Với khoảng 450.000 tàu cá, Trung Quốc đang ‘càn quét’ các ngư trường với quy mô chưa từng có để đạt 71 triệu tấn cá/năm khiến nhiều vùng Biển Đông cạn kiệt cá.
Vùng biển này đang mất dần một nguồn lợi sinh tử là hải sản và các nước cần đến một sự hợp tác quốc tế và đối sách quyết liệt để giải quyết bài toán này.
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường – cựu Đại sứ Việt Nam tại 5 nước, người rất am hiểu tình hình Biển Đông – gửi cho VTC News bài viết bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước thực tế Biển Đông đang dần cạn kiệt cá do Trung Quốc đẩy mạnh đánh bắt trên quy mô lớn.
Bài viết được thực hiện sau chuyến đi thực tế của ông cùng đoàn làm phim truyền hình Pháp cùng ngư dân đảo Lý Sơn hồi tháng 6 vừa qua.
Với bài viết này, ông mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học và những người quan tâm đến biển hãy cùng đưa ra giải pháp để Biển Đông sẽ lại đầy ắp cá tôm, ngư dân tiếp tục bám biển, nuôi trồng thâm canh trên từng kilômét vuông biển và góp phần gìn giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Tháng 6 vừa rồi, tôi đi cùng một đoàn làm phim truyền hình của Pháp trên tàu của ông Lê Hơn ra khơi đánh cá. Các thuyền viên cho biết nghề đánh bắt cá ngày càng khó khăn. Có những chuyến đánh cá xa bờ 20 ngày mà thu họach chỉ đủ trả tiền xăng dầu. Cá biệt, có những chuyến ra khơi dài ngày gần như không có thu hoạch.
Người dân làm nghề đánh cá ở đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, đang đứng trước những thử thách mới và những lựa chọn khó khăn.
Đảo Lý Sơn trong lịch sử hành trình Nam tiến của nước Đại Việt là quê hương của Hải đội Hoàng Sa, do Chúa Nguyễn lập ra từ đầu thế kỷ 17. Trong 400 năm qua, từ khi người Việt ra lập nghiệp ở Cù lao Ré, nay còn gọi Lý Sơn, Hoàng Sa là một phần gần gũi của đời sống người dân đảo nơi đây.
Đánh cá là một trong những nghề sinh nhai chính của người dân Lý Sơn. Trong đó, Hoàng Sa là một trong những ngư trường truyền thống của ngư dân Lý Sơn. Tỉnh Quảng Ngãi hiện có đội tàu cá với hơn 5.600 chiếc. Riêng huyện đảo Lý Sơn có hơn 400 tàu, với khoảng 2.000 ngư dân thường xuyên đánh bắt ở ngư trường quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Video: Bộ đội biên phòng đuổi 6 tàu cá Trung Quốc vào sâu vùng biển Việt Nam.
Ngày trước Hải đội Hoàng Sa phải mất ba ngày ba đêm mới tới vùng biển của các đảo Hoàng Sa, ngày nay chỉ mất khoảng 20 tiếng là tới khu vực đảo Tri Tôn. Từ xa xưa, đánh cá là một nghề có thu nhập cao hơn làm ruộng. Nhưng ngày nay là một nghề rủi ro.
Rủi ro trước tiên là bị tàu Trung Quốc tấn công. Đến nay có trên 70 tàu cá của ngư dân huyện đảo Lý Sơn bị tàu lạ tấn công, bắt bớ, giam cầm đòi tiền chuộc, có thuyền bị đánh chìm, người vĩnh viễn nằm lại biển khơi.
Hồi tháng 8/2014, tàu của ông Lê Khởi gồm 13 ngư dân bị tàu Trung Quốc tấn công đập phá bể nát cabin tàu, chặt đứt nhiều dây hơi, cướp đi 3000 lít dầu, lấy sạch lương thực, cướp máy dò, phương tiện liên lạc, định vị và hơn 4 tấn cá. Ông Lê Khởi ước tổng thiệt hại gần 600 triệu đồng.
Hồi năm 2012, tàu của ông Khởi bị tàu Trung Quốc tấn công, bắt về đảo Hải Nam giam giữ 3 tháng. Ông Khởi đã tuyệt thực để phản đối việc bị đối xử khắc nghiệt. Nhờ vậy và nhờ sự can thiệp của cơ quan lãnh sự Việt Nam mới được trả về.
Rủi ro lớn hơn là biển chẳng còn cá mà đánh bắt nữa.
Đánh bắt quy mô chưa từng có
Biển Đông chiếm diện tích 2,5% bề mặt Trái đất, nhưng có các hệ san hô giàu nhất thế giới và 3.000 loài cá, chiếm 12% sản lượng cá đánh bắt của thế giới.
Xung quanh Biển Đông có 1,72 triệu tàu thuyền đánh cá. Các loài cá ở Biển Đông đã bị huỷ hoại nghiêm trọng: vào năm 2008, 25% loài cá bị đánh bắt, 50% bị khai thác quá mức.
Đến nay, tình trạng còn nghiêm trọng hơn. Một bản đồ về điều tra trữ lượng cá ở Biển Đông của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) mới đây cho thấy các ngư trường phía bắc Biển Đông (giáp Trung Quốc), Vịnh Bắc Bộ, và phía tây Biển Đông (giáp Việt Nam) đã bị khai thác hầu như cạn kiệt. Vùng xung quanh Trường Sa vẫn còn một trữ lượng cá nhất định.
Nguyên nhân chủ yếu là các đội tàu cá khổng lồ của Trung Quốc càn quét các ngư trường Biển Đông trên quy mô chưa từng có.
Năm 2012, chính quyền Trung Quốc xác định vùng đánh bắt cá của Trung Quốc là bốn biển Bột Hải, Hoàng Hải, Đông Hải (biển Hoa Đông) và Nam Hải (Biển Đông).
Một bản điều tra của phía Trung Quốc cho biết, các biển Bột Hải và Hoàng Hải đã cạn kiệt cá, cần giảm việc đánh bắt để tái tạo nguồn cá. Bản báo cáo đề xuất chủ trương đẩy mạnh đánh bắt cá tại biển Hoa Đông và Biển Đông.
Tại Biển Đông, chính quyền Trung Quốc giúp ngư dân điều tra ngư trường Trường Sa đang tranh chấp và trợ cấp nguyên liệu cho ngư dân đánh bắt cá tại đây. Họ có tàu hậu cần công suất 3.000-4000 tấn thu mua và chế biến cá ngay tại biển khơi.
Việc Trung Quốc mở rộng lấn chiếm Biển Đông, xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa, ngoài mưu đồ mở rộng lãnh thổ trên biển và kiểm soát các con đường biển quốc tế huyết mạch ngang qua Biển Đông, còn nhằm hỗ trợ ngư dân tiến tới các ngư trường còn tiềm năng xa hơn về phía nam và đông nam của Biển Đông.
Cận cảnh 15.000 tàu cá Trung Quốc ồ ạt ra Biển Đông tháng 8/2015
Những ngư trường này nằm trong khu vực Đặc quyền kinh tế của Philippines, Indonesia, Malaysia. Nó mở ra giai đoạn mới lấn chiếm Biển Đông bằng nghề đánh bắt cá và cùng với nó là xung đột trên biển.
Kinh tế biển ngày càng quan trọng đối với Trung Quốc. Họ là nước đứng đầu thế giới về tốc độ phát triển nghề cá. Năm 1980, khi châu Á chiếm 43% sản lượng cá thế giới, Trung Quốc mới chỉ chiếm 7%.
Đến năm 2013, châu Á chiếm 68% thì Trung Quốc đã chiếm 32%. Năm 2014, châu Á chiếm 1/3 xuất khẩu hải sản trên thế giới, Trung Quốc chiếm 12,5%, với giá trị xuất khẩu tăng 200% so với 7 năm trước đó.
Năm 2013, nghề cá mang lại cho nền kinh tế nước này 289 tỷ USD. Ngành kinh tế biển tạo ra 14,5 triệu việc làm; thu nhập ngư dân cao hơn nông dân 50%. Do tầm quan trọng của nó, Chính phủ Trung Quốc trợ cấp cho nghề cá 4 tỷ USD/năm kể từ năm 2010.
Năm 1978, Trung Quốc đề ra mục tiêu tự túc sản phẩm cá và đến năm 2002 đã đạt mục tiêu này.
Nhưng cũng giống như các nước châu Á ven biển khác, sự phát triển nhanh hoạt động nghề cá ở Trung Quốc đã dẫn tới việc khai thác cạn kiệt nguồn cá và hải sản khác dọc bờ biển Trung Quốc.
Năm 1985, gần 90% việc đánh bắt cá là gần bờ, đến năm 2002, việc đánh bắt gần bờ giảm xuống còn 65%, và tỷ lệ đánh bắt xa bờ không ngừng tăng lên. Công nghiệp chế biến Trung Quốc mới chỉ sử dụng 70% công suất, chưa đạt tỷ lệ mà kế hoạch 5 năm lần thứ 12 đề ra.
Bản đồ hải sản đang cạn kiệt ở Biển Đông. Ảnh: FAO
Đánh bắt gần 80 triệu tấn cá/năm, biển nào chịu thấu?
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đề ra mục tiêu cao đối với sản xuất cá cho kế hoạch 5 năm lần thứ 13, bắt đầu từ năm 2016, đạt 73 triệu tấn hàng năm vào năm 2020 và 77 triệu tấn vào năm 2024, tăng xuất khẩu lên 5,4 triệu tấn vào năm 2024.
Ngân hàng Thế giới ước tính mức tiêu thụ cá tính theo đầu người của Trung Quốc sẽ tăng 30% lên 41 kg/năm vào năm 2030, gấp đôi mức tiêu thụ trung bình toàn cầu. Thu nhập nghề cá của Trung Quốc chiếm 3% GDP của nước này. Trung Quốc có 450.000 tàu cá, trong đó khoảng 200.000 tàu đánh cá đại dương – là đội tàu lớn nhất thế giới.
Chính quyền Trung Quốc đề ra nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho các đội tàu đánh bắt cá hoạt động trên Biển Đông trong “vùng nước lịch sử” mà họ nêu lên. “Vùng nước lịch sử” và đường 9 đoạn đã bị Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) bác bỏ trong phán quyết ngày 12/7 vừa rồi.
Trước sự chỉ trích của các nước ven Biển Đông khác, Trung Quốc biện luận rằng trong quá trình hoạt động đánh bắt cá của các đội tàu nước này nếu chúng ngẫu nhiên thâm nhập vào vùng biển của các nước khác, thì đó là điều khó lòng kiểm soát.
Với việc triển khai chủ trương tận khai thác cá Biển Đông, Trung Quốc đang đưa cuộc xung đột tại vùng biển này xuống phía nam và đông nam Biển Đông. Ba vụ đụng độ giữa lực lượng hải giám Indonesia với tàu cá Trung Quốc trong nửa tháng đầu năm nay báo hiệu sự gia tăng các căng thẳng trên những vùng biển mới.
Tác giả – TS Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quốc tế, mong muốn nhận được phản hồi của các chuyên gia, nhà khoa học và những người quan tâm đến biển, đưa ra giải pháp để Biển Đông sẽ lại đầy ắp cá tôm, ngư dân tiếp tục bám biển, góp phần gìn giữ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.