Monday, January 6, 2025
Trang chủĐiểm tinNội bộ của ông Trump mâu thuẫn vì TQ

Nội bộ của ông Trump mâu thuẫn vì TQ

Đội ngũ của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cố gắng tìm tiếng nói chung để đề ra chính sách rắn với Trung Quốc sau khi bộc lộ những tín hiệu mâu thuẫn.

Rex Tillerson, người được ông Trump chỉ định vào ghế Ngoại trưởng, tại phiên
điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hôm 11/1. Ảnh: Reuters

Giọng điệu cứng rắn đối với Trung Quốc mà chính quyền Mỹ tương lai phát đi đã dọn đường cho các cuộc đối đầu trên mọi lĩnh vực, từ an ninh đến thương mại hay không gian mạng, song những tín hiệu mâu thuẫn trong đội ngũ nhân sự dưới quyền Donald Trump đang cho thấy bộ máy của ông Trump chưa thực sự sẵn sàng đối đầu với Bắc Kinh, theo Reuters.

Nhấn mạnh đến vấn đề tranh chấp Biển Đông như một điểm bùng nổ xung đột tiềm tàng, Rex Tillerson, người được ông Trump chỉ định vào ghế Ngoại trưởng Mỹ, đã tung ra đòn thách thức nặng ký với Bắc Kinh thông qua lời kêu gọi ngăn cản Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp trái phép ở Biển Đông tại phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hôm 11/1.

Tuy nhiên, một cố vấn trong ban chuyển giao quyền lực của Trump cho biết Tillerson không có ý nói rằng chính quyền mới sẽ sử dụng hải quân để ngăn chặn Trung Quốc lên các đảo nhân tạo ở Biển Đông, một động thái có thể gây rủi ro đối đầu vũ trang với Trung Quốc, điều mà chính quyền mới không mong muốn.

Một quan chức khác được ủy quyền phát biểu thay mặt ban chuyển giao quyền lực lại cho rằng Tillerson chỉ “lỡ lời” khi nói Trung Quốc phải bị cấm lên các đảo nhân tạo.

Củng cố sức mạnh hải quân

Dù xuất hiện những tín hiệu mâu thuẫn về chính sách đối với Trung Quốc, đội ngũ của Trump dường như đang xúc tiến kế hoạch củng cố sức mạnh hải quân ở Đông Á nhằm ngăn chặn Bắc Kinh trỗi dây, giới quan sát nhận định.

Một cố vấn trong ban chuyển giao quyền lực xác nhận các chi tiết trong kế hoạch đang được xem xét, ví dụ như đưa thêm một tàu sân bay đến trú đóng tại khu vực, triển khai thêm nhiều tàu khu trục, tàu ngầm tấn công và các hệ thống phòng thủ tên lửa, mở rộng hoặc mở thêm căn cứ quân sự mới ở Nhật Bản hoặc Australia.

Đội ngũ bên cạnh Tổng thống Trump cũng cân nhắc lắp đặt “vũ khí tấn công tầm xa” ở Hàn Quốc, sát biên giới Triều Tiên, nước láng giềng của Trung Quốc đang theo đuổi tham vọng hạt nhân.

Ông Trump đã cam kết tăng số lượng tàu hải quân Mỹ lên 350 chiếc nhưng ban chuyển giao quyền lực không nói rõ ông sẽ huy động nguồn tài chính phục vụ kế hoạch trên bằng cách nào trong bối cảnh nhiều kế hoạch chi tiêu lớn khác vẫn đang trong trạng thái chờ.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết không hiểu được ý Tillerson muốn nói đằng sau lời phát biểu hôm 11/1. Tuy nhiên, Global Times, một phụ san của tờ People’s Daily, cơ quan ngôn luận đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm 13/1 cảnh báo Mỹ sẽ buộc phải “phát động chiến tranh” nếu muốn ngăn Trung Quốc lên các đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Tướng thủy quân lục chiến về hưu James Mattis, người vừa được ông Trump bổ nhiệm vào ghế Bộ trưởng Quốc phòng, không tán thành thông điệp ông Tillerson đưa ra liên quan đến vấn đề Biển Đông vì nó dường như đi ngược lại cam kết lâu nay Washington theo đuổi về việc bảo đảm tự do hàng hải cho tất cả các nước.

Khi được hỏi về các phát biểu của ông Trump ở phiên điều trần phê chuẩn chức vụ cho Tillerson, Mattis nói các động thái Trung Quốc thực hiện ở Biển Đông là một phần trong nỗ lực tấn công vào trật tự thế giới. Nhưng ông cho rằng các Bộ Ngoại giao, Quốc phòng và Tài chính Mỹ cần phối hợp chính sách để “không ứng phó (Trung Quốc) bằng một chiến lược rời rạc và không hoàn hảo”.

Những thông điệp đối chọi nhau là dấu hiệu cho thấy chính quyền Mỹ tương lai đang đấu tranh nội bộ để đề ra cách tiếp một trong những thách thức ngoại giao lớn nhất ông Trump phải đương đầu: Trung Quốc.

Ông Trump liên tục chỉ trích Trung Quốc trong quá trình vận động tranh cử, cáo buộc Trung Quốc “đang giết chết” hay “cưỡng bức” thương mại Mỹ.

Nguy cơ trả đũa

Một cựu quan chức Mỹ giấu tên, người cố vấn không chính thức cho ban chuyển giao quyền lực của Trump, nhận xét các rủi ro khi Mỹ gây sức ép lên Trung Quốc về thương mại hay quân sự chưa được tính toán kỹ. 

“Chúng ta không nên đánh giá thấp mức độ Trung Quốc sẵn sàng trả đũa tương ứng”, ông này nói.

Như một phần trong nỗ lực bảo vệ việc làm ở Mỹ, ông Trump từng tố Trung Quốc thao túng tiền tệ dù theo các nhà kinh tế, Bắc Kinh thực chất đang tìm cách tăng giá chứ không phải làm yếu đồng nhân dân tệ như trước để đẩy mạnh xuất khẩu.

Ông Trump cũng đe dọa áp đặt mức thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc, một động thái có thể khơi mào chiến tranh thương mại và gây tổn thương cho nền kinh tế cả hai nước lẫn trên phạm vi toàn cầu.

Đến nay, ông Trump vẫn chưa chính thức chỉ định thành viên cao cấp Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) phụ trách khu vực châu Á. Điều này khiến giới phân tích nghi ngờ liệu chính quyền mới có đủ nhân sự với kinh nghiệm và kiến thức sâu rộng về châu Á để biến các tuyên bố về chính sách ngoại giao mạnh mẽ cho châu Á thành hành động cụ thể hay không. 

Song Trump đã chỉ định hai người chỉ trích Trung Quốc gay gắt vào đội ngũ phụ trách thương mại của ông, gồm: học giả Peter Navarro, tác giả cuốn sách tựa đề “Chết bởi Trung Quốc” (Death by China), và Robert Lighthizer, một quan chức dưới thời tổng thống Ronald Reagan.

Navarro được bổ nhiệm vào ghế Giám đốc Hội đồng Thương mại Quốc gia Nhà Trắng, trong khi, Lighthizer sẽ trở thành Đại diện Thương mại Mỹ.

Hòa bình thông qua sức mạnh

Các cố vấn cho Trump bác bỏ những mối lo ngại rằng cách tiếp cận của họ có thể gây rủi ro hoặc phản tác dụng. Theo họ, lập trường “hòa bình thông qua sức mạnh” sẽ tạo ra động lực thực chất đằng sau chính sách Mỹ duy trì ở châu Á qua nhiều thập kỷ.

“Một khi bắt đầu điều chỉnh cán cân quân sự, tôi nghĩ ta sẽ nhận được nhiều đề nghị hợp tác hơn”, cố vấn cho Trump nói.

Tổng thống Mỹ và các thành viên nội các mới được bổ nhiệm đã cam kết gia tăng sức ép lên Trung Quốc, qua đó gián tiếp kiểm soát các chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên, bao gồm đưa ra khả năng áp đặt lớp trừng phạt thứ hai đối với các công ty và tổ chức Trung Quốc bị phát hiện vi phạm các lệnh trừng phạt Triều Tiên.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, Trung Quốc sẽ không sẵn sàng hợp tác nếu nhận thấy Mỹ đang gây sức ép về các vấn đề khác, chẳng hạn việc Washington gây áp lực buộc Bắc Kinh phải kiềm chế hoạt động tấn công mạng nhằm vào các công ty, tổ chức Mỹ.

Phản ứng chính thức của Trung Quốc trước các công kích gần đây từ Mỹ đến nay chỉ ở mức độ chừng mực vì có lẽ Bắc Kinh đang đợi xem ông Trump sẽ hành động như thế nào khi lên nắm quyền, bình luận viên David Brunnstrom và Matt Spetalnick từ Reuters đánh giá.

“Chúng ta đã chứng kiến nhiều thông điệp trái ngược từ những người bên trong chính quyền tương lai của ông ấy”, Tu Xinquan, chuyên gia về thương mại thuộc Đại học Thương mại và Kinh tế ở Bắc Kinh, nhận xét.

Các nhà phân tích cũng cho rằng việc đối đầu với Bắc Kinh ở những vấn đề nóng mang tính chủ nghĩa dân tộc như vấn đề Đài Loan hay Biển Đông có thể khơi mào các phản ứng mạnh mẽ, đặc biệt trong năm nay khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang tìm cách siết chặt quyền lực trước thềm đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc được tổ chức 5 năm một lần.

Zha Daojiong, giáo sư Đại học Bắc Kinh, nhận định chủ đề xung đột giữa các nền văn minh đang ngày càng được chú ý ở các đoàn thể Trung Quốc và đây là điềm báo xấu.

“Đây hoàn toàn không phải điềm báo tốt… và điều này có nghĩa những tiếng trống liên tục thúc giục chiến tranh từ phía Mỹ về vấn đề Biển Đông sẽ không giúp ích chút nào”, Zha bình luận.

RELATED ARTICLES

Tin mới