Hôm 12/10, Bắc Kinh lên tiếng kêu gọi Seoul kiềm chế và cần giữ “cái đầu lạnh” sau vụ việc tàu cá Trung Quốc tấn công và đâm chìm tàu cao tốc của lực lượng hải cảnh Hàn Quốc trên biển Hoàng Hải hồi tuần trước.
Theo Foreign Policy, lời kêu gọi của Trung Quốc được đưa ra sau khi Hàn Quốc đưa ra lời cảnh báo hôm 11/10 rằng các tàu hải cảnh nước này sẽ được vũ trang và sẵn sàng sử dụng vũ lực tấn công tàu cá Trung Quốc trong trường hợp họ không tuân theo mệnh lệnh.
Hồi tuần trước, theo các quan chức tại Seoul, một tàu cá Trung Quốc nặng 100 tấn đã đâm vào một tàu cao tốc 4,5 tấn của Hàn Quốc trong khi lực lượng chức năng Hàn Quốc truy đuổi tàu cá Trung Quốc ra khỏi vùng biển phía tây bán đảo Triều Tiên.
Ngay lập tức các quan chức Hàn Quốc đã triệu hồi đại sứ Trung Quốc và khẳng định các tàu bảo vệ bờ biển Hàn Quốc sẽ được trang bị thêm súng máy.
“Chúng tôi sẽ chủ động phản ứng trước các tàu cá Trung Quốc vi phạm bằng mọi biện pháp cần thiết như trực tiếp tấn công và giành quyền kiểm soát cũng như bắn súng”, ông Lee Choon-jae, phó tư lệnh lực lượng tuần duyên Hàn Quốc cho hay.
Quan hệ căng thẳng giữa Hàn Quốc và Trung Quốc bùng nổ sau khi Bắc Kinh liên tục xâm phạm lãnh hải của các quốc gia láng giềng. Cụ thể, Trung Quốc đã không ngừng cải tạo và xây dựng các đảo nhân tạo trên Biển Đông, buộc Mỹ phải thi hành tuần tra để đảm bảo quyền tự do hàng hải. Còn trên biển Hoa Đông, Trung Quốc và Nhật Bản vẫn đang tranh chấp các vùng khai thác khí tự nhiên mà theo Tokyo là nằm trong vùng tranh chấp chủ quyền và khả năng cả vùng quân sự.
Căng thẳng gia tăng đến mức đỉnh điểm khi Hàn Quốc quyết định cho phép Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Bắc Kinh xem đây là mối đe dọa tới nền an ninh quốc gia bất chấp Seoul khẳng định hệ thống THAAD chỉ nhằm đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên. Trước khi tuyên bố triển khai hệ thống THAAD, mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Seoul đã được cải thiện trong những năm gần đây.
Những bất đồng liên quan tới quyền đánh bắt trên biển Hoàng Hải giữa Trung Quốc và Hàn Quốc từng nổi lên cách đây 15 năm và nóng trở lại trong vài tháng gần đây. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho rằng chỉ từ tháng 1 – 5/2016, các tàu cá Trung Quốc đã 520 lần đánh bắt trái phép so với 120 vụ năm 2015.
Mặc dù vụ va chạm giữa tàu cá Trung Quốc và tàu cao tốc của lực lượng hải cảnh Hàn Quốc không có thiệt hại về người nhưng trong quá khứ hai nước từng vấp phải những vụ đụng độ gây thương vong. Cụ thể, năm 2014, thuyền trưởng một tàu cá Trung Quốc đã thiệt mạng, năm 2011 là một nhân viên hải cảnh Hàn Quốc và năm 2010 là hai ngư dân Trung Quốc.
Trên Biển Đông, Bắc Kinh đã tiến hành trợ cấp cho các ngư dân đi đánh bắt xa bờ đồng thời xây dựng lực lượng “dân quân biển” nhằm củng cố các tuyên bố chủ quyền đơn phương trên những khu vực đang xảy ra tranh chấp chủ quyền với láng giềng. Tuy nhiên theo giới chuyên gia, hiện nay chưa có bằng chứng cho thấy Bắc Kinh khuyến khích ngư dân nước này tiến vào vùng bờ biển Hàn Quốc để đánh bắt.
Theo nhà nghiên cứu cấp cao Gregory Poling tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, cho tới nay, Trung Quốc vẫn chưa áp đặt hình phạt đối với các ngư dân xâm phạm lãnh hải Hàn Quốc và Seoul thì “cảm thấy Trung Quốc cũng chưa có hành động xâm phạm khu vực đánh bắt”.
Trong khi Hàn Quốc yêu cầu Trung Quốc ngăn cản các hành động sai phạm của ngư dân, Bắc Kinh lại cáo buộc Seoul đe dọa công dân nước này.
“Các biện pháp cứng rắn cần được thi hành để đảm bảo an toàn và quyền lợi cũng như lợi ích của người dân Trung Quốc”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang phát biểu trước giới báo chí.
Với nhu cầu tiêu thụ hải sản ngày càng tăng mạnh trong khi nguồn cá trong hải phận Trung Quốc lại đang giảm mạnh, ngày càng nhiều ngư dân Trung Quốc tiến vào khu vực bờ biển Hàn Quốc để đánh bắt.
Hồi tháng Sáu, các tàu hải quân Hàn Quốc và Mỹ đã tiến hành chiến dịch truy đuổi tàu cá Trung Quốc hoạt động trên sông Han, khu vực nằm giữa biên giới Hàn Quốc và Triều Tiên. Theo thỏa thuận đình chiến nhằm chấm dứt cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên năm 1950 – 1953, khu vực này được xem là “nơi không có người sống”. Do đó, các tàu nước ngoài không được phép tiến vào vùng đệm quân sự mà Hàn Quốc và Triều Tiên đã thiết lập.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Foreign Policy (Tạp chí Chính sách đối ngoại), tạp chí của Mỹ xuất bản 2 số/tháng. Tạp chí này được thành lập vào năm 1970, hiện nay do ông David Rothkopf làm chủ biên.