Sau vụ ám sát Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrey Karlov hôm qua, chính phủ hai bên có thể bắt tay cùng chống khủng bố, cải thiện mối quan hệ bấp bênh Nga – Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Turkish Erdogan tại Moscow, 23/9/2015 (Nguồn: Sasha Mordovets/Getty Images)
Sau vụ ám sát Đại sứ Andrey Karlov hôm qua tại phòng triển lãm nghệ thuật ở Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ), chính phủ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều ra thông cáo kêu gọi Moscow và Ankara không để sự cố đáng tiếc này ảnh hưởng đến nỗ lực xích lại gần nhau của hai nước.
Vụ ám sát này khó làm hỏng quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ và nỗ lực cải thiện mối quan hệ căng thẳng của họ. “Ngược lại, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cùng hướng về vụ ám sát và xem đây là lý do khiến họ cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong cuộc chiến chống khủng bố”, chuyên gia chính trị Ian Bremmer, nói với báo Business Insider hôm thứ Hai.
Ông Bremmer nói: “Tổng thống Erdogan chắc chắn sẽ bày tỏ sự thương tiếc sâu sắc đến nước Nga và thừa nhận Thổ Nhĩ Kỳ phải có nhiều hành động hơn đối với môi trường an ninh của nước này. Nghĩa là sẽ có nhiều vụ lục soát nhà ở, nhưng không phải là cùng với Moscow ngay lập tức thổi bay mọi thứ”.
Tổng thống Erdogan gọi vụ ám sát là cuộc tấn công “khiêu khích” nhằm gây tổn hại bình thường hóa quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ và Nga sẽ cùng hợp tác điều tra vụ ám sát, và nhắc lại “sự hợp tác mạnh mẽ với Nga” trên Aleppo đã “giúp cứu sống nhiều người”.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi vụ ám sát này là một thách thức nhằm “phá hoại” quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ và nỗ lực của Moscow để thắt chặt quan hệ với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Syria.
Điện Kremlin tuyên bố vụ ám sát là một cuộc tấn công khủng bố, và cho biết cuộc hội đàm thảo luận về Syria giữa Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, Mevlut Çavuşoğlu sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch tại Moscow vào thứ ba.
Boris Zilberman, một chuyên gia về Nga của Quỹ quốc phòng tại Washington cho biết: “Nga rất có thể đẩy mạnh các hoạt động quân sự tại Syria và tìm cách trả thù những người chống đối có liên hệ với sát thủ.”
Phía Thổ Nhĩ Kỳ dường như chuẩn bị đổ lỗi cuộc tấn công cho Gulenists, một phong trào chống đối trong nước. Phong trào này được dẫn dắt bởi nhà thuyết giáo Thổ Nhĩ Kỳ Fetullah Gulen đang sống lưu vong ở Mỹ từ năm 1999.
Ngay sau cuộc tấn công, Thị trưởng Ankara cáo buộc tay súng là một người của Gulenist. Đây là câu chuyện tường thuật được lặp đi lặp lại và lan truyền bởi truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ ám sát. Một quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ sau đó nói với báo Reuters rằng Ankara sẽ tập trung điều tra vào mạng lưới của Gulenist liên quan đến tay súng sát thủ.
Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và Nga khá bấp bênh nhưng đã cải thiện kể từ sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay chiến đấu của Nga dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria tháng 11/2015. Hai nước ở hai phía đối lập trong cuộc chiến ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ phe đối lập và Nga ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Tuần trước các quan chức hai nước đã cố gắng ký một thỏa thuận ngừng bắn và di tản dân thường và máy bay chiến đấu ra khỏi đông Aleppo, vùng chiếm đóng của quân phiến loạn.
“Nga sẽ không phản ứng thái quá”, Soner Cagaptay, giám đốc Chương trình Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện nghiên cứu Chính sách Cận Đông tại Washington, viết trên Twitter. “Moscow có gần như tất cả mọi thứ họ muốn từ Ankara đối với vấn đề Syria bao gồm cả việc Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận thất bại ở Aleppo”.
Michael Koplow, một nhà phân tích Trung Đông tại Diễn đàn chính sách Israel, nói rằng ông nghĩ rằng vụ ám sát đại sứ Karlov “có thể khiến Nga và Thổ Nhĩ Kỳ xích gần nhau hơn, vì cả hai nước đều có động cơ để leo thang vụ ám sát.
Ông Koplow nói. “Tôi dự đoán sự kiện này sẽ dẫn đến hai nước đứng chung một chiến tuyến chống khủng bố và hợp tác chặt chẽ về vấn đề Syria”. Theo ông Koplow đánh giá, Thổ Nhĩ Kỳ phải phụ thuộc vào nguồn năng lượng và du lịch của Nga.
Mặt khác, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước phương Tây đang căng thẳng xoay quanh vấn đề vi phạm nhân quyền và kiểm duyệt báo chí sau cuộc đảo chính thất bại hồi tháng Bảy vừa qua. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đổ lỗi cho nhóm chống đối Gulen về cuộc đảo chính thất bại.
Cái chết của đại sứ Andrey Karlov ngay lập tức liên tưởng tới vụ ám sát hoàng tử nước Áo Franz Ferdinand ở Sarajevo vào năm 1914 đã khiến Áo và Hungary tuyên chiến với Serbia, cuối cùng dẫn đến chiến tranh thế giới I.