nhân dân, cũng thừa nhận với tờ The Financial Times: “Có những dấu hiệu trực tiếp và gián tiếp cho thấy Trung Quốc đang củng cố vị trí quân sự ở Biển Đông”.

Mặc dù việc Bắc Kinh triển khai hay xây dựng cơ sở nhằm bố trí tên lửa đất đối không vẫn chưa được xác nhận dứt khoát, nhưng các động thái “củng cố vị trí quân sự” nói trên rõ ràng đi ngược lại cam kết không quân sự hóa Trường Sa mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng đưa ra vào tháng 9 năm ngoái. Thế nhưng, ông Thời Ân Hoằng vẫn ngang nhiên ngụy biện rằng “tình hình đã thay đổi nhiều” kể từ khi ông Tập cam kết không quân sự hóa trong chuyến thăm Washington năm ngoái.

RELATED ARTICLES

Tin mới