Wednesday, April 24, 2024
Trang chủĐiểm tin"Chiến lược cải bắp" của TQ khiến Nhật lo ngại

“Chiến lược cải bắp” của TQ khiến Nhật lo ngại

So với mối lo rơi vào xung đột quy mô lớn với Trung Quốc, Nhật Bản càng e ngại “chiến lược cải bắp” – biện pháp giúp Bắc Kinh xâm chiếm các đảo, đá mà không cần “động binh”.

Tàu hải cảnh Trung Quốc tuần tra gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. (Ảnh tư liệu: Xinhua)

Tờ Tuần san Kinh tế Đông Dương (Toyo Keizai) của Nhật hôm 17/9 đưa tin, Trung Quốc đang mở rộng “chiến lược cải bắp” để giành quyền chi phối trên biển.

Cơ sở cốt lõi của chiến lược này khi được quân đội Trung Quốc áp dụng để giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ Philippines năm 2012 là chi phối được các tàu chiến và binh lính của Philippines.

Các lớp bao vây của Trung Quốc khống chế hàng hóa tiếp tế, buộc người Philippines phải “bật ra”, sau đó Bắc Kinh dễ dàng làm chủ tình hình.

Bãi Cỏ Mây, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện bị Philippines chiếm giữ trái phép, cũng ở trong tình trạng thường xuyên có tàu hải cảnh Trung Quốc “lảng vảng”.

Toyo Keizai cho hay, Tư lệnh Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, Phó đô đốc Joseph Aucoin bày tỏ quan ngại Trung Quốc không chỉ áp dụng “chiến lược cải bắp” ở biển Đông mà sẽ đưa mô hình này tới các vùng biển có tranh chấp khác.

Đây là cách thức hữu hiệu dùng tàu dân sự để giành được quyền kiểm soát tình hình khu vực.

Theo Toyo Keizai, mối lo của ông Aucoin hoàn toàn có cơ sở, bởi tình hình tương tự bãi cạn Scarborough năm 2012 đã xuất hiện ở gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Trung-Nhật cùng tuyên bố chủ quyền.

Kể từ 5/8 đến nay, vào giai đoạn đỉnh điểm đã có hơn 200 tàu cá Trung Quốc cùng 15 tàu công vụ, gồm tàu hải cảnh, hải giám, ngư chính… của Trung Quốc hiện diện đồng thời ở vùng biển gần Senkaku/Điếu Ngư và các đảo phụ cận. Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Trình Vĩnh Hoa bịNgoại trưởng Nhật Fumio Kishida triệu tập 2 lần để phản đối.

Sau khi chính phủ Nhật quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào tháng 9/2012, Hải quân Trung Quốc đã “bắt tay” với cơ quan ngư chính và hải giám của nước này để tổ chức cuộc tập trận rầm rộ ở biển Hoa Đông ngay tháng 10.

Vào thời điểm đó, các tàu Trung Quốc tham gia xung đột trực diện không phải là tàu quân sự, mà chính là các tàu chấp pháp. Tàu hải quân sẽ nhập cuộc sau khi xung đột bắt đầu để “bảo vệ” tàu công vụ.

Toyo Keizai phân tích, có hai lý do khiến Trung Quốc không sử dụng trực tiếp sức mạnh quân sự.

Thứ nhất là Bắc Kinh muốn tránh bị xã hội quốc tế chỉ trích “Trung Quốc làm leo thang căng thẳng”. Việc dùng tàu chấp pháp và tàu dân sự làm “mồi nhử” cho phép Trung Quốc đổ lỗi cho đối thủ nếu các nước khác “động binh” trước.

Kiểm soát được các đảo, đá mà không cần xung đột vũ trang chính là kịch bản mà Trung Quốc ưa thích nhất.

Thứ hai, Trung Quốc luôn hạn chế tối đa phát sinh xung đột quân sự với Mỹ bằng cách gia tăng quyền kiểm soát các đảo, đá trên biển theo cách tiến từng bước nhỏ, biến tình hình thành “sự đã rồi” và đặt các bên liên quan vào thế không thể xoay chiều.

RELATED ARTICLES

Tin mới