Tuesday, November 19, 2024
Trang chủĐàm luậnMỹ tuyên bố bảo vệ “các khu vực quốc tế” trên Biển...

Mỹ tuyên bố bảo vệ “các khu vực quốc tế” trên Biển Đông

“Washington không cần các động thái quân sự lớn ở biển Đông để đối phó với những hành vi lấn lướt của Trung Quốc”. Đó là tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis, hôm 4-2.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản, ông Mattis nhấn mạnh mục tiêu hiện tại của Mỹ là ngoại giao. Ông nói: “Vào thời điểm này, các động thái về quân sự gia tăng đáng kể là điều không cần thiết”.

Còn ngoại trưởng Mỹ, ông Rex Tillerson thì cho rằng, Trung Quốc không được phép tiếp cận những hòn đảo nước này bồi đắp trái phép trên biển Đông. Mỹ sẽ kiên quyết bảo vệ “các khu vực quốc tế” tại vùng biển chiến lược”.

Hiện tại, chưa rõ Mỹ sẽ thực hiện mục tiêu nêu trên bằng cách nào. Theo các chuyên gia quân sự, phát biểu của ông Tillerson thống nhất với các tuyên bố từ Nhà Trắng, báo hiệu khả năng đẩy mạnh hoạt động quân sự, thậm chí phong tỏa biển Đông của Washington. Những động thái trên có nguy cơ gây ra một cuộc đụng độ vũ trang với Trung Quốc.

Tuy nhiên, phát biểu của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mattis cho thấy các hoạt động quân sự lớn vẫn chưa được quyết định. Ông này nói: “Điều chúng tôi cần phải làm là tận dụng tối đa mọi nỗ lực, đặc biệt là ngoại giao, để cố gắng giải quyết vấn đề một cách thích hợp, duy trì sự kết nối giữa các bên”. Điều này ông Mattis khẳng định trong phát biểu mới nhất về biển Đông. Theo ông, “lập trường quân sự của Mỹ sẽ là củng cố ngoại giao. Thời điểm hiện tại vẫn chưa cần thiết để tiến hành diễn tập quân sự, hoặc những động thái tương tự”.

Lời lẽ tuy uyển chuyển, nhưngông Mattis cũng chỉ trích gay gắt các hoạt động trái phép của Trung Quốc tại biển Đông. Rằng: “Bắc Kinh đã phá vỡ sự tin tưởng của các nước trong khu vực. Rõ ràng nước này đang cố gắng phủ nhận toàn bộ những nỗ lực ngoại giao, an ninh và kinh tế của các quốc gia láng giềng”.

Đến hiện tại thấy rằng, từ Tân Tổng thống Donald Trump, Ngoại trưởng Rex Tillerson, Bộ trưởng Quốc phòng Mattis, đến Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer đều rất cứng rắn với Trung Quốc. Có điều chưa rõ ông D.Trump sẽ chuẩn bị ra đòn ra sao?

Theo tờ The New York Times dẫn nguồn “chuyên gia hải quân Mỹ giấu tên cho rằng, phong tỏa Trung Quốc ở Biển Đông là hành động tương đương với chiến tranh”. Song khả năng này không phải hoàn toàn là lựa chọn tốt nhất, mà chỉ là chiến thuật gây hoang mang cho Trung Quốc. 

Giới truyền thông Mỹ đang tìm cách thổi phồng nỗi sợ chiến tranh, một phần vì muốn thu hút người đọc để tăng doanh thu. Nỗi sợ hãi chiến tranh trong chính trị Hoa Kỳ có thể biến thành các áp lực chính trị từ dư luận buộc chính quyền phải nhượng bộ trong các tranh chấp quốc tế với một đối thủ “độc đoán chuyên nghiệp” như ông D. Trump.

Phía Trung Quốc, vẫn chiến lược “bình tĩnh chờ đợi, quyết không đi đầu”, ông Đằng Kiến Quần, Viện trưởng Viện Nghiên cứu các vấn đề Hoa Kỳ thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc tuyên bố chắc nịch: “Mỹ không thể phái chiến hạm phong tỏa đảo nhân tạo. Như thế là tuyên chiến”. Ông này nói, Bắc Kinh và Washington sẽ tìm được khả năng thỏa hiệp ở Biển Đông.

Còn ông Tôn Vận, một nghiên cứu viên người Trung Quốc tại Dự án Đông Á của Trung tâm Stimson, Hoa Kỳ băn khoăn: “Hãy đặt giả thiết, nếu thực sự Mỹ cho Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương bao vây phong tỏa Trung Quốc, hoặc ngăn chặn chiến hạm và chiến đấu cơ Trung Quốc tiếp cận khu vực này, hoặc đổ bộ lên đảo nhân tạo, thì sẽ là hành động đối đầu vô cùng. Nhưng Mỹ có muốn làm như vậy không? Trung Quốc thật sự đau đầu vì câu hỏi này”.

“Trong khi vẫn chưa rõ chính quyền Donald Trump có thực hiện những gì họ nói, bình luận của Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer đe dọa nghiêm trọng đến quan hệ Trung-Mỹ” – Chu Phong, một chuyên gia về Biển Đông tại Đại học Nam Kinh cho biết.

Nhiều năm qua Mỹ đã liên tục cảnh báo và chống lại các hành động bồi lấp đảo nhân tạo trái phép, quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc. Hiện D.Trump có ý tưởng gia tăng áp lực quân sự ngăn chặn Trung Quốc là điều không có gì bất ngờ, không có gì là “chuyện lạ”! Rõ ràng, vai trò “cảnh sát tốt bụng” của Cựu Tổng thống Obama đã không hiệu quả. Khu vực Biển Đông cần một “cảnh sát trưởng mới”. Chần chừ, nhu nhược khi đối mặt với thủ đoạn “tằm ăn dâu” của người Tàu, sẽ đẩy Mỹ vào trạng thái ngày càng rắc rối ở Biển Đông.

Dư luận thế giới và các nước trong khu vực không lạ gì chuyện này. Nhưng các nhà ngoại giao Philippines, Việt Nam, Indonesia, hay Malaysia, Brunei… nhiều lúc phải im lặng, vì họ sợ vấp phải bức tường đá: những phản ứng bất lợi từ con hổ bành trướng Trung Quốc!

RELATED ARTICLES

Tin mới