Trang Sputnik dẫn nguồn tin từ Hạm đội Biển Đen cho biết, tàu Đô đốc Grigorovich vừa rời cảng Sevastopol để đến Địa Trung Hải tham gia chống khủng bố tại Syria.
Săn tìm tàu ngầm Mỹ
“Chiến hạm mới nhất của hạm đội biển Đen – Đô đốc Grigorovich đã rời cảng Sevastopol hôm 3/11 để đến Địa Trung Hải. Chiếc tàu này sẽ gia nhập nhóm tác chiến tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov hoạt động ngoài khơi Syria”, một đại diện của Hạm đội Biển Đen cho biết.
Được biết, biên đội tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov đã đến Địa Trung Hải ngày 1/11 nhằm tăng cường sự hiện diện của hải quân Nga tại khu vực này. Đây được cho sự thể hiện sức mạnh rầm rộ nhất của Nga từ sau Chiến tranh lạnh.
Hành trình của nhóm tàu này đã làm náo loạn một loạt các nước châu Âu vào cuối tháng 10. Ngoài việc liên tục duy trì một đội tàu lớn tại Địa Trung Hải, Nga còn đang có kế hoạch biến cảng tiếp tế của Syria thành một căn cứ hải quân lâu dài.
Sẽ không có gì đáng nói về quyết định điều thêm chiến hạm Đô đốc Grigorovich lần này của Nga nếu trước đó, Mỹ không đưa tàu ngầm hạt nhân hạng nặng của mình đến vùng biển này.
Theo thông tin được Hải quân Mỹ công khai hồi tháng 10 vừa qua, lực lượng này đã điều tàu ngầm tấn công nhanh lớp Los Angeles đến Địa Trung Hải để củng cố các lợi ích của nước này trong khu vực.
Thông cáo của hải quân Mỹ có đoạn: “USS Springfield (SSN 761) hiện được triển khai để thực hiện các chiến dịch hải quân trong đội hình Hạm đội 6 của Mỹ để ủng hộ cho các lợi ích quốc gia của Mỹ ở châu Âu”. Tàu ngầm nói trên đã thực hiện một số chuyến ghé thăm hải cảng và giao lưu với các đồng minh của Mỹ.
Chiến hạm Nga có hoàn thành nhiệm vụ?
Dù Nga nói quyết định đưa thêm tàu Đô đốc Grigorovich đến Địa Trung Hải không gì khác là nhiệm vụ chống khủng bố tại Syria, nhưng theo thông tin được Ria Novosti đăng tải trước khi con tàu này rời cảng tại Crimea cho biết, việc điều động này có liên quan đến sự hiện diện của tàu ngầm hạt nhân Mỹ trong khu vực.
Tàu ngầm Los Angeles. |
Vậy tàu Đô đốc Grigorovich có thể làm gì thực hiện nhiệm vụ này? Theo tiết lộ của Nga, để thực hiện dò tìm và tấn công mục tiêu ngầm, tàu được trang bị hệ thống định vị thủy âm Bronza MG-345 gắn ở phần đáy mũi tàu.
Vũ khí chống ngầm mạnh nhất của tàu là ngư lôi Type 53-65M có tầm bắn đạt 22 km. Ngoài ra nhiệm vụ săn ngầm còn được sự hỗ trợ của “sát thủ săn ngầm” Ka-27L.
Ka-27PL được trang bị hệ thống điện tử bao gồm radar trinh sát vừa có chức năng dò tìm, phát hiện mục tiêu ngầm, vừa có chức năng hỏi đáp, dẫn đường; thiết bị Sonar ngầm VGS-3 dùng để phát hiện tàu ngầm, xác định chính xác tọa độ của tàu ngầm.
Thiết bị săn ngầm của Ka-27PL còn có các phao nhạy từ trường, cho phép phát hiện mục tiêu ở độ sâu 500 m dưới mặt nước và cách xa đến 10 km.
Với trang bị này, rõ ràng tàu Đô đốc Grigorovich là thế lực săn ngầm tại Địa Trung Hải vào lúc này. Tuy nhiên, con tàu có thể phát hiện và tấn công được tàu ngầm Los Angeles lại là chuyện hoàn toàn khác.
Bởi theo thông tin được Mỹ công bố, chiếc tàu ngầm này sở hữu dàn hỏa lực cực ấn tượng, trong đó có phiên bản tên lửa chống tàu mặt nước Harpoon. Các tên lửa chống tàu Harpoon nâng cấp dành cho tàu ngầm được lắp đặt đầu đạn tự dẫn bằng radar chủ động và khối nổ mạnh 225 kg.
Với tầm bắn của tên lửa chống tàu Harpoon khoảng 70 km, và như vậy, trong khi tàu Đô đốc Grigorovich chưa kịp khai hỏa thì tên lửa Harpoon đã được tàu ngầm Mỹ đã phóng đi.