Thursday, January 9, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiKinh tế bao trùm, Putin sang Nhật không vì quần đảo Kuril

Kinh tế bao trùm, Putin sang Nhật không vì quần đảo Kuril

Chuyến thăm của Tổng thống Nga sang Nhật Bản được cho là mang nhiều ý nghĩa kinh tế sau những đòn trừng phạt hơn là giải quyết chuyện quần đảo Kuril.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc gặp ngày 15/12. Ảnh: Reuters

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Shinzo Abe ngày 15/12 đã có cuộc gặp gỡ chính thức trong 2 ngày và hội đàm về nhiều vấn đề quan trọng giữa Nga- Nhật, đặc biệt là giải quyết tranh chấp lãnh thổ cũng như tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, nhà lãnh đạo Nga lưu ý rằng họ tiến hành gặp gỡ trên cơ sở thường kỳ. 

“Về nỗ lực của các bạn, chúng tôi đang chứng kiến một sự thay đổi rõ rệt trong quá trình phát triển các mối quan hệ Nga-Nhật. Những người đồng sự của tôi và tôi hy vọng rằng các cuộc gặp của chúng ta diễn ra hôm nay và ngày mai sẽ đóng góp đáng kể cho sự phát triển quan hệ Nga- Nhật” – Tổng thống Nga Vladimir Putin nói.

Ngày đầu tiên trong chuyến thăm hai ngày tới Nhật Bản, ông Putin đã có cuộc hội đàm với ông Abe tại một khu nghỉ dưỡng suối nước nóng ở phía tây nam Nhật Bản trong vòng 3 giờ đồng hồ. Hai nhà lãnh đạo dự định sẽ tìm kiếm giải pháp cho những tranh chấp xung quanh bốn hòn đảo ở phía Tây Thái Bình Dương mà Nga kiểm soát nhưng Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền.

Cuộc gặp gỡ được cho là đã trao đổi thẳng thắn về vấn đề quần đảo Kuril/Vùng lãnh thổ phía Bắc. 

“Chúng tôi đã tổ chức hội nghị trong một bầu không khí rất tốt. Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã trao đổi thẳng thắn và sâu rộng về tự do đi lại cho các cựu công dân ở vùng đảo tranh chấp, các hoạt động kinh tế trên bốn hòn đảo này dưới một hệ thống đặc biệt của cả hai nước và ban hành một hiệp ước hòa bình”, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết sau buổi gặp.

Tờ báo Nhật Machini tiết lộ, Tổng thống Putin sang thăm Nhật Bản đã mang theo 2 món quà: một ấm đun nước truyền thống của người Nga được làm từ năm 1870 và một bức tranh sơn dầu. 

Sputnik dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bình luận về cuộc hội đàm giữa ông Putin và Abe, Ngoại trưởng Nga nói: “Ngày hôm nay, điều đã được 2 bên nhất trí là sự cần thiết khôi phục các cơ chế khác, ngoài cơ chế đối thoại song phương Nga – Nhật, vốn đã bị đóng băng trong những năm gần đây, tức cuộc tiếp xúc quân sự và các cuộc hội đàm theo khuôn khổ 2+2”. 

Song, tờ Reuter cho rằng, những ảnh hưởng giữa đôi bên trong cuộc tranh chấp lãnh thổ này sớm chưa thể được giải quyết. Tờ báo Anh viết: “Ông Abe đã cam kết giải quyết các tranh chấp lãnh thổ với hy vọng sẽ là một di sản ngoại giao của mình vốn từ thời cha của ông đã nhiều lần tránh đề cập tới. Đồng thời xây dựng mối quan hệ tốt hơn với Nga nhằm đối phó với một Trung Quốc đang lên. 

Nhưng một thỏa thuận kết thúc các tranh chấp này sẽ mang lại rủi ro cho Putin. Những người không muốn làm hình ảnh hậu vệ trung thành của chủ quyền nước Nga bị ảnh hưởng”. 

Trong khi đó, tờ Wall Street Journal quan tâm tới các thỏa thuận kinh tế mà Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ký kết liên quan tới quỹ đầu tư 1 tỷ USD  vào các dự án song phương vào dược phẩm và năng lượng. 

“Hai quốc gia đang xây dựng mối quan hệ kinh tế khi họ tìm cách để đi đến một hiệp ước hòa bình, chính thức chấm dứt sự thù địch vốn có từ Thế chiến II. Vào thời kỳ cuối của cuộc chiến, Liên Xô đã chiếm đóng 4 đảo mà Nhật Bản quản lý và cho tới nay, Tokyo mong muốn kiểm soát lại. 

Còn Nga – quốc gia hiện đang nhận được sự trừng phạt kinh tế từ thế giới, hiện đang muốn thu hút đầu tư nhiều hơn từ nước ngoài” – tờ báo Mỹ viết. 

Cùng ngày 15/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết Bắc Kinh hy vọng chuyến thăm Nhật Bản của ông Putin sẽ thúc đẩy hòa bình, ổn định ở khu vực châu Á. 

Ông nói: “Nga và Nhật Bản là hai nước láng giềng của Trung Quốc. Chúng tôi hy vọng Nga và Nhật Bản sẽ phát triển các mối quan hệ thông thường trên cơ sở tôn trọng và bình đẳng. Các mối quan hệ hữu nghị như vậy sẽ giúp thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực”.

RELATED ARTICLES

Tin mới