Monday, November 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ không còn đủ sức giữ vị thế số 1 ở châu...

Mỹ không còn đủ sức giữ vị thế số 1 ở châu Á?

Vị thế số 1 ở châu Á của Mỹ đang bị đe dọa bởi sức mạnh quân sự và kinh tế ngày càng lớn của Trung Quốc. Vậy Mỹ cần làm gì để bảo toàn những cam kết đã đưa ra với các đối tác và đồng minh trong khu vực?

Nhận thấy tầm quan trọng địa chính trị của khu vực châu  Á trong thế kỷ 21, hồi năm 2011, Tổng thống Barack Obama từng nhấn mạnh: “Mỹ là một cường quốc ở Thái Bình Dương và chúng tôi ở đây là để cho các nước nương tựa”. Tuy nhiên, sau tuyên bố của Tổng thống đắc cử Donald Trump về việc rút tên Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngay ngày đầu tiên chính thức nhậm chức và việc Hải quân Mỹ không thể ngăn chặn Trung Quốc bành trướng trên Biển Đông và biển Hoa Đông, Washington đang cho các đối tác châu Á và Bắc Kinh thấy mình không còn đủ năng lực và nguồn lực để duy trì vị thế số 1 ở châu Á. 

Cũng chính vì nhận thấy sức mạnh của quân đội Mỹ tại tây Thái Bình Dương ngày càng suy yếu, hai cố vấn khu vực châu Á của Tổng thống đắc cử Donald Trump là Peter Navarro và Alexander Gray mới đây tuyên bố Washington sẽ cho tăng cường sự hiện diện của Hải quân Mỹ ở đây.

Tuy nhiên, chiến lược duy trì “hòa bình thông qua sức mạnh” lại dường như không mang lại kết quả như mong đợi nếu như không có các thỏa thuận kinh tế mà cụ thể là thỏa thuận TPP. Chia sẻ trên tờ New York Times, chuyên gia phân tích khu vực châu Á tại Washington, ông Hunter Marston cho rằng thay vì tăng cường an ninh, công cuộc quân sự hóa tăng cường của Mỹ lại đang khiến Trung Quốc ngày càng hung hăng và thúc đẩy quá trình Mỹ rút quân khỏi châu Á diễn ra nhanh hơn thậm chí có thể dẫn tới một cuộc chiến giữa hai cường quốc. 

Trong khi đó, nhằm tạo thế cân bằng trong chính sách đối ngoại của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương, chính quyền của Tổng thống Obama đã tăng cường các mối quan hệ kinh tế và quân sự trong khu vực đồng thời đầu tư vào các quốc gia đồng minh châu Á. Nhưng giờ đây, thế cân bằng này khó lòng có thể duy trì khi mà sức mạnh kinh tế và quân sự của Bắc Kinh ngày càng mở rộng còn vị thế của Mỹ trên toàn cầu đang bị sụt giảm. Do đó, chiến lược tăng cường sức mạnh cho Hải quân Mỹ ở châu Á do nhóm của ông Trump đề xuất có thể là hướng đi sai lầm và dẫn tới một cuộc xung đột. 

Theo tạp chí National Interest, kể từ sau Thế chiến thứ Hai, Mỹ trở thành quốc gia kiến tạo sự ổn định và thịnh vượng cho châu Á với vai trò là người duy trì an ninh. Tuy nhiên, cán cân sức mạnh toàn cầu đang dần thay đổi. 

Trên lĩnh vực quân sự, Mỹ hiện đang luân chuyển hàng chục ngàn binh sĩ hoạt động tại Hàn Quốc, Nhật Bản và đảo Guam cùng với hàng loạt thỏa thuận mới đưa quân đội tới Philippines và xây dựng mạng lưới đồng minh từ Nam Thái Bình Dương cho tới Đông bắc Á. 

Tuy nhiên, ngay từ trong chiến dịch tranh cử, ông Donald Trump đã nhiều lần đặt ra câu hỏi cho mối quan hệ đồng minh lâu đời giữa Mỹ với các nước châu Á cũng như ám chỉ thi hành chính sách bảo hộ “nước Mỹ là trên hết”. Tuyên bố của ông Trump cũng đang đặt câu hỏi cho sự tồn tại của các cam kết lâu đời mà Mỹ đưa ra cho các đối tác Thái Bình Dương. 

Trên lĩnh vực kinh tế, châu Á đang xuất sang Mỹ 60% tổng số lượng hàng hóa và 72% các mặt hàng nông nghiệp. Do đó, nếu Mỹ không thông qua TPP, tầm ảnh hưởng kinh tế của Mỹ ở châu Á cũng sẽ giảm đáng kể. 

Ngoài ra trong nhiều năm qua, quyền lực mềm của Mỹ đã tạo ra ảnh hưởng lớn ở châu Á. Các cuộc khảo sát tại khu vực này cũng cho thấy đại đa số người dân ở đây bị ảnh hưởng từ hệ thống kinh tế và chính trị cũng như văn hóa Mỹ. Theo cuộc khảo sát năm 2105 của Trung tâm Nghiên cứu Pew, đa số các nước châu Á vẫn ủng hộ chiến lược “trục châu Á” của Mỹ. 

Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã có nhiều thay đổi khi tầm ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á đang bị Trung Quốc dần thay thế. Cụ thể, Trung Quốc hiện thế chỗ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong đó, tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đang được mở rộng rõ nét ở Philippines và Malaysia khi hai quốc gia này chấp nhận những khoản đầu tư lớn để thắt chặt quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh.  

Đặc biệt, Trung Quốc còn đưa ra hàng loạt sáng kiến thương mại quy mô lớn nhằm tái cấu trúc khu vực sao cho phù hợp với vị thế cường quốc của quốc gia này. Trong đó, Ngân hàng Phát triển cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đang trở thành hai sáng kiến giúp Trung Quốc vượt mặt Mỹ ở châu Á. 

Chưa dừng lại, Trung Quốc còn đang tăng cường thử nghiệm sức mạnh cũng như các cam kết an ninh mà Mỹ tuyên bố ở châu Á. Rõ ràng, mục tiêu trên hết của Bắc Kinh là đẩy quân đội Mỹ ra khỏi chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai nhằm thiết lập vị thế số 1 trong khu vực ngoại biên tương tự như cách Mỹ đã thi hành học thuyết Monroe trong thế kỷ 19. 

Do đó theo ông  Marston, để bảo toàn vị thế của mình tại châu Á, Mỹ cần không chỉ là điều động thêm tàu chiến Hải quân tới khu vực Tây Thái Bình Dương mà cần tham gia cấu trúc thương mại khu vực và duy trì các mối quan hệ đồng minh trọng tâm thông qua các biện pháp ngoại giao chủ động.

RELATED ARTICLES

Tin mới