Wednesday, April 24, 2024
Trang chủĐiểm tinTại sao đồng minh lần lượt rời bỏ Washington?

Tại sao đồng minh lần lượt rời bỏ Washington?

Việc đồng minh, đối tác đang lần lượt rời xa Mỹ là lời cảnh báo cho Washington…

 

Ngày 28.7.2014 Tổng thống Mỹ Obama và lãnh đạo Đức, Anh, Pháp, Ý quyết định áp cấm vận mạnh hơn với những ngành trọng yếu của nước Nga, nhằm gia tăng áp lực lên Tổng thống Nga Vladimir Putin sau khi máy bay MH17 của Malaysia Airlines bị bắn rơi, thì ngày 6.12.2014 Tổng thống Pháp Francois Holland ghé thăm Moscow và gặp gỡ Putin.

Khi đó có thể lý giải Washington “đấm”, Paris “xoa” để giúp Putin bớt cực đoan có thể làm hỏng kế hoạch của Washington khi đang xoay về trục mới.

Ngày 15.12.2015 Arabia Saudi quyết định thành lập Liên minh Quân sự Hồi giáo 34 nước, động thái này được lý giải là Riyah muốn chia sẻ với Washington trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế.

Ngày 6.5.2016 Thủ tướng Nhật ghé thăm Moscow thì hành động này bị xem là vượt rào cấm vận. Ngày 9.8.2016 Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đến Moscow lần đầu tiên sau “sự kiện 17 giây”, thì đây có thể xem như lời cảnh báo tới Washington về nguy cơ đồng minh sẽ trở thành quân cờ trong tay đối thủ.

Tai sao dong minh lan luot roi bo Washington?
Tổng thống Pháp F.Holland thăm Moscow ngay sau khi Mỹ gia tăng sức ép cấm vận nước Nga, là một lời cảnh báo về quan hệ của các đồng minh với Washington.

Ngày 5.9.2016, khi Tổng thống Phillipines Rodrigo Duterte xúc phạm Tổng thống Barak Obama, hành động có thể nhìn nhận là lời cảnh báo Washington có thể mất đồng minh. Ngày 16.10.2016 tàu khu trục của Mỹ tại eo biển Bab al-Mandab bị bắn lần thứ ba chỉ trong một tuần thì vấn đề không thể lý giải được nữa, Iran – Houthis bác cáo buộc, vậy Arabia Saudi bắn Mỹ?

Xâu chuỗi các sự kiện lại khiến người ta giật mình : không biết tại sao các đồng minh cứ phớt lờ, phản phé rồi lần lượt lạnh mặt với Washington. Việc Mỹ không thể trả đũa sau vụ tàu khu trục bị bắn lần thứ ba ngoài khơi Yemen chỉ trong một tuần, cho thấy Washington rất rối bời với đồng minh – đối thủ.

Tại sao Washington lại rơi vào tình thế tai hại như vậy?

Cây gậy của Washington quá to mà củ cà rốt Mỹ quá bé

Chính sách đối ngoại của Washington áp dụng với các đối tác và đồng minh được khái quát hoá qua hình tượng “cây gậy và củ cà rốt” đã giúp cho nước Mỹ toả tầm ảnh hưởng tới khắp nơi trên thế giới. Nhiều đối thủ, thậm chí kẻ thù, trở thành đồng minh, đối tác chiến lược của nước Mỹ cũng nhờ chính sách này của Washington.

Và cũng bằng chính sách đó mà Washington đã trói buộc nhiều đồng minh, đối tác không thể trở thành đối thủ của Hoa Kỳ. Từ hiệu quả của chính sách đối ngoại đó, Washington đã một thời gian dài tạo ra vị thế độc tôn của mình trong ngoại giao nước lớn. Khi một quốc gia hay thực thể nào bị cuốn hút bởi lợi ích Mỹ thì cũng đồng thời phải chịu sự đồng hoá của giá trị Mỹ.

Bất cứ một đối tác, đồng minh nào có phản ứng ngược lại hay đi chệch hướng, làm hại thiệt hại cho lợi ích Mỹ, làm nhạt nhoà giá trị Mỹ thì ngay lập tức sẽ bị răn đe hay trừng phạt bằng sức mạnh Mỹ. Nguyên tắc đó dần trở thành mặc định và khi Chiến tranh Lạnh kết thúc thì “cây gậy và củ cà rốt” đã tạo ra thế giới đơn cực xoay quanh trục Mỹ.

Vì chính sách “cây gậy và củ cà rốt” quá hiệu quả nên Washington ngày càng có những thay đổi độ lớn của “cây gậy” và “củ cà rốt”. Và sự thay đổi có thể được nhận diện diễn ra theo tỷ lệ nghịch, “cây gậy” ngày càng to, còn “củ cà rốt” ngày càng bé. Điều đó đồng nghĩa với việc lợi ích mà Mỹ có được ngày càng lớn hơn so với lợi ích mà đồng minh, đối tác có được từ Mỹ.

Đây có thể được xem là nguyên nhân quan trọng nhất khiến cho đồng minh và đối tác của nước Mỹ ngày càng có xu thế rời bỏ hay giảm tầm trong quan hệ với Washington, khi ngẫm lại thấy đắng cay, thua thiệt. Còn đối thủ thì không dễ trở thành đồng minh của Washington nều họ chưa tìm ra công cụ vô hiệu hoá hiệu ứng tác hại của “cây gậy Mỹ” để hưởng lợi từ “củ cà rốt Mỹ”.

Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh chiến lược cực kỳ quan trọng của Mỹ tại Trung Đông, Ankara là nhân tố góp phần quan trọng nhất cho chiến thắng của Washington trong cả hai cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất và thứ hai. Nhưng khi Thổ Nhĩ Kỳ gây ra “sự kiện 17 giây” và bị Nga cấm vận thì chỉ một mình Ankara chịu trận, chẳng thấy sự chia sẽ nào của Washington.

Không những thế, khi lật đổ Saddam Hussein thì Washington lại tạo luôn địa vị chính trị cho người Kurd tại Iraq, trong khi đảng Công nhân người Kurd (PKK) đang là kẻ thù số một của Ankara. Điều đó khiến cho đất nước Thổ Nhĩ Kỳ luôn bất ổn. Thế là Ankara ra sức giúp Mỹ giành chiến thắng, song lại nhận ngay loạt đạn đầu tiên từ Washington bắn thẳng vào mình.

Còn Riyah đã bao lần phải chấp nhận tăng – giảm giá dầu để phục vụ cho nhu cầu lợi ích của Mỹ và Arabia Saudi cũng luôn là một trong những quốc gia đóng góp nhiều nhất về tiền bạc để hiện thực hoá các chiến lược quan trọng của Washington, vậy nhưng Riyah mới chỉ hó hé ước vọng “bá chủ Trung Đông” là nhận ngay phát nện chí mạng của “cây gậy Mỹ”.

Việc Capitol Hill bác phủ quyết của Obama, quyết thông qua đạo luật “”Công lý chống hành động bảo trợ khủng bố”, cho phép thân nhân của người bị nạn trong cuộc khủng bố ngày 11.9.2001 được khởi kiện Riyah, có thể được xem là hành động của Washington “dứt tình đoạn nghĩa” với người đồng minh thân thiết xứ dầu hoả này.

Chỉ với hai đồng mình chiến lược của Washington phải ngậm quả đắng của người bạn lớn cũng đủ thấy rằng “củ cà rốt Mỹ” luôn quá bé so với độ lớn “cây gậy” của Washington”.

Hệ quả việc Obama vội vã trong chuyển trục đối ngoại của Washington

Cho đến lúc này có thể nhận diện việc chuyển trục chiến lược đối ngoại của Mỹ từ Đại Tây Dương và Địa Trung Hải về Châu Á – Thái Bình Dương là quá chậm trễ với Washington nhưng lại quá vội vã với Tổng thống Hoa Kỳ Barak Obama.

Ngày 14.3.1990, Xô viết tối cao Liên Xô thông qua Đạo luật số N.360-I về việc sửa đổi Hiến pháp năm 1977, theo đó chức danh Tổng thống nhà nước chính thức trở thành một định chế trong hệ thống chính trị của Liên Xô. Sự kiện này làm thay đổi hoàn toàn bản chất của nhà nước Xô viết và chính thức chấm dứt thế giới lưỡng cực được hình thành sau Thế chiến II.

Từ đó một thế giới đơn cực hình thành xoay quanh trục Mỹ và “thân Mỹ hay bài Mỹ” trở thành xu thế của ngoại giao nước lớn trong thế giới đơn cực ấy.

Tuy nhiên, 7 năm sau, ngày 1.7.1997 khi Hồng Kông trở về với Trung Quốc thì cũng chính thức phôi thai một thế giới lưỡng cực mới, mà sức mạnh Mỹ sẽ phải đối trọng với sức mạnh đang trỗi dậy từ phương Đông.

Song Washington đã không chú ý những hiệu ứng lan toả từ sự kiện chính trị đặc biệt này và sức mạnh trỗi dậy từ Trung Hoa đại lục ngày một lớn dần qua “phát triển nóng liên tục” của kinh tế Trung Quốc. Khi Tổng thống Obama bước vào Toà Bạch Ốc và nhận diện ra nguy hiểm từ Trung Quốc thì sự việc đã trở nên quá muộn với Washington.

Sự xúc phạm của Tổng thống Duterte với Tổng thống Obama không chỉ còn là vấn đề cá nhân hay giữa hai nước, mà đó là vấn đề lớn giữa Washington và các đồng minh.

Tổng thống Obama nhanh chóng chuyển trục chiến lược về Châu Á – Thái Bình Dương, nơi đối thủ đáng gờm nhất của Washington đang dàn trận. Tuy nhiên, Obama quá vội vã hạ tầm quan hệ với các đồng minh ở địa bàn chiến lược cũ. Điều đó chẳng khác nào Washington “vắt chanh bỏ vỏ”, khiến cho các đồng minh lạnh nhạt và tìm hướng đi của riêng mình.

Thế là trục mới chưa xây xong trụ móng, trục cũ đã lung lay, từ đó khiến Washington đối mặt với đối thủ mà không thể tựa lưng vào đồng minh. Chỉ cần Nhật hay Pháp có ý định phá vỡ liên minh cấm vận nước Nga là cực kỳ nguy hại với Washington. Bởi liên minh Nga – Trung đang ngày càng thách thức Mỹ nên để đối thủ liên kết với đồng minh là nguy hiểm vô cùng.

Tóm lại, việc đồng minh, đối tác đang lần lượt rời xa Mỹ là lời cảnh báo cho Washington phải thay đổi trong việc dùng “cây gậy và củ cà rốt” sao cho phù hợp với bối cảnh mới có nhiều thay đổi. Đồng thời đó cũng là báo hiệu cho sự khốc liệt của cạnh tranh nước lớn trong thế giới lưỡng cực mới đang ngày rõ nét, thành hình.

RELATED ARTICLES

Tin mới