Friday, March 29, 2024
Trang chủBiển nóngCần lập công viên hòa bình ở Trường Sa

Cần lập công viên hòa bình ở Trường Sa

Đó là đề xuất của giáo sư John W. McManus – khoa sinh học và sinh thái biển Đại học Miami (Mỹ) – tại hội thảo khoa học quốc tế “An ninh môi trường và hàng hải vì một Biển Đông xanh”.

Trung Quốc gia tăng xây dựng, bồi đắp đảo nhân tạo gây tổn hại tới hệ sinh thái Biển Đông – Ảnh: CSIS

Hội thảo này diễn ra  diễn ra ngày 11-10 ở Hải Phòng.

Trong bối cảnh tình hình Biển Đông vẫn căng thẳng nhưng chưa có giải pháp lâu dài và cụ thể, khoảng 100 học giả trong nước và quốc tế thay vì tìm các giải pháp cho vấn đề tranh chấp, đã tập trung mổ xẻ vấn đề môi trường ở Biển Đông, nhằm chung tay xây dựng “một Biển Đông xanh – một vùng biển lành mạnh, thịnh vượng và hòa bình”.

Môi trường cũng là một trong những nội dung phán quyết của Tòa trọng tài vụ Philippines kiện Trung Quốc, trong đó khẳng định các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo của Bắc Kinh trên 7 đá ở Trường Sa đã gây ra các tổn hại lâu dài và mang tính hủy diệt đối với môi trường biển.

Giúp phát triển kinh tế, ổn định chính trị

Trình bày tham luận tại hội thảo, giáo sư John W. McManus cho biết các rạn san hô ngoài khơi Biển Đông là đối tượng của các yêu sách chủ quyền chồng chéo nhau giữa 5 nước 6 bên ở Biển Đông.

Để giảm căng thẳng trên biển, GS McManus đưa ra sáng kiến thành lập công viên hòa bình, theo đó các bên cùng hợp tác quản lý thủy sản, môi trường và tài nguyên khoáng sản trên toàn bộ vùng biển.

Theo GS McManus, việc thiết lập hòa bình trong khu vực sẽ tăng cường đáng kể sự ổn định thủy sản và tăng trưởng kinh tế của tất cả các nước có yêu sách chủ quyền.

Ông cho biết công viên hòa bình đầu tiên được thành lập vào năm 1932 là công viên hòa bình quốc tế Waterton-Glacier, trong đó Mỹ và Canada cùng quản lý chung các tài nguyên thiên nhiên trong khu vực có phần ranh giới quốc gia chưa được giải quyết.

Sau đó là các công viên hòa bình được thành lập ở châu Phi.

Theo vị giáo sư người Mỹ, việc thành lập công viên hòa bình ở Trường Sa và bãi cạn Scarborough không chỉ là bước tiến quan trọng giúp ổn định nguồn cá trong vùng Biển Đông mà còn thúc đẩy du lịch và ổn định chính trị trong khu vực.

“Việc quản lý công viên có thể được tiến hành bởi một cơ quan độc lập, đặt dưới sự giám sát của một ủy ban bao gồm các quốc gia có yêu sách chủ quyền và một ban cố vấn gồm các chuyên gia quốc tế uy tín” – GS McManus nói.

Trả lời phỏng vấn báo chí bên lề hội nghị, GS McManus cho biết trong tình hình đánh cá quá mức như hiện nay, các quốc gia nên có những thỏa thuận chung về việc khai thác đánh cá theo cách bền vững để ngăn ngành ngư nghiệp sụp đổ.

“Thách thức lớn nhất chính là thuyết phục Trung Quốc đồng ý thiết lập vùng bảo tồn biển. Rất nhiều nhà khoa học ở Việt Nam, Philippines, Đài Loan và Malaysia ủng hộ ý tưởng này. Thành lập vùng bảo tồn biển trước rồi sau đó sẽ tiến tới việc thành lập công viên hòa bình. Tôi nghĩ Trung Quốc cũng không muốn ngành ngư nghiệp sụp đổ” – GS McManus nói.

TS Trần Công Trục – nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ – đánh giá cao sáng kiến thành lập công viên hòa bình.

“Chuyện này người ta đề cập lâu rồi nhưng chưa thực hiện được. Công ước LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS) chưa đưa ra phạm vi cụ thể. Nhưng theo tôi, phán quyết của Tòa trọng tài mới đây sẽ tạo điều kiện cho các bên tìm ra được phạm vi để thiết lập công viên hòa bình” – ông Trục nói.

Gần 99% san hô thiệt hại là do Trung Quốc

PGS Võ Sĩ Tuấn, viện trưởng Viện Hải dương học, cho biết hiện có 571 loài san hô ở Biển Đông và những loài san hô này đang đối diện với hai mối đe dọa chính là nạn tẩy trắng san hô, nạo vét và lấp đầy các bãi chìm rộng khắp, có thể gây tổn hại không thể bù đắp nổi với những hệ sinh thái độc đáo ở Biển Đông.

Giáo sư John W. McManus nhận định căng thẳng leo thang dẫn đến việc tăng cường xây dựng rộng rãi các tiền đồn quân sự trên nhiều rạn san hô thông qua nạo vét và bồi đắp.

Theo GS McManus, hình ảnh vệ tinh cho thấy ít nhất 162km2 rạn san hô thiệt hại, gồm 17km2 bị hư hại do việc bồi đắp và nạo vét kênh/cảng, và 145km2 bị hư hại do nạo vét để lấy vật liệu xây dựng và khai thác trai khổng lồ.

Ông McManus dẫn các số liệu trong nghiên cứu của mình khẳng định Trung Quốc chịu trách nhiệm cho gần 99% thiệt hại của 160km2 san hô nói trên.

Bà Annette Junio-Menez – Viện Khoa học biển Đại học Philippines – dẫn nghiên cứu của nhà sinh thái học Rudolf de Groot ở Đại học Wageningen, Hà Lan cho biết mỗi hecta san hô trị giá 350.000 usd/năm, bao gồm giá trị hàng hóa và dịch vụ từ các hệ sinh thái san hô.

Do vậy với 162km2 bị hư hại, con số thiệt hại là hơn 5,6 tỉ USD mỗi năm.

RELATED ARTICLES

Tin mới