Tuesday, January 7, 2025
Trang chủĐiểm tinCả quân đội TQ rầm rộ lao vào cuộc kén vợ "tuyệt...

Cả quân đội TQ rầm rộ lao vào cuộc kén vợ “tuyệt mật” cho con trai Lâm Bưu như thế nào?

Diệp Quần, vợ Lâm Bưu, đã huy động lực lượng lớn các đơn vị quân đội để phục vụ cuộc thi kén vợ “tuyệt mật” cho con trai.

Gia đình Lâm Bưu (Ảnh tư liệu Trung Quốc)

Lâm Bưu từng là nhân vật số 2 trong đảng Cộng sản Trung Quốc, sau lãnh tụ Mao Trạch Đông, trong thời kỳ Đại cách mạng văn hóa (1966 – 1976). Nhưng một sự kiện được coi là “tuyệt mật” mà ít người biết tới là vợ chồng Lâm Bưu kén vợ cho Lâm Lập Quả.

Vừa qua ở Trung Quốc xuất bản cuốn “Một số sự kiện bí ẩn về Lâm Lập Quả” của tác giả Trương Tân Ôn, trong đó viết về sự kiện vợ chồng Lâm Bưu kén vợ cho con Lâm Lập Quả như thế nào.

Ban tuyển chọn

Tết Âm lịch năm Đinh Mùi – 1967, lãnh đạo ba cơ quan Bộ tổng, Tư lệnh các quân binh chủng và Tư lệnh các Đại quân khu tới chúc tết Phó Chủ tịch Lâm Bưu.

Tối mùng 1 tết (9/2/1967), Diệp Quần – vợ Lâm Bưu – thay mặt mở tiệc chiêu đãi các tướng lĩnh và phu nhân.

Sau ba tuần nâng cốc, Diệp Quần bày tỏ rằng mong muốn nhờ các vị khách giúp đỡ, “chọn vợ” cho con trai bà là Lâm Lập Quả.

“Ông nhà tôi là thủ trưởng có thân phận đặc biệt nên không thể trực tiếp ra mặt làm việc này mà phải nhờ tới các vị giúp đỡ kén vợ cho cháu.”, Diệp nói.

Tất cả mọi người đều nhao nhao lên tiếng khẳng định nhất đây là việc hệ trọng nên sẽ chung tay giúp đỡ. Sau đó Diệp Quần và các vị khách đều nhất trí phải thành lập “Ban tuyển chọn cô dâu” cho gia đình Lâm Bưu.

Mấy ngày sau, các đơn vị của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đều thành lập “Ban tuyển chọn” và nhận được công văn có đóng dấu “Tuyệt mật” của Văn phòng Quân ủy trung ương đưa tới. 

Văn bản “Tuyệt mật” này chính là 12 tiêu chuẩn chọn vợ cho Lâm Lập Quả mà Diệp Quần soạn thảo. 12 tiêu chuẩn này bao gồm một số tiêu chí về tuổi tác, nhan sắc, chính trị.

Kể từ đó công tác tuyển chọn được tiến hành trên phạm vi cả nước và kéo dài trong ba năm rưỡi mới hoàn thành.

Quân ủy trung ương Trung Quốc sau còn gửi “Giấy giới thiệu” đi các địa phương và các đơn vị với danh nghĩa: “Tuyển chọn các nữ quân nhân chiêu đãi viên cho các cơ quan quân đội”, “Lựa chọn thiếu nữ vào các đoàn văn công quân đội” hoặc “Lựa chọn các nữ thư ký cho các cơ quan” …

Hành trình tuyển chọn

Trong số các đơn vị và quân binh chủng thì Không quân Trung Quốc thời kỳ đó do, Ngô Pháp Hiến, thân tín của Lâm Bưu, làm Tư lệnh là lực lượng “hăng hái” nhất.

“Ban tuyển chọn” của quân chủng này bao gồm hơn 100 thành viên, được cử đi tới tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước kể cả lên Tân Cương, Tây Tạng với quán triệt “việc lựa chọn con dâu cho Lâm Bưu là một nhiệm vụ chính trị quan trọng và phải trung thành vô hạn với Tư lệnh”.

Bên cạnh đó, cán bộ trong Cục chính trị không quân Tập Trứ Hiển được cử làm Trưởng ban yêu cầu các thành viên “Phải lập danh sách tất cả các nữ thành niên trong độ tuổi này ở Thượng Hải, không để sót người nào”.

Sau đó Ban tuyển chọn lên danh sách dài tới hơn 10.000 người nằm trong diện tuyển chọn, tiếp đó đưa về sàng lọc còn lại hơn 200 người.

Hoàng Vĩnh Thắng, một trong số “khai quốc công thần” Trung Quốc được phong hàm thượng tướng, khi ấy giữ chức Tổng tham mưu trưởng PLA, cũng rất hăng hái, ủy nhiệm cho vợ là Hạng Huy Phương thành lập Ban tuyển chọn.

Dù bà Hạng là người giàu kinh nghiệm và sành sỏi trong lựa chọn người, nhưng cũng phải thốt lên: “Chọn được người theo 12 tiêu chuẩn còn khó hơn cả bắc thang lên trời!”

Vợ chồng Chủ nhiệm Tổng cục hậu cần PLA Khưu Hội Tác do mang ơn Lâm nên cũng tích cực cử người đi tuyển chọn khắp khu vực trong và ngoài ngành mà các cơ quan hậu cần quân đội đóng quân.

Lâm Bưu tuy không nắm rõ về các chi tiết của chương trình rầm rộ, nhưng bản thân biết rõ Diệp Quần đang kén vợ cho con như thế nào.

Tuy vậy, một điều bất ngờ là Lâm cũng lật hồ sơ, nhất là ảnh chụp các cô gái trong danh sách tuyển chọn để xem xét, thậm chí cũng ngồi sau hậu trường theo dõi công tác tuyển chọn, có lúc Lâm cũng hỏi chuyện trực tiếp với một số “ứng viên”.

Bản thân Lâm Lập Quả cũng rất hứng thú, tự xem ảnh và gặp gỡ riêng với hơn 110 “ứng viên”, sau cùng chọn ra 12 hồ sơ cho là đủ tiêu chuẩn để đưa về Ban tuyển chọn xem xét.

Cái kết bất ngờ

Theo phân tích, sở dĩ Diệp Quần dấy lên cuộc tuyển chọn kén vợ cho con rầm rộ như vậy nhằm hai mục đích.

Một là, để đánh giá xem sự trung thành của cấp dưới đối với Lâm Bưu như thế nào. Hai là, nếu sau này Lâm Lập Quả kế tục sự nghiệp thì Diệp Quần có điều kiện để chỉ đạo, kiểm soát con trai và con dâu.

Bởi vậy, Diệp ra mặt chỉ đạo cho tất cả cơ quan ba bộ tổng, các quân binh chủng và các quân khu Trung Quốc.

Vợ Lâm Bưu từng chỉ thị cho Ngô Pháp Hiến rằng, bất kỳ hội nghị nào đông người tổ chức họp ở Bắc Kinh, thì cũng phải cử người tới xem xét và tuyển chọn.

Bản thân Diệp nhiều lần cải trang bí mật tham gia các cuộc tuyển chọn để đánh giá tình hình thực tế.

Chi phí cho cuộc tuyển chọn này cũng rất tốn kém. Việc đi lại của các nhân viên tuyển chọn bằng tất cả các phương tiện đều được miễn phí. Chỉ tính chi phí vé máy bay và tàu hỏa tới các tỉnh do không quân đài thọ đã lên tới trên 22.000 nhân dân tệ, số tiền này khi đó là khoản rất lớn.

Khi bị phàn nàn về việc chi phí tốn kém, Diệp Quần nổi giận gọi điện thoại cho Ngô Pháp Hiến nói sẽ trả cho Ngô hơn 6.000 nhân dân tệ. Vụ việc đã khiến Ngô vô cùng sợ hãi.

Sau 3 năm rưỡi, cuối cùng Ban tuyển chọn cũng lựa chọn được một người ưng ý và đáp ứng được tương đối đầy đủ theo 12 tiêu chuẩn. Đó là Trương Ninh, do vợ chồng Khưu Hội Tác giới thiệu.

Trương Ninh là diễn viên của Đoàn văn công Đại quân khu Nam Kinh, khi đó Trương Ninh đã có người yêu sắp kết hôn nhưng vẫn bị ép bỏ.

Sau khi “trúng tuyển”, Trương Ninh có quyết định điều chuyển về Bắc Kinh với danh nghĩa lên công tác trong Đoàn văn công. Tháng 5/1970 gia đình Lâm Bưu làm lễ cưới cho Lâm Lập Quả.

Ngay sau đó thì xảy ra sự kiện cha con Lâm Bưu lên kế hoạch mưu sát Mao Trạch Đông bất thành. Gia đình Lâm đã bỏ lại cô con dâu mới cưới để bỏ trốn bằng máy bay và gặp nạn trên đất Mông Cổ ngày 13/9/1971.

Ngay sau đó, Trương Ninh bị bắt và bị giam trong nhà tù hơn 1 năm, tiếp đó bị đưa đi cải tạo ở nông trường ngoại thành Bắc Kinh. Sau 4 năm cải tạo, tháng 8/1975 Trương Ninh được trả tự do vì chỉ là “nạn nhân bị lừa”. Trương trở về đơn vị cũ ở Nam Kinh. Cuối năm 1978 cô xin chuyển ngành và vào làm việc trong một Viện bảo tàng ở Nam Kinh.

RELATED ARTICLES

Tin mới