Thursday, January 9, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiGọi tàu Liêu Ninh là "chuột bạch", tham vọng của TQ lộ...

Gọi tàu Liêu Ninh là “chuột bạch”, tham vọng của TQ lộ rõ: Có hậu quả, cả nước gánh vác!

Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc mới đây đã lần đầu tiên tiến ra Tây Thái Bình Dương để tiến hành huấn luyện quân sự.

Nhóm tàu sân bay Liêu Ninh huấn luyện quân sự trên biển Hoa Đông ngày 24/12 (Ảnh: Huanqiu)

Sau đó, nhóm tàu Liêu Ninh ngày 26/12 đã đi qua vùng biển phía Nam đảo Đài Loan và di chuyển theo hướng Tây Nam ở khu vực phía Bắc biển Đông.

Trong khi sự hiện diện của tàu Liêu Ninh làm dấy lên lo ngại sự bành trướng và sức mạnh của Hải quân Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương được đẩy lên một tầm cao mới, chính phủ Trung Quốc tuyên bố đây là hoạt động bình thường.

Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 26/12 nói rằng các hoạt động huấn luyện quân sự trên biển của nước này “phù hợp với luật quốc tế”.

“Tàu sân bay Liêu Ninh của chúng tôi cũng phải được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không theo luật pháp quốc tế,” bà Hoa nói.

Tàu sân bay Trung Quốc sẽ đi qua “chuỗi đảo thứ hai”, tới Đông Thái Bình Dương?

Tờ Thời báo Hoàn Cầu ngày 26/12 cho hay, trong khái niệm của chính phủ Trung Quốc, tàu sân bay Liêu Ninh chỉ là “vật thử nghiệm khoa học của hải quân”. Bắc Kinh tham vọng sở hữu nhiều tàu sân bay hơn trong vài năm tới.

Hoàn Cầu đánh giá, tàu sân bay Liêu Ninh không chỉ là “vật thí nghiệm” về kỹ thuật, mà còn đóng vai trò “thử lửa” trên phương diện địa chính trị – một công cụ để Bắc Kinh đánh giá phản ứng của các thế lực chủ chốt trên thế giới trước sự trỗi dậy của Hải quân Trung Quốc.

Trung Quốc xác định các lợi ích cốt lõi của họ đều nằm ở vùng biển xung quanh như biển Đông và Hoa Đông, nhưng tàu sân bay vẫn là một công cụ nằm trong chiến lược “viễn dương hóa” phạm vi hoạt động của quân đội, từ đó bành trướng và phân tán rộng khắp “lợi ích cốt lõi” của Bắc Kinh và giảm áp lực ở các vùng biển duyên hải Trung Quốc.

Sau khi các máy bay của Không quân Trung Quốc “thường thái hóa” việc bay qua chuỗi đảo thứ nhất ra Tây Thái Bình Dương kể từ hồi tháng 9, Bắc Kinh đặt mục tiêu tiếp tục “xuyên qua” chuỗi đảo thứ hai – vùng biển mà các chiến hạm Trung Quốc chưa từng tiếp cận theo hình thức tuần tra.

Hoàn Cầu tuyên bố: “Sớm muốn gì hạm đội của Trung Quốc cũng tới Đông Thái Bình Dương để tuần tra. Đến khi nhóm tàu sân bay Trung Quốc có đủ khả năng xuất hiện ở ngoài khơi nước Mỹ thì chắc chắn người ta sẽ phải xét lại về các quy tắc trên biển.”

Nếu tàu sân bay Trung Quốc có thể hoạt động thường xuyên trong “vùng lợi ích cốt lõi” của Mỹ, giống như Bắc Kinh chỉ trích các nhóm tàu sân bay Mỹ đưa tới châu Á, thì cục diện Mỹ đơn phương gây sức ép lên Trung Quốc sẽ phải thay đổi.

Liên tiếp thông tin về tàu sân bay, Hoàn Cầu không giấu tham vọng “áp sát” Mỹ

Kyodo News (Nhật Bản) hôm 12/12 dẫn một số hình ảnh cho thấy tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc tự đóng đã hoàn thành về cơ bản. Giới phân tích dự đoán chiếc tàu này có thể hạ thủy sớm nhất vào đầu năm 2017.

Nhật báo phương Đông (Hồng Kông) ngày 26/12 dẫn lời Thiếu tướng Trung Quốc Kim Nhất Nam hé lộ, tàu sân bay “nội” thứ hai của nước này đã được khởi công ở một xưởng tại Giang Nam từ tháng 3/2015. Dự án này còn được xem là bước then chốt để Trung Quốc bước vào thời đại “cường quốc biển”.

Trong bài xã luận ngày 26, Thời báo Hoàn Cầu không che giấu tham vọng “vươn vòi” sang nửa bên kia của đại dương khi kêu gọi “Trung Quốc cần bắt đầu nghiêm túc lên kế hoạch về việc thiết lập điểm tiếp tế cho Hải quân ở châu Mỹ-La tinh”.

“Những việc nằm trong phạm vi quyền lợi của Trung Quốc thì chúng ta nói làm là làm, ai gây hấn thì chúng ta sẽ trả đũa. Trung Quốc không dễ nổi cáu, nhưng khi bị dồn ép thì không cần biết anh là ai, chúng tôi sẽ ‘chân đấm tay đá’. Nếu có hậu quả gì thì cả nước cùng gánh vác,” Hoàn Cầu tuyên bố.

Trung Quốc đang nghiêm túc xem việc hoàn thiện lực lượng tàu sân bay là biện pháp hữu hiệu để “nắn gân” các chiến hạm Mỹ tuần tra tự do hàng hải ở khu vực các đảo, đá mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền phi pháp trên biển Đông, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc lo ngại chính sách cứng rắn của Mỹ dưới thời Donald Trump.

Bất chấp chính phủ Trung Quốc phủ nhận sự trùng hợp về thời gian, hoạt động rầm rộ của nhóm tàu Liêu Ninh diễn ra ngay sau vụ lùm xùm Trung Quốc “bắt” thiết bị lặn không người lái của Mỹ đã khơi dậy nhiều lo lắng về “sóng ngầm” ở biển Đông.

Tổng thống đắc cử Mỹ vẫn “im hơi lặng tiếng” trước các động thái mới từ Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới