Saturday, November 16, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiASEAN là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ

ASEAN là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ

Ấn Độ sẽ tiếp tục hợp tác với ASEAN một cách toàn diện, trên mọi lĩnh vực.

Từ ngày 5-6/4/2017, Cuộc họp Quan chức Cao cấp (SOM) ASEAN-Ấn Độ lần thứ 19 diễn ra tại New Delhi, Ấn Độ. Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng và Thứ trưởng Ngoại giao, trưởng SOM ASEAN Ấn Độ Preeti Saran đã đồng chủ trì cuộc họp lần này.

Tại Cuộc họp, hai bên đã trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, kiểm điểm hợp tác ASEAN-Ấn Độ thời gian qua cũng như phương hướng tăng cường hợp tác trong giai đoạn tới. Đồng thời, các nước cũng sơ bộ thống nhất một số hoạt động kỷ niệm 25 năm quan hệ đối tác chiến lược ASEAN – Ấn Độ (1992-2017).

Các đại biểu đều cho rằng hòa bình, ổn định là nguyện vọng chung và đối thoại, hợp tác tiếp tục là xu thế chủ đạo trong quan hệ giữa các quốc gia. Đồng thời, trong bối cảnh các thách thức về an ninh cả truyền thống lẫn phi truyền thống đang ngày càng gia tăng, các nước, các khu vực cần nâng cao hơn nữa hợp tác trong các khuôn khổ đa phương, ứng phó hiệu quả với các thách thức này.

Với nhận thức chung như vậy, trên cơ sở các mối liên hệ lịch sử, văn hóa truyền thống giữa ASEAN và Ấn Độ, các đại biểu khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa phối hợp tại các diễn đàn khu vực do ASEAN thành lập và dẫn dắt.

Là một đối tác quan trọng của ASEAN, cùng với việc triển khai hiệu quả Chính sách “Hành động Hướng đông”, Ấn Độ hướng tới tái cấu trúc quan hệ với các nước trong khu vực, đặc biệt là với ASEAN, coi đây là trung tâm trong chính sách đối ngoại của mình. Theo đó, Ấn Độ sẽ tiếp tục hợp tác với ASEAN một cách toàn diện, trên mọi lĩnh vực, kể cả trong hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, lẫn trong quan hệ về kinh tế, văn hóa – xã hội.

Trao đổi về cấu trúc khu vực đang được định hình, các nước khẳng định quyết tâm xây dựng một cấu trúc khu vực dựa trên luật lệ, lấy đối thoại, hợp tác làm cơ sở với sự can dự tích cực của các đối tác bên ngoài, các nước lớn trên thế giới, trong đó có Ấn Độ. Trong quá trình này, ASEAN luôn giữ vai trò trung tâm và đoàn kết thống nhất ASEAN luôn là nhân tố hạt nhân trong việc xây dựng thành công cấu trúc khu vực mới.

Điểm lại quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại ASEAN – Ấn Độ, hai bên nhấn mạnh, trong bối cảnh quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai khu vực đang có chiều hướng giảm sút, triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do về hàng hóa, dịch vụ và đầu tư ASEAN – Ấn Độ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

asean la trong tam trong chinh sach doi ngoai cua an do hinh 2
Toàn cảnh cuộc họp Quan chức Cao cấp (SOM) ASEAN-Ấn Độ lần thứ 19.

Bên cạnh việc Ấn Độ sớm triển khai khoản tín dụng 1 tỷ USD nhằm tăng cường kết nối hạ tầng cứng và kết nối số giữa Ấn Độ và ASEAN, hai bên cần đẩy mạnh kết nối hàng hải giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, mở rộng tiềm năng hợp tác kinh tế biển, tăng cường hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSMEs) và các lĩnh vực có thế mạnh khác như công nghệ thông tin, vũ trụ, sinh học, vật liệu mới, môi trường…

Phát biểu tại Cuộc họp, với tư cách là nước điều phối quan hệ ASEAN – Ấn Độ, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam khẳng định với những nét tương đồng về lịch sử, văn hoá và tôn giáo, ASEAN và Ấn Độ cần thúc đẩy hơn nữa các hoạt động giao lưu giữa nhân dân hai nước, làm cơ sở cho những phát triển mới trong quan hệ hợp tác chính trị – an ninh, kinh tế và văn hóa xã hội giữa ASEAN và Ấn Độ.

Về tình hình khu vực và quốc tế, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng khẳng định mặc dù đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhưng ASEAN vẫn đoàn kết, vững vàng, ổn định phát triển Cộng đồng; vai trò trung tâm của ASEAN tiếp tục được củng cố, các nước đối tác, nhất là các nước lớn tiếp tục khẳng định tôn trọng và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong các tiến trình khu vực do ASEAN thành lập và dẫn dắt.

Thứ trưởng nhấn mạnh duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông là lợi ích và trách nhiệm của tất cả các nước, trong đó có Ấn Độ, một quốc gia có mối quan hệ khăng khít với khu vực Đông Nam Á qua các đường vận tải trên biển nối liền Ấn Độ Dương với các khu vực khác trên thế giới.

Theo đó, các nước cần đề cao hơn nữa tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 và các tiến trình ngoại giao, pháp lý trong khu vực, kể cả thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); thời gian qua, ASEAN và Trung Quốc đã nối lại trao đổi về xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), phấn đấu sẽ sớm đạt được khung của văn kiện này trong nửa đầu năm 2017, tạo tiền đề xây dựng một bộ qui tắc ứng xử hoàn chỉnh trong thời gian tiếp theo.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đã tham dự và phát biểu khai mạc Hội thảo “Đối thoại Hành động Hướng Đông” do Bộ Ngoại giao Ấn Độ và Trung tâm nghiên cứu chiến lược Brookings Ấn Độ tổ chức

RELATED ARTICLES

Tin mới