Trung Quốc có thể từ bỏ kế hoạch giảm áp lực đối với Triều Tiên, sau vụ thử hạt nhân tiếp theo của Bình Nhưỡng hôm 9/9.
Ngày 9/9, Triều Tiên đã thử hạt nhân lần thứ 5.
Tuyên bố trên được ông Andrei Lankov – chuyên gia về Triều Tiên, giáo sư trường Đại học Kookmin tại Seoul cho biết khi trả lời phỏng vấn hãng RIA Novosti của Nga.
“Trung Quốc có ý đồ liên quan đến các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã tích cực tham gia vào cơ chế trừng phạt chống lại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, nhưng sau khi Hàn Quốc quyết định lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa thì Bắc Kinh đã nghiêng về hướng giảm áp lực lên Triều Tiên”, ông Lankov nói.
Trung Quốc và Nga bày tỏ quan ngại rằng, những tổ hợp phòng thủ chống tên lửa của Mỹ THAAD sẽ được Hàn Quốc cho phép lắp đặt trên lãnh thổ của mình, khả năng có mục đích kép và có thể không được sử dụng để phòng thủ, mà tấn công chống lại các nước thứ ba.
Tuy nhiên, trong cuộc trả lời phỏng vấn với hãng tin RIA Novosti, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đảm bảo rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD không nhằm chống lại Nga hay bất kỳ nước nào khác.
“Hiện nay, ngày càng chắc chắn rằng, mọi thứ sẽ vẫn như cũ, và rằng, chính quyền Trung Quốc sẽ tiếp tục hạn chế nghiêm ngặt việc nhập khẩu các tài nguyên từ Triều Tiên, hạn chế khả năng Bình Nhưỡng kiếm được lợi nhuận, cũng như việc xuất khẩu sang Triều Tiên các sản phẩm có thể được sử dụng cho mục đích quân sự”, ông Lankov cho biết.
Trước đó, vào hôm thứ Sáu (9/9), các chuyên gia Hàn Quốc cho biết vào khoảng 09h30 theo giờ địa phương (3h30 theo giờ Moscow), tại CHDCND Triều Tiên đã ghi nhận một trận động đất với cường độ 5,0 độ richter.
Chính quyền Triều Tiên khẳng định đã thực hiện thành công một cuộc thử nghiệm hạt nhân và tuyên bố rằng, các tên lửa đạn đạo có khả năng trang bị đầu đạn hạt nhân. Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Moscow khẩn thiết yêu cầu CHDCND Triều Tiên chấm dứt cuộc phiêu lưu đầy nguy hiểm, tuân thủ tất cả các chỉ thị của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và từ bỏ hoàn toàn các chương trình hạt nhân và tên lửa.
Theo số liệu của quân đội Hàn Quốc, sức công phá của tên lửa có thể đạt 10 kiloton, gần gấp đôi so với vụ thử hạt nhân vào hồi tháng 1 (6 kiloton). Một nguồn tin của RIA Novosti trong các cơ quan quân đội của Nga cho biết, sức công phá trong vụ thử hạt nhân của Triều Tiên ước tính là 30 kiloton.
Trong một diễn biến khác, chuyên gia phân tích Carl Dewey thuộc trung tâm HIS nhận định “Các biện pháp trừng phạt sẽ không ảnh hưởng đến khả năng Triều Tiên tiến hành những vụ thử hạt nhân”
“Mặc dù đã gia tăng lệnh trừng phạt sau vụ thử hạt nhân lần thứ 4 được xác nhận vào hồi tháng 1, nhưng Triều Tiên, đúng như dự đoán, vẫn có trữ lượng vũ khí hạt nhân thường xuyên, trong đó, theo một số đánh giá, là 15-20 đơn vị vũ khí. Các biện pháp trừng phạt sẽ không có hiệu quả đối với lượng dự trữ này hay ngăn chặn các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên”, ông Carl Dewey phát biểu trong cuộc phỏng vấn với tờ RIA Novosti.
“Bất kỳ vụ thử hạt nhân nào cũng đều thể hiện sự khiêu khích và đáng lo ngại, đặc biệt có giả thuyết cho rằng, tên lửa mạnh nhất hiện nay có sức công phá từ 10-20 kiloton”, ông Dewey cho biết.
Ông nhấn mạnh rằng, “con số này là nhỏ hơn vụ Hiroshima hay Nagasaki, nhưng có thể phá hủy cả một vùng trung tâm” của London. “Ví dụ, nếu 1 quả tên lửa 10 kiloton phát nổ tại Quảng trường Trafalgar sẽ phá hủy toàn bộ từ Cung điện Buckingham cho đến thành phố London”, chuyên gia cho biết.
Theo ông, sức công phá của tên lửa chỉ là “đánh giá sơ bộ và cần được kiểm tra”. “Vì vậy, ở giai đoạn này rất khó để đánh giá mức độ tiên tiến của vũ khí”, ông Dewey cho biết.
Về phía Nga, ngày 10/9, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng cộng đồng quốc tế cần tìm các giải pháp mới để phản ứng với các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, nhằm giảm căng thẳng trong khu vực thay vì chỉ tăng cường trừng phạt Bình Nhưỡng.
“Tình hình hiện nay cho thấy các nhà ngoại giao cần sáng tạo hơn, thay vì chỉ đáp trả bằng những biện pháp trừng phạt lặp đi lặp lại trong bất cứ tình huống nghiêm trọng nào”, ông Lavrov nhấn mạnh và cho rằng còn quá sớm để kết thúc các cuộc đàm phán 6 bên và cần phải tìm cách để nối lại chúng.
Trước đó, ngày 9/9 Đức đã triệu Đại sứ Triều Tiên tại Berlin để kịch liệt phản đối vụ thử hạt nhân mới nhất của Bình Nhưỡng. Phát ngôn viên Chính phủ Đức Steffen Seibert đã cực lực lên án vụ thử hạt nhân của Triều Tiên và cho rằng với động thái này, Bình Nhưỡng rõ ràng muốn “tiếp tục gây bất ổn một cách vô trách nhiệm ở khu vực Đông Bắc Á”.