Philippines đang đòi Đại sứ Trung Quốc phải có lời giải thích rõ ràng cho hành động bất thường khi đưa “ngày càng nhiều tàu quân sự” đến áp sát bãi cạn Scarborough ở Biển Đông. Manila quan ngại sâu sắc về khả năng Bắc Kinh đang lợi dụng hội nghị G-20 để tiến hành “xâm lược” bãi cạn nói trên. Trước đó, Tổng thống Philippines từng tuyên bố sẵn sàng “xung đột đẫm máu” với Trung Quốc nếu Bắc Kinh tìm cách chiếm đóng bãi cạn Scarborough.
Hồi đầu năm nay, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố về một “lằn ranh đỏ” theo đó cảnh cáo Trung Quốc về hậu quả nghiêm trọng nếu tìm cách chiếm bãi cạn Scarborough từ tay Philippines. Lằn ranh đỏ này được đưa ra trong bối cảnh giới chức quân sự dự đoán về việc chính quyền của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thực hiện cuộc chiếm đóng này trong thời gian Mỹ bận rộn với mùa bầu cử tổng thống quan trọng khi mà các vấn đề trong nước của Mỹ luôn được đặt lên trên các vấn đề quốc tế.
Bãi cạn Scaroborough là trung tâm của cuộc tranh chấp nóng bỏng giữa Trung Quốc và và Philippines ở Biển Đông. Nó cũng chính là nguồn cơn khiến Manila buộc phải kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế và Tòa án Trọng tài Thường trực ở The Hague mới đây đã ra phán quyết thẳng thừng bác bỏ yêu sách đường 9 đoạn phi lý mà Trung Quốc dựa vào đó để đòi chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Phán quyết của tòa án cũng khẳng định quyền kiểm soát của Manila với bãi cạn Scarborough.
Ngày hôm qua (4/9), Manila đã bày tỏ sự quan ngại đặc biệt về động thái mà họ xem như là một bước đi của Trung Quốc nhằm bắt đầu tiến trình xâm chiếm bãi cạn Scarborough trong khi thế giới đang bị xao lãng vì hội nghị thượng đỉnh G-20. Máy bay của Philippines phát hiện Trung Quốc đã tăng một số lượng lớn tàu quân sự đến áp sát bãi cạn Scarborough. Số lượng tàu lần này lớn hơn rất nhiều so với con số mà Bắc Kinh duy trì gần đây kể từ khi họ chiếm bãi cạn Scarborough sau vụ đụng độ năm 2012, Bộ Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho hay.
“Có 4 tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc và 6 tàu khác của nước này có mặt tại bãi cạn Scarborough. Sự xuất hiện của nhiều tàu như vậy đang gây quan ngại sâu sắc”, Bộ trưởng Lorenzana cho biết.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã yêu cầu Trung Quốc tuân thủ nghiêm túc phán quyết của tòa án quốc tế nhưng cũng nói rằng ông này sẽ không đưa vấn đề Biển Đông ra hội nghị thượng đỉnh G-20. Nhà lãnh đạo của Philippines trước đó từng tung ra cảnh báo sắc lạnh rằng, nếu Trung Quốc xâm lược bãi cạn Scarborough thì nước ông sẵn sàng cho một cuộc “xung đột đẫm máu” với Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền đất nước.
Nếu Philippines có xung đột vũ trang với Trung Quốc thì Mỹ sẽ ngay lập tức bị cuốn vào cuộc xung đột này bởi hai bên có hiệp ước an ninh chung. Như vậy, tình hình khu vực sẽ bùng nổ theo một cách không thể lường trước được hậu quả.
Bộ trưởng Lorenzana bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước số lượng tàu mà Trung Quốc đưa đến bãi cạn Scarborough nhưng vẫn kêu gọi các bên thận trọng. “Chúng tôi vẫn chưa biết rõ liệu sự xuất hiện của những con tàu đó có phải là bước mở màn cho các chiến dịch nạo vét, bồi đắp trong tương lai hay không. Nếu họ cố gắng làm bất kỳ điều gì ở bãi cạn Scarborough thì điều đó sẽ có hậu quả tiêu cực rất lớn và sâu rộng đến tình hình an ninh”, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines nói thêm.
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục giám sát tình hình căng thẳng leo thang ở Biển Đông và khuyến khích tất cả các bên kiềm chế, có những bước đi thực tế nhằm hạ nhiệt căng thẳng trong khu vực”.
Bãi cạn Scarborough nằm cách đảo chính Luzon của Philippines chỉ khoảng 230km. Trong khi đó, khu vực đất liền gần nhất của Trung Quốc là tỉnh Hải Nam cũng cách bãi cạn Scarborough đến 1.200km. Bãi cạn này là nơi chứng kiến cuộc đối đầu vô cùng căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc được châm ngòi từ một vụ va chạm giữa tàu chiến lớn nhất của Philippines với hai tàu hải giám Trung Quốc hồi tháng 4 năm 2012. Sau vụ va chạm trên, Trung Quốc trên thực tế đã chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough vốn là ngư trường đánh cá truyền thống của Philippines. Trung Quốc đã triển khai hàng loạt tàu tuần tra ở bãi cạn Scarborough, xua đuổi không cho các ngư dân của Philippines đến đánh bắt cá như thường lệ.