Friday, January 3, 2025
Trang chủĐiểm tinLiệu Tổng thống đắc cử Trump có là "món quà tuyệt nhất"...

Liệu Tổng thống đắc cử Trump có là “món quà tuyệt nhất” Mỹ dành cho TQ?

Chủ nghĩa bảo hộ mà ông Trump theo đuổi có thể mở đường cho Trung Quốc nâng cao vị thế trên thế giới.

Hình ảnh về lần đầu tiên tham dự Davos của Chủ tịch Trung Quốc Tập
Cận Bình tháng 1/2017 chiếm trọn trang nhất tờ China Daily. (Ảnh: EPA)

Trong thời gian qua, không nước nào bị Donald Trump công kích nhiều như Trung Quốc. Sau khi đắc cử, ông đã điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn và tiếp tục thể hiện thái độ cứng rắn với Bắc Kinh. Tuy nhiên, theo cây bút kỳ cựu Fareed Zakaria của tờ Washington Post, giới tinh hoa của Trung Quốc lại tỏ ra lạc quan về Trump hơn dư luận tưởng.

“Trump là một thương nhân, và những gì đao to búa lớn ông ấy nói chỉ là cách mào đầu câu chuyện”, một học giả Trung Quốc giấu tên cho biết.

“Ông ấy thích các thương vụ làm ăn, và chúng tôi cũng là người giỏi làm ăn”, người này nói.

Các quan chức Trung Quốc khẳng định, họ cũng có kho vũ khí kinh tế của riêng mình. Trung Quốc là một thị trường khổng lồ với hàng hóa Mỹ. Các nhà đầu tư Trung Quốc đã rót 46 tỷ USD vào kinh tế Mỹ trong năm ngoái.

Nhưng sự tự tin của Trung Quốc đến từ thực tế rằng, nước này đang ngày càng ít phụ thuộc vào thị trường nước ngoài để tăng trưởng. 10 năm trước, xuất khẩu chiếm đến 37% GDP của Trung Quốc. Hiện nay, con số này chỉ là 22% và tiếp tục xu hướng giảm.

Trung Quốc đã thay đổi

Zakaria đánh giá, các thương hiệu phương Tây đang trở nên yếu thế hơn, còn các công ty nội địa thống trị gần như gần như mọi khía cạnh của nền kinh tế khổng lồ và đang phát triển của Trung Quốc. Doanh nghiệp Trung Quốc không chỉ còn biết chạy theo bắt chước các công ty Mỹ nữa.

Các công ty công nghệ Trung Quốc đang không ngừng đổi mới, và giới trẻ nước này cho rằng các “phiên bản Trung Quốc” của Google, Amazon và Facebook tốt hơn, nhanh hơn và tinh vi hơn bản gốc. Trung Quốc đã trở thành một thế giới riêng biệt mà không cần quan tâm đến bên ngoài.

Tình hình trên là hệ quả của những chính sách quyết liệt từ phía chính phủ Trung Quốc. Jeffrey Immelt, CEO của General Electric từng nói hồi năm 2010 rằng Trung Quốc đang khép chặt cánh cửa với doanh nghiệp nước ngoài. Các ông lớn công nghệ của Mỹ đang chật vật ở Trung Quốc, vì những quy định chính thức lẫn không chính thức gây bất lợi cho họ.

Giai đoạn tiếp theo trong chiến lược của Bắc Kinh là tận dụng khoảng trống quyền lực Mỹ để lại trong lĩnh vực thương mại. Trong khi Trump hô hào chủ nghĩa bảo hộ và đe dọa đóng cửa biên phía nam với Mexico, chủ tịch Tập Cận Bình đã công du đến các nước Mỹ Latinh trong tháng 11/2016, chuyến đi thứ ba trong vòng 4 năm của ông.

Theo Bloomberg, ông Tập đã ký hơn 40 hiệp định và cam kết đầu tư hàng tỷ USD vào khu vực này.

Trọng tâm trong chiến lược của Trung Quốc

Bắc Kinh tỏ ra rất quyết đoán trong việc tận dụng tuyên bố “Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chết” của ông Trump – theo Zakaria.

Hiệp định giữa Mỹ và 11 nước quanh Thái Bình Dương này được Tổng thống Barack Obama khởi xướng, như một phần của các biện pháp tăng cường ảnh hưởng của Mỹ ở Châu Á.

Trong khi TPP có khả năng bị ông Trump “loại bỏ”, Bắc Kinh đã chào mời các nước khác bằng hiệp định thương mại của riêng mình. Trong đó, vai trò chủ đạo của Trung Quốc càng được củng cố.

Australia, một nước ủng hộ TPP mạnh mẽ cũng khẳng định họ sẽ ủng hộ giải pháp thay thế của Trung Quốc. Các chuyên gia cho rằng, các nước Châu Á khác sẽ sớm theo chân Canberra.

Tại hội nghị thượng đỉnh APEC ở Peru vào tháng 11 năm ngoái, thủ tưởng New Zealand khi đó, ông John Key phát biểu:

“TPP là biểu tượng cho sự lãnh đạo của Mỹ tại Châu Á. Chúng tôi thật sự mong muốn Mỹ hiện diện trong khu vực. Nhưng nếu Mỹ không xuất hiện, thì khoảng trống phải được lấp đầy, Và nó sẽ được Trung Quốc lấp đầy”.

Tại Peru, ông Tập Cận Bình đã có một bài phát biểu đáng chú ý, mà nhiều người ví như diễn văn truyền thống của một tổng thống Mỹ khi ca ngợi thương mại và hội nhập, và hứa hẹn giúp các nước không đóng cửa với toàn cầu hóa.

Ông Tập đang trong chuyến thăm Thụy Sĩ cấp nhà nước từ 15-18/1, và trở thành chủ tịch Trung Quốc đầu tiên tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) ở Davos. BBC bình luận, ông có thể trở thành “ngôi sao” của sự kiện.

Đây cũng được xem là động thái củng cố thông điệp lãnh đạo thương mại toàn cầu của Trung Quốc.

Trong khi đó, tác giả Fareed Zakaria cho hay, giới lãnh đạo phương Tây đang từ bỏ vai trò truyền thống của mình.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và thủ tướng Canada Justin Trudeau đã hủy bỏ kế hoạch phát biểu ở Davos vào phút chót. Tổng thống đắc cử Trump chưa nhậm chức, và vẫn chỉ trích toàn cầu hóa. Không một thành viên cấp cao nào trong nhóm của ông tham dự hội nghị.

Nếu mọi chuyện không có gì thay đổi, Zakaria tin rằng Bắc Kinh đã có thể kết luận việc Trump làm tổng thống Mỹ sẽ là “món quà tuyệt nhất” cho Trung Quốc trong thời gian tới.

RELATED ARTICLES

Tin mới