Phát hiện Tưởng Giới Thạch “ngoại tình”, Tống Mỹ Linh tức giận tìm đến đánh ghen “kẻ thứ ba”, sau lại về tranh cãi nảy lửa với chồng.
Lời thề phục hôn
Trần Khiết Như là người vợ thứ ba của Tưởng Giới Thạch. Bà sống với Tưởng trong vòng 7 năm từ 1921 đến 1927.
Trần Khiết Như tên thật là Trần Phượng, sinh năm 1906 (có tài liệu ghi 1905) quê ở Chiết Giang, từ nhỏ đã theo cha mẹ lên Thượng Hải sinh sống và học tập.
Năm 12 tuổi, bà được cha mẹ cho đăng ký theo học trường nữ sinh Ái Quốc Thượng Hải. Tại đây, bà gặp được Chu Dật Dân – vợ của doanh nhân Trương Tĩnh Giang. Trương Tĩnh Giang là người có quan hệ thân thiết với Tôn Trung Sơn.
Trần Khiết Như. Ảnh: Tư liệu
Năm 1919, Trần Khiết Như lần đầu gặp Tưởng Giới Thạch chính tại nhà của vợ chồng Trương Tĩnh Giang. Trúng tiếng sét ái tình, Tưởng Giới Thạch quyết định làm quen với Trần nhưng bị cha mẹ bà viện cớ từ chối.
Đến mùa thu năm 1921, cha bà tái phát bệnh tim đột ngột qua đời, gia đình lâm vào cảnh khốn khó. Nhân cơ hội này, Tưởng Giới Thạch nhờ vợ chồng Trương Tĩnh Giang làm mối, cầu hôn Trần Khiết Như.
Ngày 5/12/1921, đám cưới được diễn ra tại Thượng Hải khi bà vừa tròn 15 tuổi, còn Tưởng đã 34 tuổi. Những năm sau đó, bà cùng Tưởng bôn ba hết từ Thượng Hải, lại xuống Quảng Châu…
Tuy nhiên, đến năm 1927, Tưởng Giới Thạch bất ngờ quyết định kết hôn với Tống Mỹ Linh và yêu cầu bà tạm thời tránh đi nơi khác.
Tức giận, bà bỏ về Thượng Hải. Tưởng Giới Thạch liền đi theo khuyên nhủ và hứa hẹn rằng, “trong vòng 5 năm, nhất định sẽ phục hôn với bà. Nếu trái lời thề, bản thân sẽ bị sét đánh, chính phủ Nam Kinh (cơ quan hành chính cao nhất của Quốc dân đảng) sẽ bị phá hủy”.
Tưởng nói nếu ông không chịu trách nhiệm với bà trong vòng 10-20 năm thì “chính phủ sẽ bị lật đổ, bản thân phải sống lưu vong nước ngoài, mãi mãi không được trở về”.
Trần Khiết Như thấy sự đã rồi, buộc lòng tin tưởng và nghe theo sắp xếp của Tưởng, đồng ý sang Mỹ du học. Sau khi bà đi, Tưởng Giới Thạch đã tuyên bố trước truyền thông rằng, ông không còn mối liên hệ nào với vợ cũ và nhanh chóng tổ chức hôn lễ với Tống Mỹ Linh.
Trận đánh ghen đình đám
5 năm sau, theo lời hẹn, Trần Khiết Như trở về sống ẩn dật tại Thượng Hải và tìm cơ hội gặp Tưởng Giới Thạch.
Đến năm 1941, tình thế khó khăn, bà mới ra mặt nhờ sự giúp đỡ từ Tưởng. Sau Tưởng đã sắp xếp đưa bà đến Trùng Khánh.
Để che giấu sự tình với Tống Mỹ Linh, Tưởng Giới Thạch nhờ đến sự giúp đỡ của cấp dưới Đới Lạp. Không thể từ chối, Đới sắp xếp cho Trần Khiết Như chuyển đến biệt thự riêng của mình ở Dương Gia Sơn.
Tại nhà của cấp dưới, Tưởng Giới Thạch muốn “dệt lại mộng uyên ương” với vợ cũ nhưng bị Đới ngăn cản do lo sợ Tống Mỹ Linh phát hiện. Sau đó, Đới đã khuyên Tưởng đưa Trần đến khu biệt thự khác ở dốc Tùng Lâm để tránh dị nghị.
Về Tống Mỹ Linh, lúc này bà không hay biết việc Tưởng Giới Thạch đang qua lại với vợ cũ nên vẫn tiếp tục tham gia các hoạt động xã hội theo kế hoạch lên sẵn từ trước.
Một thời gian sau, bà mới nghi ngờ và thông qua hệ thống tình báo riêng cùng sự giúp đỡ của chị cả Tống Ái Linh, bà nắm được chứng cứ “ngoại tình” của Tưởng.
Xử lý ảnh: Mạnh Quân
Lúc này do đang ở Vân Nam, nhằm “điệu hổ ly sơn”, Tống Mỹ Linh đã gọi điện cho Tưởng Gốp Thạch thông báo về thời gian và chuyến bay trở về Trùng Khánh và hỏi dò liệu Tưởng có đến sân bay đón bà.
Nhận được cuộc điện thoại bất ngờ trên, Tưởng buộc lòng đồng ý. Sáng ngày hôm sau, Tưởng dẫn đầu một đoàn quan chức mang hoa đến sân bay đón vợ.
Tuy nhiên, Tống Mỹ Linh đã đáp chuyến bay sớm hơn về đến Trùng Khánh. Khi Tưởng đang ở sân bay thì bà đã lên xe được sắp xếp từ trước đi tới biệt thự tại dốc Tùng Lâm.
Vừa nhìn thấy Trần Khiết Như, Mỹ Linh nổi trận lôi đình, chưa kịp đợi đối phương phản ứng, bà đã tát và mắng Trần là “hồ ly dụ người”.
Trần Khiết Như vô cùng hoảng sợ, vừa ôm mặt khóc vừa nói: “Khi xưa không phải vì bà thì ông ấy đã không đưa tôi đi. Nói thẳng ra, bà đã nhúng tay vào quan hệ của chúng tôi. Bà mới là kẻ thứ ba phá hoại chuyện tình của tôi và Tưởng tiên sinh”.
Tống Mỹ Linh thoạt nghe liền biến sắc, toàn thân run rẩy, cho người đập phá đồ đạc. Một hồi sau nguôi cơn giận mới bỏ về.
Về phần Tưởng Giới Thạch, lúc này đã trở về nhà. Không biết sự việc vừa diễn ra, ông vẫn mang bó hoa với dáng vẻ mừng rỡ đứng ngoài cửa chờ Mỹ Linh về. Đợi đến khi Tưởng nhận thấy sắc mặt giận dữ của vợ mình thì Tống Mỹ Linh đã bước vào tới trong nhà.
Một số nguồn tin nói rằng, ngày hôm đó Tưởng-Tống đã có trận tranh cãi nảy lửa, thậm chí Tưởng còn bị vợ cào cấu mặt khiến ông xấu hổ không dám đi tiếp khách.
Đến tháng 11/1942, Tống Mỹ Linh bỏ sang Mỹ chữa bệnh. Tháng 6/1943, bà trở về Trùng Khánh và tìm mọi cách ngăn cản cuộc tình của Tưởng-Trần. Biết không thể đấu lại với Mỹ Linh, Khiết Như chấp nhận bỏ cuộc.
Năm 1949, khi nước Trung Quốc mới tuyên bố thành lập, Trần Khiết Như quyết định ở lại Đại lục còn Tưởng Giới Thạch và Quốc dân đảng bỏ sang Đài Loan. Đến năm 1961, được sự phê chuẩn của Thủ tướng Chu Ân Lai, bà và con gái nuôi di cư sang Hồng Kông và định cư tại đây.
Trần Khiết Như qua đời tại Hồng Kông vào năm 1971, hưởng thọ 66 tuổi.