Friday, November 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLào xây thủy điện, sông Mê Kông tiếp tục bị bóp nghẹt

Lào xây thủy điện, sông Mê Kông tiếp tục bị bóp nghẹt

Lại thêm một con đập được lên kế hoạch xây dựng trên sông Mê Kông, có thể làm trầm trọng thêm tác động tiêu cực từ các con đập ở thượng nguồn.

Lào đang ráo riết chuẩn bị xây thêm đập Pak Beng trên sông Mê Kông đoạn chảy qua tỉnh Oudomxay, bất chấp cảnh báo về tác hại gia tăng lên vùng hạ lưu, nhất là khu vực ĐBSCL. Tuần rồi, Ủy hội Sông Mê Kông (MRC) tổ chức cuộc họp tại Vientiane và thông báo bắt đầu quy trình tiền tham vấn 6 tháng đối với dự án Pak Beng, vốn được Lào chính thức trình lên Ban Thư ký MRC vào 2 tháng trước.

Đáng nói là trong cuộc họp, ủy hội thống nhất lấy ngày 20.12.2016 làm ngày chính thức bắt đầu quy trình. Điều này rất “ngược ngạo” vì có nghĩa là việc tiền tham vấn đã tiến hành được gần một tháng, MRC mới tổ chức họp và công bố rộng rãi. Hơn nữa, các chuyên gia cho rằng quy trình này nên bắt đầu sau khi có báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, vốn đến nay vẫn chưa thấy đâu.

Tác hại nặng nề

Theo dự án, đập Pak Beng được thiết kế nằm trên dòng chính sông Mê Kông thuộc vùng rừng núi phía bắc Lào và có tổng công suất 912 megawatt, với khả năng xả nước gần 6 triệu m3/giây. Theo chuyên san The Diplomat, người dân khu vực này sống chủ yếu nhờ vào canh tác ven sông, đánh bắt cá và nuôi gia cầm. Dự kiến, quá trình giải tỏa sẽ khiến hàng ngàn người phải rời nơi ở, chưa kể tác động đến hàng chục triệu người ở hạ lưu.

Trả lời phỏng vấn Thanh Niên, bà Maureen Harris, Giám đốc chương trình Đông Nam Á của Tổ chức Sông ngòi quốc tế (International Rivers), cảnh báo đập Pak Beng sẽ có ảnh hưởng lớn đến vùng hạ lưu ở Lào, Thái Lan và Campuchia nhưng khu vực ĐBSCL của Việt Nam sẽ chịu tác động nặng nhất. “Ngoài tình trạng ngăn cản sự di cư của các loài thủy sản, dự án sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ĐBSCL như thay đổi dòng chảy và chu kỳ lũ cũng như giảm lượng phù sa và năng suất nông nghiệp”, bà nói và khẳng định thêm: “Phải khẩn cấp dừng xây thêm đập và tạm ngưng các dự án đang xây dựng để nghiên cứu thêm về tác động xuyên biên giới và dài hạn của chúng”.

Tổ chức Sông ngòi quốc tế cũng đã ra thông cáo bày tỏ thất vọng sau cuộc họp mới nhất của MRC và cho rằng quyết định bắt đầu quy trình tiền tham vấn đối với dự án Pak Beng là quá nóng vội, thậm chí “vô trách nhiệm”. “Tài liệu liên quan đến dự án còn chưa được công bố trong khi quy trình đã bắt đầu nhiều tuần lễ. Thông tin liên quan đến dự án cần phải minh bạch hơn”, thông cáo viết.

Ngoài ra, một số nguồn tin tiết lộ dự án không nhằm cung cấp điện cho Lào mà phần lớn sản lượng sẽ được Tập đoàn Electricity Generating Holding Public của Thái Lan liên doanh với đối tác Trung Quốc mua.

Sông Mê Kông tiếp tục bị bóp nghẹt - ảnh 1

20 tổ chức đại diện người dân địa phương Thái Lan ra tuyên bố phản đối việc nắn dòng Mê Kông đoạn giữa Thái Lan và Lào tại tỉnh Chiang Rai.

Méo mó dòng chảy

Bên cạnh đó, tờ Cambodia Daily ngày 17.1 dẫn nghiên cứu mới nhất của Đại học Aalto (Phần Lan) cho thấy hệ thống 6 đập do Trung Quốc xây dựng trên thượng nguồn Mê Kông đã ảnh hưởng đáng kể đến mực nước sông trong những năm qua. Theo thành viên nhóm nghiên cứu Timo Rasanen, mực nước dâng cao trong mùa khô và giảm trong mùa mưa một cách bất thường tại nhiều nơi do ảnh hưởng của các con đập. Theo kết quả khảo sát, dòng chảy bắt đầu bị ảnh hưởng lớn từ năm 2014 sau khi Trung Quốc xây xong đập Nọa Trát Độ, hiện là con đập lớn nhất trên sông Mê Kông. Số liệu từ Ủy ban Quốc gia về các đập lớn của Trung Quốc cho thấy Nọa Trác Độ là đập thủy điện lớn nhất tại tỉnh Vân Nam và lớn thứ tư Trung Quốc với chiều cao 261,5 m.

Các chuyên gia Phần Lan cho rằng con đập đã biến đổi chu kỳ lũ, vốn là nguồn cung cấp chính cho hệ sinh thái lưu vực sông. “Dòng chảy thay đổi đã ảnh hưởng hệ sinh thái, cuộc sống của người dân, nền kinh tế và an ninh lương thực ở hạ lưu, nhất là tác động đến nguồn thủy sản”, ông Rasanen nói với Cambodia Daily. Chuyên gia này kêu gọi hợp tác xuyên biên giới nhằm có đánh giá tổng hợp để hạn chế tác hại của các con đập.

Giám đốc Harris của Tổ chức Sông ngòi quốc tế thì nhận định với Thanh Niên rằng các đập của Trung Quốc thường xả nước không báo trước, gây ảnh hưởng đến nông nghiệp cũng như hoạt động đánh bắt thủy sản. “Trung Quốc luôn tránh tham gia các diễn đàn đa phương. Có một ít thông tin được chia sẻ gần đây nhưng vẫn chưa đầy đủ”, bà cho hay.

Về vấn đề tăng cường minh bạch trong hoạt động của các con đập, tờ Cambodia Daily dẫn lời ông Phạm Tuấn Phan, Giám đốc điều hành của Ban Thư ký MRC, cho biết cơ quan này “đang cố gắng cải thiện quan hệ với Trung Quốc về việc chia sẻ thông tin và dòng chảy”.

Ủy hội Sông Mississippi chia sẻ kinh nghiệm

Theo Ủy hội Sông Mê Kông (MRC), đoàn đại biểu cấp cao từ Ủy hội Sông Mississippi (Mỹ) do Chủ tịch Michael Wehr dẫn đầu đang thăm MRC và Ủy ban Sông Mê Kông ở các nước Lào, Thái Lan và Việt Nam từ ngày 16 – 22.1. Đoàn sẽ chia sẻ kinh nghiệm quản lý sông dựa theo bản ghi nhớ đã ký kết vào năm 2010. Hai bên cũng đồng ý tăng cường nghiên cứu, cải thiện nguồn nước nhằm đảm bảo quản lý tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường vì an toàn và lợi ích của cộng đồng.

RELATED ARTICLES

Tin mới