Thursday, April 25, 2024
Trang chủĐàm luậnMỹ cần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác an ninh biển với...

Mỹ cần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác an ninh biển với Đông Nam Á

Mỹ cần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác an ninh biển với Đông Nam Á để tương xứng với ưu tiên chiến lược ở khu vực

Mỹ điều tàu tuần tra trên Biển Đông: Hành xử tích cực

Hợp tác an ninh biển giữa Mỹ và các nước Đông Nam Á là một phần quan trọng trong chính sách của Mỹ ở Biển Đông, được cụ thể hóa trong “Sáng kiến an ninh Biển Đông Nam Á” (MSI) mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố tại Đối thoại Shangri – La tháng 5/2015. Tại đây, ông Carter cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ chi 425 triệu USD cho các nỗ lực xây dựng năng lực an ninh biển cho các nước Đông Nam Á. Theo đó, ngày 18/4/2016, Mỹ công bố nội dung gói hỗ trợ an ninh biển đầu tiên trị giá 50 triệu USD trong năm tài khóa 2016.

Trong đó, Philippines được phân bổ 42 triệu USD (chiếm gần 85%) tập trung vào ba lĩnh vực chính. Thứ nhất, Mỹ hỗ trợ quân đội và các tổ chức chấp pháp của Philippines xây dựng trung tâm hoạt động chung thông qua cung cấp các thiết bị cảm biến nhận dạng tự động (AIS), thiết bị phần mềm và phần cứng tăng cường mạng lưới thông tin liên lạc, đào tạo tăng cường quan hệ chỉ huy và kiểm soát giữa các đơn vị riêng rẽ của quân đội Philippines, cảnh sát biển Philippines và trung tâm giám sát bờ biển Philippines.

Bộ Tư lệnh thông tin không gian và hải quân (SPAWAR) của Mỹ sẽ giám sát phần chính của dự án này bao gồm nâng cấp thiết bị để thúc đẩy hoạt động chung với trị giá 15 triệu USD. Cơ quan hình ảnh nhận thức về biển (MDACOP) sẽ cung cấp phần cứng và phần mềm mới, máy thu hệ thống nhận dạng tự động (AIS), thiết bị mã hóa, thiết bị thông tin liên lạc.

Một đội chuyên gia bao gồm thành viên từ Đại học hải chiến Hoa Kỳ, Hạm đội 7, trụ sở hải quân Mỹ sẽ đào tạo quân đội Philippines về phân tích thông tin thu thập từ các trung tâm và hoàn thiện để gửi các nhà hoạch định chính sách và đối tác quốc tế. Việc đánh giá sẽ diễn ra vào giai đoạn tổ chức tập trận huấn luyện sẵn sàng chiến đấu (CARAT) tháng 6/2016 và tập trận hợp tác và huấn luyện Đông Nam Á (SEACAT) tháng 8/2016. Kết quả đạt được là các hạng mục đầu tư để Lầu Năm góc có thể xem xét cho các dự án MSI tương lai.

Thứ hai, triển khai dự án cải thiện năng lực tình báo, trinh sát và giám sát (ISR) trị giá 18 triệu USD. Bộ Tư lệnh hệ thống không quân trong hải quân (NAVAIR) sẽ giám sát phần lớn chương trình này, cung cấp hệ thống ra – đa khinh khí cầu tầm xa và khả năng giám sát để giúp Philippines giám sát giao thông trên biển và trên không. Khinh khí cầu sẽ giám sát giao thông trong vòng 90 hải lý ở Puerto Princesa Palawan và gửi thông tin cho cơ quan hoạt động chung của quân đội và lực lượng chấp pháp. Dự án cũng bao gồm bộ thiết bị do thám trên máy bay tuần tra C – 130 và thiết bị truyền dẫn qua lại với tổng trị giá 8,7 triệu USD.

Thứ ba, Bộ chỉ huy hệ thống biển hải quân (NAVSEA) sẽ giúp quyết định thiết bị chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc và máy tính để trang bị cho các tàu lớp Hamilton mà Philippines mua từ cảnh sát biển Mỹ.

Với Malaysia, Bộ Tư lệnh thông tin không gian và hải quân của Mỹ (SPAWAR) sẽ cung cấp cho Malaysia 1,2 triệu USD để tăng cường thông tin liên lạc và hệ thống hình ảnh chung cho quân đội Malaysia để kết nối với trung tâm vận hành bay hoàng gia Malaysia, lực lượng tác chiến và trung tâm không quân Malaysia. Tổng thể các nâng cấp trung tâm hoạt động, bao gồm đóng góp từ Hạm đội 7 và không quân với trị giá 2,3 triệu USD. Đồng thời, Bộ tư lệnh Thái Bình Dương cử chuyên gia tư vấn cho không quân Malaysia trong 5 tháng theo chương trình MSI năm 2016 để phát triển năng lực đổ bộ và các hạm đội ven biển ở khu vực Đông Sabah. Ngoài ra, Cố vấn thủy quân lục chiến Mỹ sẽ giúp mở rộng và nâng cấp tập trận Malus Amphex ở Malaysia thành tập trận đa phương và giúp lên kế hoạch tập trận đổ bộ Đông Sabah.

Với Indonesia,Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương sẽ giúp cung cấp các thiết bị di động thương mại Android cho các trung tâm để thu thậm dữ liệu, đánh giá, phân tích và phổ biến cho các trung tâm chỉ huy biển của Indonesia. Thiết bị này sẽ giúp tăng cường khả năng hoạt động liên thông giữa các Bộ ngành của Indonesia trong việc kết nối dữ liệu và phân tích để chia sẻ và cải thiện khả năng ra đối sách trên biển cũng như hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn. Bên cạnh đó, Sĩ quan không quân Thái Bình Dương và cảnh sát quốc gia ở Hawaii tham vấn quá trình phân tích thông tin, hoạt động của trực thăng, các vấn đề về phòng không ra – đa mặt đất và tổ chức các khóa trao đổi chuyên gia với không quân và hải quân Indonesia.

Với Việt Nam,Lầu Năm góc dự cung cấp 1,8 triệu USD để tìm hiểu năng lực hiện tại của Việt Nam và đánh giá những khả năng phù hợp và tương thích trong chương trình MSI cho năm tài khóa 2017. Hải quân Mỹ cử các chuyên gia về máy bay không người lái để giới thiệu và mời các quan chức Việt Nam thăm các cơ sở quân sự của Mỹ, nơi có các thiết bị máy bay không người lái, trong khi NAVSEA tìm hiểu về năng lực hiện tại của tàu thuyền Việt Nam đã nhận từ các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc để tìm ra khía cạnh có thể hợp tác với phía Mỹ để tăng cường khả năng hoạt động chung trong tương lai. Hải quân và cảnh sát biển Mỹ cũng cấp cho Việt nam 10 gói phần cứng cộng phần mềm về tìm kiếm cứu nạn (SAROPS) cùng với chương trình chuyển giao và bảo dưỡng trong vòng 5 năm. Mỹ cũng mời các cán bộ hải quân, cảnh sát biển và biên phòng của Việt Nam dự các khóa học và đào tạo liên quan với các cán bộ đến từ Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Brunei và Singapore.

Các chương trình hợp tác an ninh biển của Mỹ với Đông Nam Á trên đây nói riêng và các nỗ lực của Mỹ ở khu vực nói chung xuất phát trước hết từ nhu cầu hợp tác giữa Mỹ và các nước Đông Nam Á, nhưng đồng thời cũng bắt nguồn từ nhu cầu chung trong việc đối phó với tham vọng thống trị Biển Đông của Bắc Kinh, đặc biệt là việc quân sự hóa của Trung Quốc. Đầu năm 2016, Trung Quốc đã đưa tên lửa đất đối không HQ – 9 và máy bay chiến đấu J – 11 ra đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa. Đây là bước khởi đầu cho việc đưa các khẩu đội tên lửa và máy bay chiến đấu ra khu vực chiến lược Trường Sa trong tương lai, nơi mà Trung Quốc đang cải tạo và xây dựng tại bảy thực thể nước này chiếm đóng bất hợp pháp. Bên cạnh đó, các quốc gia trong khu vực luôn lo ngại về khả năng Bắc Kinh tuyên bố khu vực nhận dạng phòng không ở Biển Đông. Và theo nhận định của Viện nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS), nếu tiến trình này không được ngăn chặn, Biển Đông sẽ là ao nhà của Trung Quốc trước năm 2030.

Vấn đề đáng lo ngại hơn là Trung Quốc dường như không muốn dừng bước hoặc rút khỏi các thực thể ở Biển Đông, trở thành “mối đe dọa” ngày càng lớn đối với lợi ích an ninh của Mỹ ở khu vực, nên Mỹ cần phải mở rộng mạng lưới các đồng minh và đối tác gần gũi để ngăn chặn sự bành trướng của Bắc Kinh. Từ khi tuyên bố chuyển trọng tâm về Châu Á năm 2011, Mỹ đã đưa ra một số sáng kiến để xây dựng năng lực cho các đối tác ở Đông Nam Á như gỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam và đàm phán Hiệp định hợp tác quốc phòng tăng cường với Philippines. Quân đội Mỹ cũng duy trì các chương trình hỗ trợ khả năng nhận thức về biển và gia tăng các hoạt động tuần tra với Indoneisa, Philippines và Malaysia. Tuy nhiên, các hợp tác an ninh biển của Mỹ với Đông Nam Á chưa tương xứng với ưu tiên và mong muốn của Washington, đặc biệt là trong việc duy trì cân bằng quyền lực có lợi cho Mỹ trước một nước Trung Quốc trỗi dậy đang tìm cách thay đổi luật chơi.

Nhưng, vì là siêu cường toàn cầu nên Mỹ phải dàn trải nguồn lực khắp nơi nên trên thực tế Mỹ chưa dành đủ nguồn lực và sự tập trung đúng mức cho Đông Nam Á. Các hạng mục chi quân sự của Mỹ cho cả Châu Á mới chỉ chiếm 1% ngân sách quân sự ở nước ngoài của Mỹ. Trong năm tài khóa 2014, cả ba nước ở Đông Nam Á là Indonesia, Philippines và Việt Nam chỉ nhận được 74 triệu USD từ ngân sách quân sự nước ngoài của Mỹ, trong khi đó, chỉ riêng Ai Cập đã nhận 1,3 tỷ USD, hoặc lực lượng nổi dậy ở Syria nhận được 500 triệu USD trang thiết bị và đào tạo (lực lượng này sau đó bị thất bại). Hay nói cách khác Mỹ đang đổ nguồn lực vào những nơi không mang lại nhiều lợi ích cho Mỹ, ngược lại Mỹ càng bị lực lượng Hồi giáo khắp nơi trên thế giới chống lại, trong khi Trung Quốc rảnh tay phát triển và từ từ lấn chiếm sân chơi của Mỹ ở khu vực.

Để đảo ngược tình thế, Mỹ cần tập trung nhiều nguồn lực và tăng cường hơn nữa hợp tác an ninh biển với các nước Đông Nam Á để tạo sự cân bằng ở Biển Đông trong cuộc cạnh tranh chiến lược nước lớn giữa Mỹ và Trung Quốc ở khu vực. Để kiềm chế Trung Quốc, một trong những biện pháp hữu hiệu Mỹ có thể triển khai là cộng tác nâng cao năng lực an ninh biển cho các nước Đông Nam Á để có được sức mạnh răn đe đủ tin cậy chống lại sự bành trướng của Trung Quốc. Theo đó, bên cạnh các nội dung đã và đang triển khai, Mỹ cần tiếp tục và mở rộng một số các khía cạnh hợp tác.

Một là, Mỹ cần mở rộng các hoạt động đào tạo, chuyển giao trang thiết bị giám sát tầm xa đủ tốt cho các nước Đông Nam Á để có thể giám sát, phát hiện các tàu bè và phương tiện của Trung Quốc hoạt động trên biển, đặc biệt là ở những vùng biển nhạy cảm và tranh chấp vì những nơi này thường ở xa đất liền.

Hai là, các cơ quan liên quan của Mỹ cần có cách tiếp cận thống nhất và có chương trình hợp tác dài hạn. Ủy ban quân vụ thượng viện Mỹ đệ trình khoản tài chính 425 triệu USD của Sáng kiến an ninh Biển Đông Nam Á cho 5 năm nhưng Quốc hội Mỹ chỉ thông qua 50 triệu USD cho năm tài chính 2016 thay vì một chương trình 5 năm. Điều này sẽ rất khó cho Mỹ trong việc triển khai các dự án dài hơi ở khu vực. Việc tăng ngân sách quốc phòng ở nước ngoài cho khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cần sự quan tâm ở cấp cao, từ các cơ quan chính phủ cho tới các giới chức quốc hội.

Ba là, Mỹ cần phối hợp và thúc đẩy các đồng minh và đối tác khác như Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc và Ấn Độ hợp tác với các nước Đông Nam Á. Ví dụ, Nhật Bản trong những năm gần đây tích cực tăng cường quan hệ an ninh biển với Đông Nam Á. Thủ tướng Shinzo Abe triển khai chính sách “đóng góp tích cực cho hòa bình”, tăng ngân sách quốc phòng và diễn giải lại hiến pháp mở đường cho chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng ra nước ngoài cũng như cho phép lực lượng phòng vệ hợp tác với các đối tác nước ngoài. Tokyo đã ký hiệp định đối tác chiến lược với Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam, cung cấp tàu và máy bay tuần tra cho các nước đồng thời tham gia các hoạt động tập trận chung, cứu hộ cứu nạn, v.v.

Như vậy, hợp tác an ninh biển với các nước Đông Nam Á là một thành tố quan trọng trong chiến lược của Mỹ đảm bảo cam kết sức mạnh và an ninh ở khu vực nhằm ngăn chặn mưu đồ thống trị Biển Đông của Trung Quốc. Mỹ đã làm và ít nhiều dành được tín nhiệm của khu vực với tư cách là cường quốc bảo vệ nguyên trạng và duy trì trật tự khu vực dựa trên luật lệ vì hòa bình, ổn định và phát triển nhưng Mỹ còn có thể làm nhiều hơn nữa nếu như dành nhiều hơn nữa sự quan tâm cũng như nguồn lực cho các nước Đông Nam Á để có thể ngăn chặn hiệu quả sự bành trướng của Bắc Kinh. Việc làm này trên hết phục vụ chính cho lợi ích quốc gia của Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới