Chuyên gia Anders Aslund kết luận, phương Tây đã hụt hơi và không nhận được bất kỳ lợi ích nào trong thượng đỉnh G20 lần này khi sân khấu đã được bao quát bởi Trung Quốc và Nga.
Trung-Nga chiếm lĩnh sân khấu G20 năm nay.
Trong 2 ngày 4-5/9, các nhà lãnh đạo thuộc G20 đã có cuộc gặp mặt thường niên tại Hàng Châu, Trung Quốc dưới sự chủ trì của người đứng đầu nước chủ nhà Tập Cận Bình.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008-2009, khi các nền kinh tế chính lớn nhất cần phải tụ họp lại với nhau để trấn an thị trường toàn cầu, G20 là một thành phần chủ chốt không thể thiếu. Nhưng cũng bắt đầu từ thời điểm này các cuộc gặp mặt G20 đã không còn mang lại nhiều kỳ vọng.
Bất chấp các thách thức toàn cầu đang ngày một trở nên phức tạp và nghiêm trọng, Hội nghị thượng đỉnh G20 đang có xu hướng trở nên vô nghĩa khi ít mang lại những giải pháp có tầm nhìn và lâu dài. Thay vào đó, những bất đồng đang trở thành chủ đề chính trong các cuộc thảo luận năm nay.
Theo Newsweek, thông cáo chung G20 năm nay dài hơn mọi năm nhưng cũng nhạt nhòa hơn. Nội dung các tài liệu được khai báo trong 14 trang và 48 bài viết. Và như mọi khi, các vấn đề tốt được hưởng ứng và ngược lại những vấn đề xấu được các nước đồng lòng phản đối. Sự “vô thưởng vô phạt” của thông cáo khiến người ta liên tưởng đến những tuyên bố chung sau các cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Theo chuyên gia Anders Aslund từ Hội đồng Đại Tây Dương, chính vì tuyên bố chung của chương trình nghị sự không mang nhiều ý nghĩa nên chủ nhà đã không phát hành rộng rãi, thay vào đó Trung Quốc chỉ cung cấp một tuyên bố quan trọng của ông Tập Cận Bình nhưng chỉ gói gọn trong hai trang.
Trên thực tế, các vấn đề cơ bản đặt ra với G20 đã không còn sự đồng thuận chung kể từ khi bốn quốc gia Trung Quốc, Ai Cập, Nga và Saudi Arabia bắt đầu trở thành thành viên chính thức đầy đủ. Lúc này G20 đã phân hóa rõ ràng thành phương Tây và phần còn lại.
G20 năm nay đã tái khẳng định quyết tâm thương mại tài chính được “đảm bảo dựa trên luật lệ, hệ thống minh bạch, không phân biệt đối xử, cởi mở và thương mại đa phương, với Tổ chức Thương mại Thế giới đóng vai trò trung tâm”.
Nhưng một số nước G20, đặc biệt là Brazil, Ấn Độ và Nga, đang dẫn đầu bởi sự bảo hộ kinh tế trong nước đã từ chối thông cáo này.
Điều này cũng xảy ra tương tự với cả hai thỏa thuận bảo trợ thương mại khu vực mà Mỹ đang thực hiện là Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định các đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương cũng không được đề cập, do không có sự nhất trí từ Trung Quốc.
Các thành viên G20 được cho là các nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng trên thực tế nó không đúng trong mọi trường hợp. Tiềm lực của Argentina là không đủ để đứng trong danh sách này. Trong khi chỉ có 19 thành viên là các quốc gia, còn thành viên thứ 20 lại là Liên minh châu Âu.
Gọi là 20 nước nhưng thực tế năm nay G20 còn kéo theo khá nhiều mắt xích với không ít hơn 35 quốc gia và các tổ chức khác có đại diện tại hội nghị.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã mở rộng thêm một số khách mời thuộc các nền kinh tế trung bình và tuyên bố G20 đã vượt qua nhóm G7, khối các quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới.
Trớ trêu thay, dù có số lượng khá nhiều đại diện các nước tập hợp tại đây nhưng các cuộc họp song phương bên lề lại chi phối thượng đỉnh G20.
Với vị thế là quốc gia chủ nhà, Chủ tích Trung Quốc Tập Cận Bình là người vượt lên dẫn trước trong cuộc chơi này. Ngược lại, Tổng thống Mỹ Obama chỉ có ba cuộc gặp song phương chính thức với Thủ tướng Anh Theresa May và Tổng thống Nga Vladimir Putin và ông Tập.
Và điều khiến nhiều người bất ngờ hơn là nhà lãnh đạo nước Nga Vladimir Putin.
Ở Brisbane, Úc hồi năm 2014, ông đã phải đón nhận sự lạnh nhạt từ G20 vì những quyết định trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Nhưng Hàng Châu đã đánh dấu sự trở lại của Moscow, nơi ông Putin đã phá vỡ sự cô lập của quốc tế mà không cần phải nhượng bộ bằng bất cứ hành động nào của mình.
Người đứng đầu điện Kremin cũng có cho mình những thành công ngoại giao lớn chỉ trong vài ngày sau các cuộc gặp trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở Vladivostok, Nga với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye.
Tại Hàng Châu, ông Putin sánh đôi trên sân khấu với nhà lãnh đạo nước chủ nhà Tập Cận Bình, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Hoàng tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman bin Abdulaziz, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp François Hollande, Thủ tướng Anh Theresa May, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sissi và người đồng cấp Obama.
Rõ ràng, ông Putin là chính khách nổi bật nhất ở Hàng Châu, và nhiều bức ảnh cho thấy người đàn ông đến từ Moscow hài lòng vì điều này.
Trong khi đó phương Tây tiếp tục mất điểm khi nhóm năm quốc gia Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đã có cuộc hội đàm riêng đầy quan trọng, thì ngược lại các nhà lãnh đạo G-7 đã không bận tâm để tổ chức một cuộc họp chung.
Trong thông cáo chung cuối cùng của hội nghị vẫn còn thiếu những vấn đề quan trọng như Syria, Ukraine, lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga và các tranh chấp ở Biển Đông bị đưa ra một cách hạn chế.
Chuyên gia Anders Aslund kết luận, phương Tây đã hụt hơi và không nhận được bất kỳ lợi ích nào trong thượng đỉnh G20 lần này khi sân khấu đã được bao quát bởi Trung Quốc và Nga.