Sunday, September 15, 2024
Trang chủĐiểm tinTQ sợ hãi khi Putin bắt tay Trump

TQ sợ hãi khi Putin bắt tay Trump

Việc nhà tài phiệt dầu khí Rex Tillerson được ông Trump đề cử làm Ngoại trưởng Mỹ được truyền thông quốc tế phổ biến nhận định là “tin mừng” đối với nước Nga.

Trung Quốc đã sẵn sàng đón nhận sự xa lánh của Nga? (Ảnh: Mikhail Svetlov/Getty Images)

Ngoại trưởng Mỹ “nhiều duyên nợ” với Nga: Tín hiệu buồn cho Trung Quốc

Những mối quan hệ sâu sắc và bền chặt trong nhiều năm giữa tỉ phú gốc Texas với Nga đã khiến sự bổ nhiệm của Tổng thống đắc cử Donald Trump thành “tin tốt 100%” đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin – một chính trị gia đối lập ở Mỹ khẳng định.

Nhưng ở Bắc Kinh, chính phủ Trung Quốc đã “quay cuồng” trong gần 2 tuần qua bởi những động thái mang dấu hiệu đột phá trong chính sách đối ngoại của Trump với nước này, đặc biệt liên quan đến vấn đề Đài Loan và nguyên tắc “Một Trung Quốc”.

Vụ bổ nhiệm Rex Tillerson đối với Trung Quốc càng không có gì đáng ăn mừng, thay vào đó là nỗi sợ dâng cao rằng chính quyền Trump thực sự sẽ tìm mọi cách lôi kéo Nga trở lại, như một phần của chiến lược cứng rắn nhằm cô lập Trung Quốc.

Giáo sư Đại học nhân dân Trung Quốc, ông Thời Ân Hoằng nói về Ngoại trưởng tương lai của Mỹ: “Ông ta là một chiến lược gia hết sức mạo hiểm”. 

Điều này không phải là tín hiệu tốt lành khi chính Trump cũng đang thách thức chính sách về Đài Loan mà Mỹ-Trung đã thỏa thuận và cùng thực hiện suốt gần 4 thập kỷ qua.

“Nếu Putin và Trump trở thành bạn thân thì Trung Quốc chẳng thể làm gì được nữa. Nhưng Trung Quốc sẽ sẵn sàng đón nhận sự xa lánh ở một mức độ nào đó giữa Moscow và Bắc Kinh,” ông Thời nói.

Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) hôm 14/12 viết, nỗi sợ ngày càng rõ rệt trong dư luận Trung Quốc là chính quyền Trump gần như chắc chắn sẽ thực thi chính sách cứng rắn với họ, đồng thời cố gắng làm rạn nứt quan hệ Nga-Trung. Tờ này nhanh chóng trấn an rằng suy nghĩ đó “thật nực cười”.

John Delury, trợ lý giáo sư về ngành Trung Quốc học tại ĐH Yonsei, Hàn Quốc, đánh giá trong vòng tròn xoay quanh chính sách của Trump với Trung Quốc, việc đề cử Tillerson là một bằng chứng rõ ràng rằng Mỹ đang “xoay trục sang Nga”.

Rex Tillerson, CEO của ExxonMobil, đã có ít nhất 5 chuyến công tác đến Trung Quốc kể từ năm 2008. Lần gần đây nhất là vào tháng 7/2016, khi đó ông đã gặp Wang Yilin, một đảng viên kỳ cựu của đảng Cộng sản Trung Quốc và là Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC).

Nhưng từng đó chẳng là gì, bởi Tillerson là một người phản đối các biện pháp cấm vận của Mỹ áp đặt lên Nga, và mối liên hệ ông có với Moscow sâu sắc hơn quá nhiều so với Bắc Kinh.

Theo báo Guardian (Anh), nhà tài phiệt này được cho là có quan hệ cá nhân thân thiết với Igor Serchin, Chủ tịch tập đoàn dầu khí Rosneft. Như chuyên gia Mark Galeotti cua ĐH New York bình luận: “Putin tin tưởng ông ấy (Sechin) hơn bất kỳ ai.”

Theo Delury, ngay cả trước khi Tillerson được bổ nhiệm, Bắc Kinh cũng không khó nhận thấy Trump đang gửi “tín hiệu nồng ấm đến Moscow”, trái ngược với sự lạnh nhạt mà Trung Quốc và Chủ tịch Tập Cận Bình nhận được.

“Trung Quốc nhận thức rất rõ về ‘tiêu chuẩn kép’ trong cách mà ông Trump xích lại gần Putin, trong khi cố gắng xa lánh Tập Cận Bình hết mức, nếu không muốn nói là một mối quan hệ gây hấn,” Delury nói.

“Điều này cho thấy có động cơ địa chính trị đằng sau, và hiển nhiên không được nhìn nhận thông qua giá trị bề nổi. Bởi nếu Trump thích những người quyền lực, như người ta thường nói, thì đáng lý ông cũng phải thích Tập Cận Bình nhiều như Putin.”

Kịch bản Nixon-Mao Trạch Đông tái hiện?

Bộ ngoại giao Trung Quốc hôm 14/12 đưa ra phản ứng “chung chung” về việc Trump bổ nhiệm Tillerson. Người phát ngôn Cảnh Sảng nói Trung Quốc “sẵn sàng làm việc với Ngoại trưởng Mỹ, dù người đó là ai, để đưa quan hệ Mỹ-Trung phát triển”.

Dù vậy, một số nhà quan sát cho rằng ban lãnh đạo Trung Quốc sẽ được “báo động” về khả năng ông Trump chơi “lá bài Trung Quốc” theo cách ngược lại với Richard Nixon.

Hồi năm 1972, nhằm cô lập Liên Xô, Nixon và Ngoại trưởng Henry Kissinger đã tới Trung Quốc để có màn “hàn gắn lịch sử” với lãnh tụ Mao Trạch Đông. Trong bối cảnh quan hệ Xô-Trung rạn nứt, sự kiện này là một đòn giáng mạnh lên vị thế của Moscow.

Do đó, không loại trừ khả năng trong tương lai ông Trump làm điều tương tự với Putin, và lần này “nạn nhân” là Bắc Kinh.

Jean-Pierre Cabestan, giáo sư khoa học chính trị tại ĐH Baptist, Hồng Kông, tin rằng “đó chính là ý định của Trump”.

Mối liên kết về chính trị và kinh tế giữa Bắc Kinh-Moscow đã “nở rộ” kể từ khi ông Tập lên nắm quyền năm 2013 và thúc đẩy chiến lược tô vẽ hình ảnh hai quốc gia như “bạn thân mãi mãi”.

Hồi tháng 9 năm ngoái, ông Putin là khách mời danh giá nhất tại lễ diễu binh rầm rộ của Trung Quốc trên quảng trường Thiên An Môn, còn ông Tập cũng dự lễ duyệt binh Ngày chiến thắng của Nga trước đó 4 tháng.

Bất chấp Nga-Trung khẳng định “quan hệ hai nước chưa bao giờ tốt đẹp đến vậy”, giáo sư Thời Ân Hoằng nhận xét nhà lãnh đạo Nga có thể bị hấp dẫn “bởi củ cà rốt mà Trump đung đưa trước mũi ông ấy”.

Cải thiện quan hệ với Washington, nhiều khả năng là cả NATO và Liên minh châu Âu (EU), để tiến tới chấm dứt cấm vận kinh tế và giảm phụ thuộc vào Trung Quốc là viễn cảnh rất ấn tượng. “Ông Putin sẽ hết sức vui lòng,” học giả Trung Quốc nói.

John Delury không ngạc nhiên nếu Trump đến thăm Nga trước Trung Quốc: “Trump đang tìm kiếm đòn bẩy trước Trung Quốc và cố gắng nhằm vào họ. Ông đã khiến Bắc Kinh phải giãy nảy với Đài Loan, và tôi tin rằng ông có thể thử một chuyến đi tới Moscow.”

Chuyên gia này thậm chí tính đến khả năng Trump kiềm chế Bắc Kinh bằng một động thái chưa từng có trong lịch sử như… gặp mặt nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un bên lề một sự kiện nào đó tại Nga.

“Đó có thể là thế giới mới mà chúng ta đang bước vào,” Delury mô tả. “Bắc Kinh sẽ không thích điều này. Đây là động thái sẽ đặt Bắc Kinh vào thế bí bởi họ muốn đối thoại… và họ cũng luôn nói rằng người Mỹ phải nói chuyện với Bình Nhưỡng.

Nhưng khi điều đó xảy ra ở Moscow, mà Trung Quốc chỉ hiện diện một cách mờ nhạt… thì chắc chắn họ sẽ hụt hẫng.”

RELATED ARTICLES

Tin mới