Tuesday, November 19, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnVì sao giờ là lúc Trump cần thực hiện tuyên bố khi...

Vì sao giờ là lúc Trump cần thực hiện tuyên bố khi tranh cử về Kim Jong Un?

Trong thông điệp năm mới hôm 1/1, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố đầy tự hào về những thành tựu nước này đạt được trong công nghệ vũ khí hạt nhân và tên lửa

Ông Kim nói sẽ tiếp tục các chương trình này chừng nào Mỹ còn giữ thái độ thù địch với Bình Nhưỡng hay tiếp diễn các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc.

Trong phần hé lộ quan trọng nhất, Kim Jong Un nói: “Chúng ta đã tiến đến giai đoạn cuối cùng để chuẩn bị phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).”

Đáp lại, ông Donald Trump – khi đó là Tổng thống đắc cử của Mỹ – viết trên Twitter: “Triều Tiên vừa tuyên bố họ đã bước vào giai đoạn cuối phát triển vũ khí hạt nhân có để bắn tới lãnh thổ Mỹ. Điều đó sẽ không xảy ra!”

Triều Tiên không đưa thêm thông tin nào về lộ trình thử nghiệm tên lửa, cho đến khi bất ngờ tuyên bố thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo tầm trung đất đối đất Pukguksong-2, một loại tên lửa mới, hôm 12/2, 4 ngày trước lễ kỷ niệm 75 năm ngày sinh cố lãnh đạo Kim Jong Il.

Cho đến nay, các biện pháp cấm vận từ Hội đồng bảo an Liên hợp quốc – dù được Trung Quốc và Nga thừa nhận – vẫn không thể ngăn Triều Tiên đẩy nhanh tiến độ chương trình vũ khí.

Jerome Cohen, giáo sư luật tại đại học New York, Mỹ và Edward J. Baker, cố vấn đặc biệt của Viện nghiên cứu Hàn Quốc thuộc Đại học Harvard, Mỹ, cho rằng các lệnh trừng phạt có thể mạnh mẽ hơn và nếu được chấp hành nghiêm túc, đặc biệt bởi Trung Quốc, thì có thể ngăn chặn được các bước tiến xa hơn của Triều Tiên.

Tuy nhiên, theo hai ông, Bắc Kinh chắc chắn không muốn áp đặt lệnh trừng phạt đủ mạnh để ngăn chặn chương trình hạt nhân Triều Tiên phát triển, bởi họ tin rằng dồn ép Bình Nhưỡng có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng ở bán đảo liên Triều.

Lập trường của chính phủ Trung Quốc vẫn là dàn xếp một thỏa thuận hạt nhân thông qua các vòng đàm phán 6 bên có sự tham gia của Mỹ và Triều Tiên.

Ngoài ra, Trump gây khó hiểu khi nói “Điều đó (việc chương trình hạt nhân Triều Tiên đi đến thành công-PV) sẽ không xảy ra”. SCMP đặt câu hỏi liệu ông có thể thuyết phục Bắc Kinh gây thêm sức ép lên Bình Nhưỡng?

Ngay cả khi tuyên bố này không cho thấy dự định của Trump, rằng ông sẽ ngăn chặn một cuộc thử nghiệm ICBM bằng vũ lực, thì giới chức ở Washington cũng sẽ thúc giục một cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào các cơ sở hạt nhân và tên lửa Triều Tiên nếu như tình báo Mỹ tin rằng Bình Nhưỡng đã phát triển thành công loại tên lửa này. Áp lực từ Quốc hội Mỹ cũng sẽ tăng lên.

Cohen và Baker cho rằng khó dự đoán một cuộc đột kích như vậy có thể thành công hay không, nhưng nếu Mỹ khởi động, hoặc chỉ là có dấu hiệu phát động một đợt tấn công như thế, Triều Tiên có thể trả đũa ngay Hàn Quốc với hàng trăm ống phóng nhằm vào Seoul.

Nếu kịch bản trên xảy ra, tình trạng khủng hoảng sẽ bùng phát trên bán đảo liên Triều và cả vùng Đông Bắc Trung Quốc. Thậm chí, một cuộc xung đột quy mô lớn có thể nổ ra giữa Mỹ và Trung Quốc.

Không lâu trước khi rời nhiệm sở, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ dưới thời Tổng thống Obama, ông Ashton Carter hé lộ rằng Mỹ có thể bắn hạ bất kỳ tên lửa đạn đạo thử nghiệm nào. Các học giả Cohen và Baker nhận xét sự thành công của một nhiệm vụ nhiều thách thức về mặt công nghệ như vậy là rất khó đảm bảo, đi kèm rủi ro Bình Nhưỡng đáp trả theo kịch bản kể trên.

Vì sao giờ là lúc Trump cần thực hiện tuyên bố khi tranh cử về Kim Jong Un? - Ảnh 1.

Hình ảnh vụ thử tên lửa Pukguksong-2 được hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA công bố hôm 13/2

Hiệp định hòa bình trên bán đảo Triều Tiên là phương án tối ưu

Hồi tháng 6/2016, Trump tuyên bố trong chiến dịch tranh cử rằng ông “sẽ chào đón Kim Jong Un đến Mỹ đàm phán”.

Nhưng hiện tại, Mỹ và Hàn Quốc đang xúc tiến triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ Hàn như một biện pháp đối phó Triều Tiên. Dù Lầu Năm Góc khẳng định THAAD chỉ nhằm vào Triều Tiên, Bắc Kinh vẫn phản đối mạnh mẽ với cáo buộc hệ thống này đe dọa an ninh Trung Quốc.

Các học giả Mỹ đánh giá việc triển khai THAAD khiến chính phủ Trung Quốc không hài lòng, nhưng đồng thời không ngăn được Triều Tiên tiếp tục phát triển hạt nhân và ICBM. Dù vậy, tân Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis và đồng cấp Hàn Quốc vẫn nhất trí hoàn thành việc bố trí lá chắn tên lửa vào cuối năm nay.

Cohen và Baker kiến nghị Mỹ tham gia các cuộc thương lượng với Triều Tiên để tiến tới hiệp định hòa bình, chính thức khép lại Chiến tranh Triều Tiên, là một lựa chọn xứng đáng.

“Chúng tôi thúc giục tổ chức các cuộc đàm phán (như Trump đã nói) và tập trung vào giải quyết hòa bình toàn diện,” Cohen và Baker viết.

Đến nay, Bình Nhưỡng từ chối thảo luận với Mỹ theo điều kiện của Washington là Triều Tiên phải từ bỏ vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua nước này vẫn chủ trương đàm phán hòa bình và sẵn sàng đón nhận một cách vô điều kiện các cuộc thương lượng mang tính “thăm dò”.

Phương án khả dĩ duy nhất để đem lại một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân là điều này phải trở thành một điều khoản trong hiệp định hòa bình – hai tác giả chỉ ra.

Xét trên lịch sử đối đầu giữa Mỹ và Triều Tiên, các cuộc đàm phán mang đến kết quả như vậy là vô cùng khó khăn.

Ngay cả khi trao đổi thất bại, Washington và Bình Nhưỡng cũng không rơi vào tình trạng tồi tệ hơn lúc này. Nhưng nếu thành công, hiệp định hòa bình sẽ đẩy lùi viễn cảnh cuộc chiến thảm họa dẫn đến hủy diệt hàng loạt ở Đông Bắc Á, đem lại lợi ích cho cả khu vực và thế giới.

“Trong những năm trở lại đây, Mỹ đã đạt nhiều tiến triển trong bình thường hóa quan hệ với Cuba, Iran hay Myanmar… Tổng thống Trump có thể làm điều tương tự đối với Triều Tiên, khu vực có vấn đề cấp bách hơn nhiều. Sau hơn 6 thập kỷ, giờ là thời điểm cho hướng tiếp cận mới,” Cohen và Baker kết luận.

RELATED ARTICLES

Tin mới