Ngư dân Philippines bị tàu hải cảnh Trung Quốc truy đuổi nhiều lần trong tháng 9 khi họ đánh bắt gần Scarborough bất chấp lời kêu gọi của Tổng thống nước này, truyền thông Philippines đồng loạt đưa tin ngày 27.9.
Trong bản báo cáo gửi Hội đồng an ninh quốc gia, Cảnh sát biển Philippines cho biết 3 tàu hải cảnh Trung Quốc xua đuổi 3 tàu đánh cá Philippines gần Scarborough hôm 6.9.
“Tàu hải cảnh Trung Quốc áp sát tàu cá Philippines và một cảnh sát biển Trung Quốc leo lên một chiếc thuyền và ra lệnh cho tàu Philippines phải rời khỏi đó”, Philippine Star mô tả lại vụ việc dựa trên bản báo cáo.
Trong khi các ngư dân Philippines nói chuyện với các cảnh sát biển Trung Quốc và yêu cầu để họ ở lại đánh bắt cá thì một chiếc thuyền cao su của hải cảnh Trung Quốc lao vào tàu cá của ngư dân Philippines. Các ngư dân lúc đầu từ chối rời khỏi vùng biển được cho là thuộc Philippines, nhưng sau đó phải quyết định bỏ đi vì bị hải cảnh Trung Quốc gây rối, có thể ảnh hưởng đến tính mạng của họ.
Vào ngày 10.9, một tàu đánh cá khác của Philippines bị xua đuổi khỏi Scarborough. Những chiếc thuyền cao su từ một con tàu Trung Quốc bao vây nó, cảnh sát biển Trung Quốc quay phim, chụp hình con tàu nhằm đe doạ, khiến ngư dân Philippines sợ hãi.
“Hành động của Trung Quốc đi ngược lại phán quyết của Toà trọng tài quốc tế. Chúng tôi luôn kêu gọi ngư dân giữ an toàn cho bản thân khi đối mặt với những tình huống nguy hiểm như thế”, Giám đốc bộ phận đối ngoại của Bộ Quốc phòng Philippines, ông Arsenio Andolong nói với các phóng viên, theo Inquirer.
Những uy hiếp và gây rối xảy ra giữa lúc Tổng thống Rodrigo Duterte kêu gọi Trung Quốc để ngư dân Philippines đánh bắt cá gần bãi cạn Scarborough và những vùng biển khác ở Biển Đông nằm trong khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines.
Tổng thống Duterte có kế hoạch công du Trung Quốc vào cuối tháng 10.2016, một trong những nội dung ông sẽ đề cập với giới lãnh đạo Bắc Kinh là “trả lại quyền đánh bắt cá cho ngư dân Philippines” ở bãi cạn Scarborough. Bãi cạn này thuộc chủ quyền của Philippines nhưng bị Trung Quốc chiếm hồi năm 2012.