Monday, December 23, 2024
Trang chủBiển nóngBản tin Biển Đông ngày 11/10/2016

Bản tin Biển Đông ngày 11/10/2016

Bản tin Biển Đông ngày 11/10/2016.

1) Duterte thay đổi lập trường về Biển Đông

Ngày 10/10, tờ The Strategist thuộc Viện Chính sách Chiến lược của Úc đăng tải bài viết “Duterte thay đổi lập trường về Biển Đông” của tác giả Graeme Dobell, phóng viên của The Strategist.

Trong bài viết,tác giả Graeme Dobell nhận định vị Tổng thống mới “đầy bất ổn” của Philippines Rodrigo Duterte thực ra đang góp phần thay đổi cục diện tranh chấp trên Biển Đông theo hướng có thể hạ nhiệt căng thẳng ở một trong những điểm nóng của thế giới, vào một thời điểm cũng “đầy bất ổn”. Ông Dobell cho rằng, chính “bước khởi đầu mới với Trung Quốc” mà Tổng thống Duterte tạo ra đã đồng thời thiết lập một điểm dừng quan trọng trong một chuỗi các hành động nguy hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông, điều mà cộng đồng quốc tế đặc biệt lo ngại sau khi Phán quyết Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông được đưa ra đã làm “bẽ mặt” Trung Quốc. Vào thời điểm đó, bà Bonnie Glaser, nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược quốc tế (CSIS), cũng đã từng cảnh báo, một khi Phán quyết như vậy được đưa ra thì “khó lòng để Trung Quốc có thể ngồi yên”. Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cũng đã dự đoán rằng việc cải tạo bãi cạn Scarborough cũng đã có thể bắt đầu sau khi Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Trung Quốc kết thúc ngày 2/9. Bãi cạn Scarborough chính là “lằn ranh đỏ” mà Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama vạch ra nhằm cảnh báo Chủ tịch Tập Cận Bình về những hậu quả nghiêm trọng nếu Trung Quốc tiếp tục xây dựng một cơ sở quân sau nào khác trên Biển Đông.

Để lý giải cho việc Tổng thống Duterte cho đến nay vẫn tỏ ý không muốn đối đầu với Trung Quốc, tác giả đã dẫn chứng ra một vài phân tích ấn tượng của Mack Williams, nguyên là Đại sứ Mỹ tại Manila từ 1989 đến 1994 giải thích về kế hoạch của Duterte, về những yếu tố ảnh hưởng đến nhận thức và cách thức mà ông Duterte dùng để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông, cụ thể là với Trung Quốc. Những yếu tố đó là: (i) Philippines nhận thức rằng bất cứ cuộc đối đầu quân sự nào xảy ra cũng sẽ để lại kết cục thảm khốc cho nước này, (ii) Duterte không phải là người khởi kiện vụ kiện Trọng tài quốc tế, nhưng vẫn sẽ sử dụng kết quả vụ kiện một cách cực kỳ thận trọng; (iii) Philippines quan tâm nhiều hơn đến quyền đánh cá và các tiềm năng dầu khí trong vùng biển tranh chấp, thay vì tự do hàng hải quốc tế và (iv) quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc cũng là mối quan hệ lâu dài và phức tạp, với sự chiếm lĩnh thị trường khu vực bởi các doanh nghiệp Trung Quốc (nhưng không doanh nghiệp nào có tên tiếng Trung). Tác giả nhận định, trong bối cảnh hiện nay, không chỉ riêng Philippines, mà cả hai bên đều nhận thức được “mình muốn gì” ở phía bên kia.     

2) Vì sao Trung Quốc thực sự nghĩ rằng họ đang sở hữu Biển Đông

Ngày 10/10, báo ABC News đăng tải bài viết “Vì sao Trung Quốc thực sự nghĩ rằng họ đang sở hữu Biển Đông” của Nhà báo Gavin Fernando:

Tiến sĩ Merriden Virrall, Giám đốc Chương trình Đông Á thuộc Viện Lowy từng đánh giá sẽ khó có thể thay đổi quan niệm của Trung Quốc bằng cách áp đặt quan điểm từ bên ngoài đối với họ, khi nước này đang ngày càng trở nên hiếu chiến, lờ đi tất cả những cảnh báo từ cộng đồng quốc tế về nguy cơ nổ ra Chiến tranh Thế giới thứ 3. Thay vào đó, cần phải hiểu được vì sao Trung Quốc lại cương quyết tìm cách theo đuổi các yêu sách của họ trên Biển Đông đến như vậy.

Tại Diễn đàn ASEAN năm 2106, Tiến sĩ Varrall cho hay có bốn lý do giải thích cho việc tại sao Trung Quốc lại cương quyết lấy lại quyền lực hơn hẳn so với việc chỉ tìm kiếm lợi nhuận kinh tế và tài nguyên: một là, Tiến sĩ Varrall cho hay Trung Quốc có những cách diễn giải cụ thể cho quá khứ, hiện tại và tương lai để biện minh cho sự “trỗi dậy quyền lực” của mình nhằm lấy lại cái gọi là “trật tự tự nhiên”, bởi việc phải trở thành một “chủ thể quốc tế quyền lực, hoà bình và đáng tôn trọng” là định mệnh và số phận của họ. Hay đúng hơn, giới lãnh đạo cũng như người dân Trung Quốc đều muốn cả thế giới phải công nhận Trung Quốc là lãnh đạo thế giới, một mong muốn mfạnh mẽ đến nỗi nước này sẵn sàng bất chấp tất cả, đi ngược lại tất cả để đạt được, và điều này đã được thể hiện rõ nhất ở khu vực Biển Đông. Hai là, nhằm kiên quyết loại trừ sự can dự của các nước ngoài khu vực vào các tranh chấp, Trung Quốc luôn tự xem mình là “vị lão làng”, là trung tâm của Châu Á muốn đứng ra để “bảo vệ” và “chăm lo” cho các nước khác để buộc các nước trong khu vực phải “kính nể và tôn trọng”. Một ví dụ điển hình là vào năm 2013, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã ngang nhiên tự coi Trung Quốc là cường quốc mới nổi nhưng lại gộp các nước khác có tranh chấp ở Biển Đông vào “một gia đình lớn” với họ. Ba là, Trung Quốc luôn giở chiêu “nước mắt cá sấu”, tự gọi mình là “nạn nhân của thế giới” từ thời kỳ “Thế kỷ Ô nhục” và từ khi Chiến tranh Thuốc phiện diễn ra vào những năm 1800, và họ cho rằng đó là lý do để nước này cần phải “chống lại” tất cả các thế lực bên ngoài. Cuối cùng, Tiến sĩ Varrall khẳng định, trên tất cả, Trung Quốc vẫn chưa bao giờ thừa nhận những hành động của mình đang gây phức tạp tình hình hay đơn giản là sai trái, mà luôn cho rằng họ đang hành động “hoà bình một cách rõ ràng” và chưa bao giờ là “kẻ đi bành trướng”. Bài viết nhận định, những lý giải này của Tiến sĩ Varrall là vô cùng quan trọng để các nhà hoạch định có thể hiểu được phần nào đường đi nước bước của Trung Quốc để điều chỉnh phản ứng và các ứng xử thích đáng hơn.

3) Tổng thống Duterte sẽ tạm gác vấn đề Bãi cạn Scarborough nhưng tuyên bố sẽ yêu cầu Chính phủ Trung Quốc cho phép ngư dân tiếp cận khu vực này

Ngày 10/10, tờ Philippines Star đưa tin:

Ngày 10/10, vài ngày trước khi thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước đến Trung Quốc, trong một diễn đàn về cải cách ruộng đất ở Lamitan, Basilan, Tổng thống Philippines Duterte tuyên bố sẽ tạm thời gác lại vấn đề Bãi cạn Scarborough (Panatag) vào thời điểm hiện tại, nhưng đồng thời khẳng định sẽ yêu cầu Chính quyền Trung Quốc cho phép các ngư dân Philippines được tiếp cận khu vực này. Theo kế hoạch, ông Duterte sẽ đến Trung Quốc từ 18 – 21/10 nhằm củng cố lại quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh đang căng thẳng do tranh chấp Biển Đông. Mặc dù Phán quyết Toà Trọng tài không giải quyết vấn đề chủ quyền đối với Bãi cạn Scarborough, Phán quyết này đã đưa ra kết luận rằng Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ tôn trọng quyền đánh cá truyền thống của người Philippines bằng cách ngăn cản việc tiếp cận bãi này của họ vào năm 2012.

4) Liệu Trung Quốc có thể xây dựng nhà máy nguyên tử nhỏ nhất thế giới và đưa đến Biển Đông?

Ngày 11/10, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin:

Một viện nghiên cứu hàng đầu của Trung Quốc đang tìm cách gây xôn xao dư luận khi đưa ra tuyên bố rằng họ đang phát triển một nhà máy nguyên tử nhỏ nhất thế giới, có thể có kích cỡ nằm gọn trong một thùng chở hàng và sẽ được lắp đặt trên một đảo tranh chấp ở Biển Đông trong vòng 5 năm. Dù nhỏ nhưng lò phản ứng này có thể tạo ra 10 megawatt nhiệt lượng để chuyển thành điện năng đủ cung cấp cho 50.000 hộ gia đình. Tất nhiên, các nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Công nghệ An toàn Năng lượng Nguyên tử Trung Quốc tỏ ra hết sức mừng rỡ và hy vọng sẽ đưa được hệ thống nhà máy đầu tiên này lên đảo trong vòng 5 năm. Thậm chí, Giáo sư Huang Qunying thuộc chương trình nghiên cứu đã ngang nhiên thừa nhận chương trình được tài trợ một phần bởi Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc nhưng vẫn ngoan cố: “chúng tôi mong là – và đó là mục tiêu cuối cùng của chúng tôi – công nghệ này sẽ giúp ích cho các đối tượng dân sự”. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, việc Trung Quốc lần đầu tiên sử dụng các công nghệ quân sự trên đảo này sẽ làm dấy lên một số lo ngại đặc biệt nghiêm trọng về môi trường. Đặc biệt nếu xảy ra những tai nạn để lại hậu quả khó lường, những chất thải phát xạ sẽ ảnh hưởng đến không chỉ các quốc gia xung quanh mà còn lan rộng ra toàn thế giới thông qua các tuyến đường biển. Một chuyên gia môi trường biển tại Đại học Hải Dương, tỉnh Sơn Đông cũng đã cảnh báo rằng nước xả thải từ một nhà máy nguyên tử xuống biển có thể làm biến đổi hệ sinh thái của cả một khu vực xung quanh đảo. Tuy vậy, Giáo sư Huang vẫn ngoan cố rằng thật khó để thuyết phục về tính an toàn khi sử dụng của công nghệ này do “dư luận chưa có đầy đủ nhận thức về công nghệ mới này”. Nhà nghiên cứu này cũng kêu gọi trước khi quyết định lắp đặt nhà máy hạt nhân trên Biển Đông, Chính phủ Trung Quốc cần cân nhắc đến không chỉ các các lợi ích chính trị, quân sự hoặc kinh tế, mà còn phải tính toán một cách toàn diện các yếu tố khoa học về tác động có thể có đối với môi trường.

5) Trung Quốc chỉ trích Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand về lập trường ở Biển Đông

Ngày 11/10, hãng Reuters đưa tin:

Ngày 11/10, tại Diễn đàn Hương Sơn, một diễn đàn an ninh cấp cao tại Bắc Kinh, bà Fu Ying, Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra nhữg lời chỉ trích gay gắt đối với Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Gerry Brownlee về lập trường của ông này đối với vấn đề Biển Đông, trong đó phản đối các hành vi làm tổn hại đến hoà bình và xói mòn lòng tin. Quan chức Trung Quốc đồng thời cảnh cáo các nước “không liên quan” không được phép can thiệp vào vấn đề này. Bà này lớn tiếng phản bác “Sự can thiệp từ bên ngoài chỉ làm phức tạp thêm những bất đồng và đôi khi còn làm gia tăng căng thẳng”. Sau phản ứng quá khích của bà này, ông Brownlee chỉ khẳng định, việc New Zealand bày tỏ quan ngại là phù hợp, mang tính đại diện cho các nước nhỏ cũng như thể hiện quyền được có tiếng nói của tất cả các bên. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc xảy ra xích mích với New Zealand về tranh chấp này.

RELATED ARTICLES

Tin mới