Wednesday, January 8, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiVì sao Triều Tiên chỉ nhắm vào Obama mà không động tới...

Vì sao Triều Tiên chỉ nhắm vào Obama mà không động tới ông Trump?

Do Triều Tiên coi Donald Trump là một nhân vật khó nắm bắt và không muốn Trump có lý do để công kích nên nước này sẽ kiềm chế trong các phát ngôn, giáo sư Hàn Quốc nhận định.

Ảnh: Foxtrot Alpha

Mới đây, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã gọi Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Barack Obama là “kẻ thua cuộc” trong cuộc đối đầu với Triều Tiên nhưng ông lại không hề nhắc tới Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Tờ Chosun Ilbo (Hàn Quốc) ngày 17/1 bình luận, sau khi Kim Jong Un thông báo Bình Nhưỡng đã bước vào giai đoạn cuối của việc phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) trong thông điệp năm mới, ngay lập tức ngày 2/1 Trump đã lên Twitter khẳng định Triều Tiên sẽ không thể phát triển tên lửa hạt nhân có khả năng vươn tới Mỹ.

Cũng theo tờ này, cho đến nay nhà lãnh đạo Kim Jong Un vẫn chưa đã bất kỳ phản ứng nào.

Đa chiều (Mỹ) nhận định, động thái này của Bình Nhưỡng là bước thăm dò chính sách đối với Triều Tiên của chính quyền Trump trước khi những chính sách này được cụ thể hóa.

Tờ này cũng dẫn nguồn tin từ Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết: “Theo truyền thống, Triều Tiên sẽ xây dựng “thời kỳ trăng mật” với hai chính phủ mới sắp ra mắt của Mỹ và Hàn Quốc. Sau khi đối phương chính thức lên nhậm chức, Bình Nhưỡng sẽ tiến hành dò la trong một khoảng thời gian.

Đặc biệt đối với chính quyền Trump – với ‘cuộc hội đàm humburger’ từng được ông nhắc tới trong thời gian tranh cử – Triều Tiên dường như đang ấp ủ một sự hy vọng nào đó”.

Trước đó, theo Yonhap (Hàn Quốc), sau khi ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11/2016, Vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ của Bộ Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui trong cuộc gặp mặt không chính thức với phía Washington tại Geneva, Thụy Sỹ đã tuyên bố:

“Trước khi nắm rõ chính sách của chính quyền Trump đối với Triều Tiên, [Triều Tiên] sẽ không tiến hành những hành động gây tổn hại đến quan hệ hai nước”.

Giáo sư Kim Hyun Jung thuộc Đại học Dongguk (Hàn Quốc) cho rằng, do Triều Tiên coi Donald Trump là một nhân vật khó nắm bắt và không muốn Trump có lý do để công kích nên nước này sẽ kiềm chế trong các phát ngôn.

“Nhưng bằng cách thông báo Bình Nhưỡng đã bước vào giai đoạn cuối của việc phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa, Triều Tiên đã nhấn mạnh sự tồn tại của mình và hiện đang quan sát diễn biến sau đó”, Đa chiều dẫn lời Giáo sư Kim.

Trong khi đó, theo Giáo sư Trương Liễn Khôi – chuyên gia người Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) tại Anh thì theo tình hình hiện tại, rất có khả năng hai nước Mỹ-Triều sẽ tiến hành đối thoại.

Trương nhận định, khác với chính sách “nhẫn nại”, “từ chối đối thoại với Triều Tiên” của chính quyền Tổng thống Barack Obama, ông Trump lại khẳng định, muốn trực tiếp gặp mặt, mời ông Kim đến Mỹ, cùng ăn humburger và thảo luận chấm dứt vấn đề hạt nhân.

Theo Trương, dù sau Tổng thống đắc cử Mỹ có rút lại lời nói này thì từ một phương diện nào đó cho thấy, sau khi chính thức lên nhậm chức, ông có khả năng sẽ tiến hành tiếp xúc với chính quyền Kim Jong Un, thậm chí tiến hành những cuộc gặp chính thức cấp cao.

Còn xét từ góc độ Triều Tiên, phát triển vũ khí hạt nhân mang một mục đích quan trọng: Buộc Mỹ phải đối xử bình đẳng với Triều Tiên, cùng ngồi bàn đàm phán tiến hành thương lượng; sau đó cải thiện quan hệ song phương trong bối cảnh tồn tại vũ khí hạt nhân và thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Washington.

RELATED ARTICLES

Tin mới