Sunday, September 8, 2024
Trang chủBiển nóngBản tin Biển Đông ngày 03/01

Bản tin Biển Đông ngày 03/01

Bản tin Biển Đông ngày 03/01/2016.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong thông điệp mừng năm mới 2017. Ảnh: SCMP.

1) Chủ tịch Tập Cận Bình ra tuyên bố phủ đầu về các yêu sách chủ quyền của nước này

Ngày 31/12, hãng Reuters đưa tin:

Chiều ngày 31/12, truyền thông Nhà nước Trung Quốc cho biết, trong một bài phát biểu nhân dịp đầu năm mới 2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lớn tiếng tuyên bố “sẽ không bao giờ cho phép các quốc gia khác “chỉ trích” chủ quyền lãnh thổ và các quyền trên biển của Bắc Kinh”. Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có nhiều động thái hung hăng nhằm thúc đẩy yêu sách trên biển, khiến nhiều nước láng giềng phải bày tỏ quan ngại, lập trường của ông Tập trong năm mới dường như vẫn chẳng hề thay đổi lấy một chữ, vẫn ngang nhiên tuyên bố Trung Quốc “tôn trọng sự phát triển hòa bình và cương quyết bảo vệ chủ quyền, quyền và lợi ích trên biển của Trung Quốc”.

2) Trung Quốc lộ âm mưu xây dựng phòng thủ tuyến ngầm sau vụ thu giữ thiết bị lặn của Mỹ

Ngày 1/1, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin:

Mới đây, một số chuyên gia quân sự cho biết, vụ Trung Quốc thu giữ tùy tiện thiết bị lặn của Hải quân Mỹ ở Biển Đông là bằng chứng cho thấy mối quan tâm của Bắc Kinh về xu hướng sử dụng các loại thiết bị ngầm trong khu vực và lợi dụng điều này để làm cái cớ thúc đẩy các cơ sở quân sự dưới nước của nước này. Ông Collin Koh Swee Lean, một nghiên cứu viên thuộc Chương trình An ninh Hàng hải, Khoa Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore cho biết vụ việc vừa qua là “cách thức mà Trung Quốc muốn “nhắc nhở” Mỹ rằng không nên “mơ” đến chuyện dùng các hệ thống tự điều khiển để tiếp tục các hoạt động do thám quân sự bởi điều đó “gây hại cho lợi ích an ninh của Trung Quốc””. Ông Koh cảnh báo “sự kiện này có thể khiêu khích Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự, bao gồm việc thúc đẩy công nghệ ngầm, cũng như sẽ tự phát triển các loại thiết bị ngầm nhằm đối phó với việc Mỹ xây dựng tiềm lực phòng thủ tên lửa và có được “đòn bẩy chiến lược” để phục vụ cho mục đích “mặc cả” về sau”. Ông  này cũng không loại trừ khả năng “Trung Quốc có thể phát triển một loại công nghệ có khả năng thu giữ được thiết bị lặn của họ hoặc cắt đứt liên lạc của họ ở dưới nước”. Trong khi đó, ông Li Jie, một chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh lại úp mở rằng, Trung Quốc sẽ “tăng cường mạnh mẽ những nỗ lực” nhằm phát triển và sử dụng công nghệ ngầm vào “mục đích quân sự lẫn dân sự” vì “Mỹ khó có thể từ bỏ hoạt động do thám ở Biển Đông”.

3) Về đội tàu “Ngư dân” hậu thuẫn Trung Quốc kiểm soát các vùng biển

Ngày 1/1, trang Daily Caller đưa tin:

Quân đội Trung Quốc gần đây đã tiết lộ rằng phía nước này đang quân sự hóa các tàu đánh cá nhằm “bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và các khu vực khác”.

 “Dân quân biển”, bộ phận Quân lực trên biển thứ ba của Trung Quốc là lực lượng đội lốt một đội tàu cá dân sự nhưng lại góp phần tạo nên thứ gọi là “sự hiếu chiến trong vùng xám”.  Ngày 29/12, ông Hình Cẩm Trình, Chính ủy Lực lượng Vũ trang Hải Nam đã ngang nhiên phát biểu rằng, các thành viên của “Dân quân biển” nên được xem như là “những cột mốc chủ quyền di động”, nhấn mạnh “lực lượng này có trách nhiệm thực hiện “các hoạt động chủ quyền dân quân” và bảo vệ “các vùng biển tổ tiên để lại”, “thuộc về Trung Quốc từ thời cổ xưa”, thậm chí còn viện lấy cái cớ là “những vùng biển này không còn yên bình” để bao biện cho kế hoạch “tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu”. Trước đó, vào hồi tháng 2 vừa qua, tờ Nhật báo Trung Hoa cũng đã tuyên bố Trung Quốc “đang cải thiện khả năng tác chiến của đội Dân quân biển thông qua các cuộc diễn tập thực tế trên biển” và còn nói thẳng ra rằng “Dân quân biển, với thành phần chủ yếu là các ngư dân và các tàu đánh cá, đang được củng cố để có vai trò ngày càng lớn hơn trong các cuộc tập trận do Hải quân Quân Giải phóng Trung Quốc” tổ chức”.

 Liên quan đến bản chất thực sự của lực lượng này, trong một buổi điều trần Quốc hội Mỹ hồi tháng 9, Tiến sỹ Andrew Erickson, chuyên gia hàng đầu về Dân quân biển Trung Quốc đã khẳng định rất rõ rằng, Dân quân biển Trung Quốc là một lực lượng “do Nhà nước Trung Quốc tổ chức, phát triển và kiểm soát hoạt động theo chỉ đạo trực tiếp của quân đội”, qua đó cảnh báo “Trung Quốc đang ráo riết tạo ra một làn sóng mới vô cùng đáng lo ngại bằng việc phát triển lực lượng Dân quân biển – một lực lượng được phát triển theo hướng bán quân sự chuyên nghiệp”. Trong khi mọi sự chú ý của dư luận thường tập trung vào các hoạt động của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân và lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc, các học giả quốc tế đã chỉ ra Quân lực Biển thứ ba mới thực sự là lực lượng “tích cực” trong việc “tái thiết lập” các thông lệ quốc tế ở Biển Đông và một số khu vực bất ổn khác. Nguyên nhân là bởi lực lượng này “hiện đang đảm nhận nhiệm vụ là tuyến đi đầu thực hiện các hoạt động do thám, hỗ trợ và gây sức ép nhằm thúc đẩy các yêu sách và lợi ích biển của Bắc Kinh ở Biển Đông và Biển Hoa Đông”, theo Erickson và Connor M. Kennedy cho biết trong một bình luận ở tờ Thời báo Phố Wall.

4) Chuyên gia pháp lý: Philippines cần lên án hệ thống vũ khí trên các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Biển Đông

Ngày 2/1, hãng CNN Philippines đưa tin:

Ngày 2/1, tại một diễn đàn báo chí, ông Batongbacal, Viện trưởng Viện Các vấn đề biển Philippines nhấn mạnh thời điểm hiện tại là thích hợp để Philippines khẳng định quyền của mình ở Biển Đông và nhanh chóng đưa ra một phản đối về mặt ngoại giao đối với hành động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông. Mặt khác ông bày tỏ lo ngại về tuyên bố của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte gần đây rằng Philippines sẽ chỉ sử dụng Phán quyết của Tòa Trọng tài vụ kiện giữa nước này với Trung Quốc “khi các tài nguyên bị chiếm đoạt” ở Biển Đông. Ông Batongbacal cho rằng, “tài nguyên ở biển là hữu hạn” và “không thể phục hồi” nếu đưa ra phản đối quá muộn, đồng thời lo ngại Philippines sẽ “mất đi cơ hội xử lý linh hoạt và quyền lựa chọn các giải pháp”.

Tuy nhiên, ông Chito Sta. Maria, người được bổ nhiệm làm Đại sứ Philippines tại Trung Quốc cho rằng Phán quyết Trọng tài vẫn luôn đem lại cho Philippines một hướng giải quyết nếu Trung Quốc tiếp tục khẳng định yêu sách tại bãi cạn Scarborough” bởi “Phán quyết là một phần của luật biển quốc tế và sẽ không bao giờ là quá muộn”. Ông khẳng định, “Philippines đang phân biệt rõ, bóc tách tranh chấp ra khỏi các vấn đề không tranh chấp chứ không từ bỏ Phán quyết Trọng tài”. Trong khi đó, ông Richard Heydarian, chuyên gia địa lý cho rằng việc ngăn chặn âm mưu bành trướng của Trung Quốc lại phụ thuộc nhiều vào Mỹ, đồng minh quân sự của Philippines hơn là động thái của chính Manila.

5) Hải quân Trung Quốc đã xác nhận cuộc tập trận của tàu sân bay trên Biển Đông

Ngày 2/1, hãng Reuters đưa tin:

Ngày 2/1, vài ngày sau khi Đài Loan thông báo rằng tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc và các tàu hộ tống đi qua khu vực cách phía Nam Đài Loan 90 hải lý, Hải quân Trung Quốc đã xác nhận tàu sân bay này đã triển khai tập trận ở Biển Đông. Hải quân nước này cũng cho biết các máy bay chiến đấu J-15 của tàu sân bay đã tiến hành các cuộc diễn tập trên không “trong điều kiện phức tạp”. Phía Bắc Kinh cũng tiết lộ rằng nhóm tàu sân bay cũng tiến hành diễn tập với trực thăng nhưng tuyệt đối không đưa thêm bất cứ thông tin nào về địa điểm chính xác diễn ra cuộc diễn tập.

6) Chuyên gia quốc tế khẳng định Philippines “đã sai lầm” khi tạm gác Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông sang một bên

Ngày 3/1, tờ Business World đưa tin:

Mới đây, ông Gregory B. Poling, Giám đốc Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) lo ngại rằng, dựa vào tình hình hiện nay, có thể thấy Manila đã “sai lầm khi đặt cược mọi thứ vào một niềm tin rằng Trung Quốc đang thay đổi cách tiếp cận trong vấn đề Biển Đông và sẵn sàng đối xử sòng phẳng với Philippines”. Ông Poling nhấn mạnh, “Bắc Kinh chưa hề thay đổi hay làm rõ các yêu sách của mình, thậm chí vẫn ngoan cố theo đuổi hoạt động quân sự hóa Trường Sa, điều này chứng tỏ Trung Quốc đang chuẩn bị một đợt gây hấn và chèn ép mới”. Liên quan đến việc ngư dân Philippines quay trở lại bãi cạn Scarborough, ông Poling cũng cảnh báo về sự quyết đoán của Trung Quốc, rằng “phía Trung Quốc cũng sẽ không sẵn sàng thỏa hiệp với phía Philippines về quyền tiếp cận Bãi Cỏ Rong, về lực lượng trên biển của Philippines ở Bãi Cỏ Mây hay bất kỳ vấn đề nào khác”.

RELATED ARTICLES

Tin mới