Động thái cấm vận Bình Nhưỡng đồng thời là cách Trung Quốc gửi thông điệp tới Mỹ và đồng minh về vai trò quan trọng của Bắc Kinh.
Than đá chiếm hơn 50% sản lượng xuất khẩu của Triều Tiên sang Trung Quốc năm 2016. Ảnh: AFP
Ngày 18/2, Bắc Kinh tuyên bố sẽ ngừng toàn bộ hoạt động nhập than từ Triều Tiên cho tới cuối năm nay, một động thái nhằm phản ứng với chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Quyết định này được xem là cam kết muộn màng của Trung Quốc đối với nghị quyết cấm vận mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đang áp đặt lên Triều Tiên.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Kevin Gray, giảng viên Đại học Sussex (Anh), có thể lập trường cứng rắn của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Trung Quốc khiến Bắc Kinh phải đánh giá lại giá trị chiến lược trong mối quan hệ Bình Nhưỡng, đặc biệt khi vai trò “đối trọng Seoul” của Triều Tiên giảm sút bởi kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc.
Nói rộng ra, quyết định ngừng nhập khẩu than đá có thể là cách để Bắc Kinh “thưởng” cho Mỹ sau phát ngôn công nhận chính sách “Một Trung Quốc” mà Trump đưa ra hôm 9/2 trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình.
Sức nặng của cấm vận
Trung Quốc đã hậu thuẫn cho chính quyền Triều Tiên kể từ khi chiến tranh Triều Tiên tạm ngưng (1953), một phần vì không muốn đồng minh của Mỹ hiện diện ngay sát biên giới của mình.
Sau khi cộng đồng quốc tế áp cấm vận đối với Triều Tiên, Trung Quốc đảm nhiệm hơn 90% hoạt động thương mại của nước này.
Theo ông Yang Moo-jin, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, Hàn Quốc, than đá chiếm hơn 50% sản lượng xuất khẩu của Triều Tiên sang Trung Quốc trong năm ngoái và khoảng 1/5 tổng giá trị thương mại của nước này.
“Tất nhiên họ sẽ có những phương án để giảm thiểu tổn thất, nhưng chỉ nhìn vào mức độ thiệt hại thì đây (việc Trung Quốc ngừng nhập than đá-PV) là một đòn khá mạnh”, ông Yang đánh giá.
Với Bắc Kinh, quyết định này không ảnh hưởng nhiều. Trung Quốc là nước sản xuất và cũng là nhà tiêu thụ than lớn nhất thế giới. Triều Tiên cung cấp chưa đầy 10% mức nhiên liệu mà nước này nhập khẩu. Hơn nữa, nhu cầu sử dụng than trong mùa đông của Trung Quốc đã bắt đầu giảm bớt.
Tuy nhiên, chỉ với quyết sách này, Trung Quốc cũng chưa chắc có thể đưa Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán.
“Đã tới lúc thỏa thuận với nhau”
Giới chức Trung Quốc cho rằng, dồn Triều Tiên tới chân tường không có tác dụng gì bởi một khi còn cảm thấy bất an, bị đe dọa, thì chính quyền Kim Jong Un sẽ không ngừng phát triển năng lực hạt nhân.
Theo Bloomberg, song song với lệnh cấm nhập khẩu than từ Triều Tiên, Trung Quốc còn gửi một thông điệp rõ ràng tới Mỹ cùng đồng minh của Washington: “Đã tới lúc thỏa thuận với nhau”.
Ý định thúc đẩy một nỗ lực mới của Trung Quốc trái ngược với thái độ quyết liệt, gay gắt của Washington. Tháng này, Tổng thống Trump đã cam kết sẽ phản ứng “mạnh mẽ” với Triều Tiên sau vụ thử tên lửa mới nhất hôm 12/2, dù khi còn tranh cử, ông Trump từng nói có thể vừa bàn bạc với lãnh đạo Triều Tiên, vừa ăn hamburger.
Trump kêu gọi Trung Quốc cứng rắn hơn với Triều Tiên, đồng thời Mỹ thúc đẩy hoàn thành triển khai THAAD tại Hàn Quốc vào cuối năm nay, một kế hoạch khiến Bắc Kinh phải lo ngại.
Bà Phó Oánh, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trung Quốc thì cho rằng, chính sách của Mỹ chỉ khiến tình thế trở nên tồi tệ hơn: “Các anh phải công nhận rằng – nếu không đàm phán với họ, các anh sẽ chỉ khiến họ đi sai hướng”.
Có thể Trung Quốc sẽ sớm tìm được “bạn đồng hành” trong nỗ lực này. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đang bị điều tra, và những ứng viên sáng giá có thể thay thế vị trí của bà sau cuộc bầu cử năm nay đều có quan điểm mềm mỏng hơn với Triều Tiên.
Ông Moon Jae-in, một trong những ứng viên hàng đầu, cho rằng chính quyền sắp tới của Hàn Quốc nên xem xét lại quyết định triển khai THAAD.