Wednesday, January 8, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiNên bẻ "miếng Mỹ" ra khỏi bức tranh ghép NATO

Nên bẻ “miếng Mỹ” ra khỏi bức tranh ghép NATO

Các chuyên gia phân tích của Tạp chí The National Interest cho rằng bối cảnh trên trường quốc tế hiện đã có những thay đổi mạnh mẽ và Mỹ nên thừa nhận rằng sự can thiệp của họ vào chính sách của các nước khác sẽ không đem lại bất cứ kết quả nào.

Chuyên gia phân tích của tờ Huffington Post – Bruce Fein nhận định, Hoa Kỳ cần quan tâm đến chính sách quốc phòng và an ninh của mình cũng như an ninh đối với các công dân Mỹ hơn là quan tâm bảo vệ các nước không thuộc phạm vi lợi ích của Mỹ.

Không thể hiểu rằng Mỹ cam kết sẽ gửi quân đội của mình để bảo vệ các quốc gia vùng Baltic như là Estonia, Latvia và Litva để làm gì trong khi chức năng, nhiệm vụ của quân đội là bảo vệ người dân Mỹ chứ không có trách nhiệm phải bảo vệ người Estonia, Latvia và Litva (Lithuania), ông Fein chuyên gia phân tích của tờ Huffington Post nói.

Theo ông Fein, nếu rời NATO, Hoa Kỳ sẽ giảm đáng kể căng thẳng trong quan hệ với Nga. “Sau khi Nga đặt ra yêu cầu khôi phục ảnh hưởng của mình đối với các quốc gia láng giềng, song Mỹ cũng không cần phải lo lắng quá vì điều này bởi Hoa Kỳ đã hành động theo những cách tương tự hơn hai thế kỷ”, ông Fein bình luận.

Ông lưu ý rằng học thuyết Monroe tuyên bố toàn bộ lục địa châu Mỹ là khu vực “đóng” khiến các cường quốc châu Âu không thể can thiệp.

Học thuyết Monroe là một chính sách của Hoa kỳ được trình bày vào ngày 2/12/1823 bởi tổng thống Mỹ James Monroe trước quốc hội. Theo đó những nỗ lực của các nước Âu châu để lập thuộc địa hay can thiệp vào nội bộ của các nước ở Bắc hay Nam Mỹ sẽ bị xem là những hành động xâm lược, và như vậy đòi hỏi sự can thiệp của nước Mỹ. Học thuyết này cũng chú giải là Mỹ không những sẽ không can thiệp vào những thuộc địa hiện thời của các nước Âu châu mà cũng sẽ không xía vào nội bộ các nước Âu châu.  

“Cần phải khẳng định rằng tất cả các nước đều có quyền bình đẳng, nhưng Hoa Kỳ bình đẳng hơn những nước khác, không có nghĩa là nước này khích lệ chiến tranh” – ông Fein nói.

Theo ông Fein, việc Mỹ rút khỏi NATO sẽ tạo nền tảng cho một hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân giữa Nga và Hoa Kỳ. Ngoài ra, động thái này sẽ cho phép Washington bảo vệ mình khỏi sự xâm lược từ bên ngoài.

“Mỹ đã đến lúc phải đưa khối quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO và Viện bảo tàng”, ông Fein kết luận.

Giới chuyên gia Mỹ: Lý do Mỹ nên rời NATO

Trong một diễn biến liên quan, các chuyên gia phân tích của Tạp chí The National Interest, tạp chí chuyên về các vấn đề chính trị, quân sự, cho rằng bối cảnh trên trường quốc tế hiện đã có những thay đổi mạnh mẽ và Mỹ nên thừa nhận rằng sự can thiệp của họ vào chính sách của các nước khác sẽ không đem lại bất cứ kết quả nào.

Theo đó, chính sách của Mỹ trong NATO đang ngày càng không hiệu quả và Mỹ cần phải xem xét lại vai trò của mình trên thế giới và suy nghĩ một cách nghiêm túc về việc rút khỏi NATO. Thực tế này xuất phát từ các nguyên nhân chính như sau:

Thứ nhất, cán cân lực lượng được thiết lập từ sau Chiến tranh Thế giới lần II hiện đã không còn tồn tại. Mỹ trong vòng nhiều năm qua vẫn tin tưởng rằng vai trò lãnh đạo của họ trên trường quốc tế là điều cần thiết cho nhiều quốc gia.

Tuy nhiên, các nước châu Âu từ lâu đã không còn là “đứa trẻ cơ nhỡ bị bỏ rơi bởi chiến tranh” nữa mà đã hoàn toàn có thể tự giải quyết các vấn đề riêng của mình mà không cần đến vai trò của Mỹ.

Thứ hai, ở thời điểm được thành lập, NATO được xem là công cụ để thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia châu Âu chủ chốt. Khi đó không có bất cứ chính trị gia nào đề cập đến việc NATO sẽ thường xuyên được mở rộng.

Tuy nhiên, sau khi Liên Xô tan rã, giới lãnh đạo Mỹ đã bắt đầu thúc đẩy ý tưởng kết nạp các nước Trung và thậm chí cả Đông Âu làm thành viên NATO. Giới lãnh đạo Mỹ đã tiếp nhận, kết nạp các thành viên mới một cách thiếu suy nghĩ, chỉ đơn giản như là “kết bạn trên mạng Internet” vậy.

Trong khi đó, điều 5 của Hiến chương NATO lại càng làm tình hình trở nên phức tạp hơn. Theo điều 5 này, việc tấn công vào một thành viên của NATO cũng đồng nghĩa với việc tấn công toàn bộ khối NATO.

Do đó, Mỹ hoàn toàn có thể can dự vào cuộc xung đột vũ trang mà không có bất cứ liên quan nào đến Mỹ.

Theo National Interest, tính chất phi lý này của NATO càng được thể hiện rõ nét trong tháng 2/2016 khi Mỹ thúc đẩy NATO kết nạp thêm Montenegro.

Cũng giống như kịch bản kết nạp các nước Baltic, Mỹ đã dựng lên và thực hiện kế hoạch kết nạp Montenegro theo kịch bản đầy “giả dối” khi “tưởng tượng” ra các mối đe dọa đến an ninh quốc gia Mỹ.

Trên thực tế, việc Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự sát biên giới phía Tây của Nga khiến mối quan hệ Nga-phương Tây ngày càng trở nên căng thẳng hơn.

“Có cảm tưởng rằng các nước ủng hộ NATO không nhận thức được sự thay đổi của bối cảnh quốc tế. Chính sách của Mỹ trong NATO hết lần này đến lần khác đã không phù hợp với tính chất phòng thủ của NATO.

Đã đến lúc phải tiến hành phân tích toàn diện chính sách này và xem xét đến phương án thay đổi triệt để nhất: đưa Mỹ rút khỏi NATO”- bài báo kết luận.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ The National Interest, Huffington Post, RIA Novosti, một trong những hãng tin lớn nhất tại Nga, đặt trụ sở chính tại Moscow và hơn 80 văn phòng trên khắp thế giới.

RELATED ARTICLES

Tin mới