Tuesday, November 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiÔng Dương Khiết Trì thăm Mỹ: Không nhiều hy vọng về sự...

Ông Dương Khiết Trì thăm Mỹ: Không nhiều hy vọng về sự đột phá

Khó có kỳ vọng về sự đột phá trong quan hệ Mỹ – Trung bởi 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới cùng phải đối mặt với hàng loạt thách thức.

Ngày 27/2, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc, Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì bắt đầu chuyến thăm hai ngày tới Mỹ. Đây là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc đến thăm Mỹ kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức vào 20/1 vừa qua.

Chuyến thăm diễn ra sau cuộc điện đàm của ông Dương Khiết Trì với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerrson vào tuần trước, trong đó hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ Mỹ -Trung. Đây cũng là bước đi mới nhất được hai nền kinh tế lớn nhất thế giới thực hiện, nhằm thúc đẩy mối quan hệ dưới thời tân Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trước đó, có nhiều lo ngại về mối quan hệ Mỹ- Trung Quốc khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chiến dịch tranh cử có những thông điệp cứng rắn gửi tới Trung Quốc.

Tuy nhiên, hàng loạt dấu hiệu tích cực diễn ra trong mối quan hệ song phương gần đây, khi hai nhà lãnh đạo có cuộc điện đàm, nhất trí thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực và phát triển mối quan hệ song phương mang tính xây dựng; trong đó Tổng thống Donald Trump cho biết sẽ tôn trọng chính sách “một Trung Quốc”, trái ngược với tuyên bố ông đưa ra vào tháng 12/2016,  khẳng định Mỹ không nhất thiết phải theo đuổi chính sách “một Trung Quốc”.  

Hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh theo đuổi mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết: “Cả hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng mối quan hệ Mỹ- Trung là mối quan hệ song phương quan trọng và có nhiều tiềm năng trong nhiều lĩnh vực.

Ví dụ ở mức độ song phương, cả hai nhà lãnh đạo rất quan tâm đến việc thúc đẩy sâu sắc hợp tác trong kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ và giao lưu nhân dân hai nước. Có nhiều tiềm năng để có thể thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực, không chỉ mang lại lợi ích cho người dân hai nước mà cả thế giới nói chung”.

Theo các nhà ngoại giao, chuyến thăm lần này là cơ hội để thúc đẩy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ -Trung đầu tiên, có thể diễn ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg, Đức vào tháng 7 tới.  

Chuyến thăm của ông Dương Khiết Trì cũng diễn ra trùng thời điểm với kỉ niệm 45 năm “chuyến thăm phá băng” của cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon đến Trung Quốc vào năm 1972, mở đường cho Trung Quốc và Mỹ  thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1979.

Tuy nhiên giới quan sát nhận định, với những vấn đề có thể được đưa ra thảo luận trong chương trình nghị sự, bao gồm tình hình trên bán đảo Triều Tiên, căng thẳng ở Biển Đông cũng như hợp tác kinh tế, thương mại song phương… chuyến thăm của ông Dương Khiết Trì tới Mỹ lần này cũng không hy vọng mang lại sự đột phá. 

Trung Quốc sẽ tiếp tục phải đối mặt với các sức ép từ Mỹ nhằm gia tăng ảnh hưởng lên Triều Tiên để kiềm chế chương trình hạt nhân của nước này. Trong chuyến thăm tới châu Á mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cũng đã có những chỉ trích mạnh mẽ nhằm vào các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông.

Ngoài ra, ông Trump cũng đã nhiều lần có những tuyên bố công khai, chỉ trích Trung Quốc như “quán quân thao túng tiền tệ”, “áp thuế cao” lên hàng xuất khẩu Mỹ…. 

Thực tế đây là những bất đồng lớn xuyên suốt mối quan hệ vốn nhiều sóng gió giữa Mỹ với Trung Quốc thời gian qua. Giới quan sát cho rằng, Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và cùng phải đối mặt với hàng loạt thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.

Do đó, nếu hai nước không quan tâm thỏa đáng hoặc có những bước đi sai lầm trong việc xử lý những bất đồng, hậu quả sẽ khôn lường không chỉ đối với mối quan hệ hai nước mà thậm chí cả trật tự thế giới. Chính vì vậy, mặc dù còn nhiều khác biệt, nhưng tinh thần hợp tác đôi bên cùng có lợi cũng sẽ vẫn được duy trì và thúc đẩy trong mối quan hệ Mỹ- Trung Quốc dưới thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump

RELATED ARTICLES

Tin mới