Thursday, January 9, 2025
Trang chủBiển nóngBản tin Biển Đông ngày 28/09

Bản tin Biển Đông ngày 28/09

Bản tin Biển Đông ngày 28/09.

1) Chuyến thăm Trung Quốc của Đặc phái viên Philippines sẽ tạm hoãn cho đến “thời điểm thích hợp”

Ngày 27/9, các trang Reuters, The Japan Times, Indian Express, Bưu điện Hoa Nam Buổi Sáng… đưa tin:

Mới đây, thông tin đăng tải trên trang web Đại sứ quán Philippines tại Bắc Kinh cho biết, chuyến thăm Trung Quốc dự kiến của Đặc phái viên Philippines Fidel Ramos nhằm hàn gắn lại quan hệ giữa hai nước đã bị huỷ. Tuy nhiên ngày 27/9, theo trợ lý của ông Ramos cho biết, ông Ramos vẫn sẽ đến Bắc Kinh, nhưng phải chờ thời điểm “thích hợp”. Mặc dù vậy, cho đến nay vẫn chưa có thông báo chính thức nào do chính ông Ramos đưa ra và cũng chưa rõ ông này sẽ lên kế hoạch gặp ai trong chuyến thăm này. Đây được coi là chuyển biến mới nhất trong chính sách đối ngoại đang ngày càng trở nên bất định dưới chính quyền mới của Tổng thống Rodrigo Duterte. Hiện tại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa lên tiếng bình luận về việc này, nhưng theo một nguồn tin cho biết, lý do chuyến thăm này bị huỷ là vì bị trùng với lịch trình làm việc của Tổng thống Duterte tới một số nước châu Á đã được lên kế hoạch trước.

2) Bắc Kinh lớn tiếng chỉ trích cuộc tranh cãi của Đại sứ Singapore với một tờ báo của nước này

Ngày 27/9, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi Sáng đưa tin:

Dù không trực tiếp chỉ đích danh Singapore, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang cho biết “một quốc gia đơn lẻ” đã cương quyết đưa vấn đề Biển Đông vào văn kiện cuối cùng của một Hội nghị cấp cao của Phong trào Không liên kết (NAM) được tổ chức tại Venezuela ngày 18/9 vừa qua, làm phức tạp thêm căng thẳng trong vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, ai cũng hiểu Trung Quốc đang ám chỉ đến Singapore, sau khi cuộc “khẩu chiến” vừa nổ ra giữa Đại sứ Singapore Stanley Loh và Tổng biên tập Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc Hu Xijin. Đáp trả lại chỉ trích của Đại sứ vừa qua rằng bài báo của Thời báo Hoàn cầu “toàn những hành động và lời lẽ sai trái, thiếu cơ sở”, ông Hu khăng khăng khẳng định nguồn tin trích trong bài báo là “nghiêm túc và đáng tin cậy”. Không những thế, ông Hu Xijin còn ngang ngược nói rằng, “là một đại sứ tại Trung Quốc, ông Loh có thể đã không tham dự cũng như đóng vai trò quan sát viên tại Hội nghị ở Venezuela”. Đồng thời, ông này không ngại đưa ra chỉ trích nặng nề rằng phía Singapore “nên tự cảm thấy vô liêm sỉ khi tìm cách ngáng đường Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Singapore”. Theo ông Du Jifeng, chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, vấn đề hiện nay giữa hai nước là có quá nhiều bất đồng khiến quan hệ hai bên trở nên vô cùng phức tạp, đặc biệt là về vấn đề Biển Đông, bởi trong khi Singapore nghĩ rằng nước này đang phát biểu cho cả một khối ASEAN thì Trung Quốc lại nghĩ đó là lập trường của riêng Singapore.

3) Quan chức cấp cao Trung Quốc yêu cầu Nhật Bản không can dự vào Biển Đông

Ngày 27/9, trang Bưu điện Hoa Nam Buổi Sáng đưa tin:

Tại một diễn đàn với sự tham dự của giới doanh nghiệp và chính trị gia Trung Quốc và Nhật Bản, Bộ trưởng Văn phòng Thông tin Hội đồng Nhà nước Trung Quốc Jiang Jianguo ngày 27/9 đã lớn tiếng yêu cầu Nhật Bản không can dự vào vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với lý do “đây không phải là vấn đề của Nhật Bản”; mặc dù mặt khác vẫn đòi hỏi nhu cầu cần phải thúc đẩy quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật vì điều này vẫn “có ý nghĩa đối với hoà bình và ổn định của châu Á và thế giới”. Cũng tại đây, một cựu quan chức ngoại giao của Trung Quốc Tang Jiaxuan cũng cho biết quan điểm tương tự khi chỉ trích lập trường của Nhật Bản ở Biển Đông là “cố ý kích động vấn đề, can thiệp theo nhiều cách khác nhau sẽ chỉ làm rối mọi chuyện lên” nhưng không quên nhắc nhở Nhật Bản “cần mở rộng quan hệ hợp tác với Trung Quốc”. Để đáp lại, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida vẫn điềm tĩnh cho biết “một Hội nghị cấp cao ba bên nào đó” (gồm cả Hàn Quốc) “sẽ là cơ hội để cải thiện quan hệ Trung – Nhật và đưa quan hệ này về đúng quỹ đạo”. Ông cũng tha thiết kêu gọi hai bên cần có thêm nhiều cố gắng hơn để thúc đẩy quan hệ song phương này. Theo các nguồn tin Chính phủ Nhật Bản, Hội nghị này có thể sẽ được tổ chức tại Nhật Bản trong tháng 11.

4) Ngoại trưởng Yasay: Mỹ quan ngại về vấn đề tranh chấp biển trong chương trình làm việc của Philippines

Ngày 27/9, tờ Phil Star Globe đưa tin:

Ngày 27/9, tại cuộc họp báo sau chuyến thăm Washington, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay cho biết trong cuộc gặp với các quan chức của Mỹ vừa qua, các quan chức này bày tỏ lo ngại về các động thái tiếp theo của Philippines “có thể gây suy yếu thành quả có được từ Phán quyết Tòa Trọng tài quốc tế vụ kiện Biển Đông”. Tuy nhiên, ông Yasay đã trấn an các quan chức này rằng “cơ sở pháp lý cho yêu sách của Philippines đang ngày càng mạnh hơn nhờ Phán quyết đó” và khẳng định hành động của Philippines trong thời gian tới vẫn sẽ dựa trên cơ sở Phán quyết. Ông cũng cho biết thêm, tranh chấp Biển Đông là vấn đề giữa Philippines và các nước láng giềng ở Châu Á, nếu đưa vấn đề thảo luận ở cấp độ đa phương sẽ “càng làm phức tạp thêm tình hình” và do đó “việc tiến hành đàm phán đa phương với các quốc gia khác không liên quan đến tranh chấp không thuộc lợi ích quốc gia của Philippines”.

5) Đại sứ Singapore tố cáo “Phóng viên của Thời báo Hoàn Cầu không có mặt tại Hội nghị Thượng đỉnh” trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang ở Biển Đông

Ngày 28/9, trang Bưu điện Hoa Nam Buổi Sáng đưa tin:

Cuộc khẩu chiến giữa Đại sứ Singapore tại Bắc Kinh Stanley Loh và Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu Hu Xijin hiện vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Ngày 28/9, Đại sứ Stanley Loh tiếp tục gửi lá thư thứ hai đến các hãng truyền thông, trong đó có Bưu điện Hoa Nam Buổi Sáng, nhằm một lần nữa bác bỏ bài báo của Thời báo Hoàn cầu đưa lên hôm 18/9, đồng thời đặt ra dấu hỏi lớn cho “uy tín” của tờ Thời báo Hoàn cầu khi không hề có bất kỳ phóng viên nào của báo này có mặt tại Hội nghị Thượng đỉnh Phong trào không liên kết (NAM) tại Venezuela vừa qua, thay vào đó “lại dựa vào những nguồn tin vô danh” để viết ra bài báo bịa đặt, chỉ trích Singapore. Nhằm bác bỏ thông tin mới đây Tổng biên tập Hu Xijin cáo buộc “ông Loh không tham dự cũng như không đóng vai trò quan sát viên trong Hội nghị của NAM”, Đại sứ Stanley Loh khẳng định Singapore là thành viên của NAM và đã tham gia vào tất cả các phiên của Hội nghị, nên sự hiện diện của ông hoàn toàn “có thể được xác nhận bởi các ghi chép công khai về Hội nghị”. Liên quan đến luận điệu chỉ trích lập trường của Singapore là nhằm chống lại Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp, ông Loh cho rằng thứ luận điệu này “không hề liên quan”. Ông cũng xác nhận lại rằng “việc đưa vấn đề Biển Đông ra thảo luận tại hội nghị không phải là riêng từ phía Singapore mà đó là từ sự đồng thuận của cả khối ASEAN”. Ngoài ra, Đại sứ Loh cũng yêu cầu tờ Nhân dân Nhật báo do Đảng Cộng sản Trung Quốc hậu thuẫn đăng tải bức thư của ông trên tinh thần “đảm bảo tính chân thực, chuyên nghiệp, khách quan và minh bạch” nhưng ông cho biết, báo này chưa từng làm được như vậy. Nguyên văn nội dung hai bức thư của Đại sứ Stanley Loh đã được đăng tải trên Bưu điện Hoa Nam Buổi Sáng.

RELATED ARTICLES

Tin mới