Wednesday, January 8, 2025
Trang chủBiển nóngDiễn biến mới trên Biển Đông

Diễn biến mới trên Biển Đông

Tranh cãi mới giữa Trung Quốc và Philippines về các hoạt động của Trung Quốc ở khu vực Benham Rise, bãi cạn Scarborough và những chính sách cứng rắn mới của Bắc Kinh đối với Biển Đông gần đây, đang gây ra mối quan ngại sâu sắc về nguy cơ leo thang căng thẳng ở vùng biển này.  

Khu vực Benham Rise trên bản đồ.

“Tuần trăng mật” không ngọt ngào

Những dự án đầu tư hứa hẹn tới tấp sẽ đến với Philippines trong chuyến thăm nước này từ ngày 6 đến 9-3-2017 của ông Chung Sơn, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc, cùng những lời ca tụng “Trung Quốc là người bạn và anh em của Philippines” của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, cũng không thể làm lu mờ được những “bức xúc” trong mối quan hệ tưởng đang trong “tuần trăng mật” của họ.

Ngay trong ngày 9-3, phát biểu trong khuôn khổ diễn đàn an ninh quốc gia, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana tuyên bố “rất lấy làm lo ngại” trước việc tàu khảo sát biển của Trung Quốc thâm nhập khu vực Benham Rise – một khu vực dưới biển rộng 13 triệu héc-ta và được xem là nơi giàu khí đốt, mà theo ông Lorenzana là đã được Liên Hiệp Quốc (LHQ) công nhận là thuộc chủ quyền của Philippines.

Ông Lorenzana cho biết thêm là năm ngoái, trong vòng 3 tháng, tàu của Trung Quốc đã ở lại khu vực Benham Rise. Tránh để tình trạng này tái diễn, ông Lorenzana đã ra lệnh cho Hải quân Philippines “áp sát và hộ tống tàu” của nước ngoài ra khỏi lãnh hải của nước này. Về câu hỏi tàu Trung Quốc hiện diện tại khu vực Benham Rise để làm gì? Bộ trưởng Quốc Phòng Lorenzano trả lời một cách gián tiếp là Manila có được một số thông tin cho rằng các tàu của Trung Quốc đang “tìm kiếm địa điểm để đặt tàu ngầm”.

Một tiết lộ đáng chú ý nữa của ông Lorenzana là vấn đề liên quan đến bãi cạn Scarborough. Theo lời ông Lorenzana: “Vào tháng 6 năm ngoái, Trung Quốc có kế hoạch bồi đắp trên bãi cạn Scarborough. Philippines nhận được báo cáo từ Mỹ rằng có những sà lan chất đầy đất cát và các vật liệu xây dựng đi tới bãi cạn Scarborough. Nhưng tôi nghĩ phía Mỹ đã bảo với Trung Quốc: “Chớ nên tiến hành”. Vì lẽ gì đó mà Trung Quốc đã ngưng lại”. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cũng cho hay, Mỹ có đường dây liên lạc với Trung Quốc, tạo điều kiện để hai nước thảo luận về các diễn tiến trong khu vực.

Tuy nhiên, chỉ sau đó 1 ngày, phía Trung Quốc đã phản bác gay gắt những tuyên bố trên của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 10-3 giải thích rằng, Ủy ban LHQ về Giới hạn thềm lục địa CLCS năm 2012 chấp thuận đơn đăng ký của Philippines về vùng lãnh hải 200 hải lý bên ngoài giới hạn thềm lục địa Benham Rise, vì vậy Manila có thể khai thác tài nguyên thiên nhiên ở đây nhưng không thể xem vùng này là lãnh thổ của Philippines.

Vẫn theo lời ông Cảnh Sảng, quyền của các nước ven biển về thềm lục địa không ảnh hưởng đến tự do hàng hải của tàu bè nước ngoài cũng như quyền lưu thông vô tư trong các vùng biển thuộc lãnh thổ một quốc gia theo luật quốc tế, trong đó có Công ước về Luật Biển của LHQ. Ông Cảnh cho hay, một số tàu bè nghiên cứu năm ngoái qua lại vùng biển ngoài khơi đảo Luzon và những hoạt động của các tàu này chắc chắn nằm trong khuôn khổ của “quyền tự do hàng hải và quyền đi qua vô hại”, không có cái gọi là “các hoạt động khác”. Ông Cảnh nhấn mạnh, Bộ Ngoại giao của hai nước đã trao đổi quan điểm vào tháng 1 vừa qua, làm rõ các sự kiện và giải quyết thỏa đáng.

Về bãi cạn Scarborough, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc “chày cối” rằng, Trung Quốc làm gì hay không trên bãi cạn Scarborough hoàn toàn là quyền chủ quyền của Trung Quốc, do đó không có chuyện Trung Quốc đã hủy bỏ kế hoạch bồi đắp trên bãi cạn Scarborough vì áp lực của Mỹ như ông Lorenzana nói.

Hiện chưa biết tranh cãi giữa hai nước xung quanh các vấn đề này sẽ dẫn tới đâu, nhưng ngày 11-3 vừa qua, Bộ Ngoại giao Philippines đã tuyên bố nước này vẫn chờ đợi phản ứng của phía Trung Quốc đối với lưu ý của Manila về sự hiện diện của tàu Trung Quốc ở Benham Rise thông qua các kênh chính thức.

Nói không đi đôi với làm

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 8-3 vừa tuyên bố, nước này sẽ không cho phép sự ổn định ở Biển Đông lại bị “khuấy động”, hoặc “phá hoại”, sau những nỗ lực chung của Bắc Kinh và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Tuy nhiên, những chính sách và động thái mới của Bắc Kinh đối với vùng biển này lại tiếp tục khiến láng giềng không thể không quan ngại.

Đầu tiên là việc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đơn phương thông báo lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông từ 12h ngày 1-5-2017 đến 12h ngày 16-8-2017. Phạm vi cấm đánh bắt cá do Trung Quốc đơn phương vạch ra trên Biển Đông là từ 12 độ vĩ Bắc đến Vịnh Bắc Bộ và “giao tuyến hải vực Mân Áo”, tức vùng biển từ Phúc Kiến đến Quảng Đông, tọa độ từ 117o31’37.40″E, 23o09’42.60″N đến 120o50’43″E, 21o54’15″N).

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình hôm 28-2 đã khẳng định quy chế mới về nghỉ đánh bắt cá trên biển của Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và vi phạm luật pháp quốc tế. Việt Nam kiên quyết phản đối và bác bỏ quy chế này của phía Trung Quốc.

Giới chuyên gia quốc tế cũng nhận định, lệnh cấm đánh bắt cá nói trên của Trung Quốc là vi phạm luật pháp quốc tế. Ông Fabrizio Bozzato, một nhà nghiên cứu chuyên về các vấn đề quốc tế tại Đại học Tamkang, Đài Loan, nói: “Trung Quốc ra thông báo về lệnh cấm đánh bắt cá mà không có sự tham khảo ý kiến với các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền, những quốc gia có lợi ích đáng kể ở Biển Đông. Vấn đề sẽ hoàn toàn khác đi nếu như Trung Quốc có tham khảo ý kiến với các quốc gia như Việt Nam hoặc Philippines để thực hiện một lệnh cấm đánh bắt cá chung. Thông điệp mà Bắc Kinh muốn chuyển tải là Biển Đông là biển hoàn toàn thuộc Trung Quốc và Trung Quốc độc quyền đối với các nguồn tài nguyên”.

Báo cáo công tác trình Quốc hội hôm 13-3 của Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc khẳng định, nước này sẽ kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hàng hải. Tân Hoa xã trích lời Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc Chu Cường ngang ngược tuyên bố thẩm quyền hàng hải của Trung Quốc đã được mở rộng, bao trùm tất cả các vùng biển mà nước này cho là thuộc “chủ quyền” của mình, bao gồm cả Biển Đông.

Trước đó, vào tháng 8 năm ngoái, Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc đã đưa ra một quy định, trong đó giải thích về luật pháp để làm rõ thẩm quyền của Trung Quốc đối với các vùng biển mà họ cho là thuộc “lãnh hải” của mình, nhằm đối chọi phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế về vụ kiện Biển Đông. Những giải thích của Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc hòng tạo cơ sở pháp lý cho nước này để tiến hành cái gọi là “bảo vệ trật tự hàng hải, an toàn và lợi ích trên biển, cũng như thực hiện quản lý tổng hợp trên các vùng biển của nước này”.

Theo quy định mới này, vùng biển tài phán không chỉ bao gồm vùng nước nội địa và lãnh hải mà còn bao gồm các vùng lân cận, các vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và các vùng biển khác thuộc thẩm quyền của Trung Quốc. Công dân Trung Quốc hoặc người nước ngoài sẽ bị truy tố trách nhiệm hình sự nếu họ tham gia vào hoạt động săn bắt, hoặc đánh bắt trái phép, hoặc săn bắt động vật hoang dã trái phép ở các vùng biển “thuộc quyền quản lý của Trung Quốc”.

RELATED ARTICLES

Tin mới