Saturday, April 27, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiMỹ dùng "đòn gió" với Triều Tiên

Mỹ dùng “đòn gió” với Triều Tiên

Lời truyền đạt không nhất quán giữa Lầu Năm Góc và Nhà Trắng khiến ông Donald Trump đưa bán đảo Triều Tiên đến miệng hố chiến tranh.

Nhóm tàu Mỹ thực chất tới Ấn Độ Dương để tập trận.

CNN hôm 19/4 thông tin, cụm tàu tấn công được Tổng thống Donald Trump tuyên bố gửi đến bán đảo Triều Tiên, thực chất đang phăm phăm trên đường ở hướng ngược lại hơn 5.000 km tới Ấn Độ Dương để tham gia một cuộc tập trận quân sự.

Đài này dẫn lời một quan chức cấp cao của Nhà Trắng đổ lỗi việc này cho “sự truyền đạt không rõ ràng” giữa Lầu Năm Góc và Nhà Trắng. Bởi thực tế, hàng không mẫu hạm Carl Vinson dẫn đầu đội tàu tấn công không hề hướng tới Biển Nhật Bản như một sự phô trương sức mạnh nhằm vào Triều Tiên.

Theo quan chức này, sự lộn xộn chính là do không bám sát theo các tư lệnh phụ trách hành trình của tàu Carl Vinson.

Trước đó, ngày 8/4, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương – cơ quan phụ trách các chiến dịch quân sự trong khu vực – đã ra một thông điệp tuyên bố tàu Carl Vinson và nhóm tàu tấn công đi cùng sẽ rời Singapore để tới tây Thái Bình Dương. Bộ này giải thích, nhóm chiến hạm trước tiên phải hoàn tất một kỳ huấn luyện ngắn hơn dự kiến với Australia. Tuy nhiên, nhóm chiến hạm hiện đang “di chuyển về phía Tây của Thái Bình Dương như được yêu cầu.

Một quan chức quân sự Mỹ nói với CNN rằng đây là một màn “phô trương sức mạnh” để đáp trả các hành động hiếu chiến của Triều Tiên.

Sau thông báo này, Tổng thống Trump và các trợ tá cấp cao giải thích việc triển khai nhóm tàu này là một phần phản ứng của chính quyền Mỹ trước các vụ thử tên lửa mới của chính quyền Kim Jong Un.

“Chúng tôi sẽ cử một đội tàu. Rất uy lực. Chúng tôi có những tàu ngầm, rất uy lực, uy lực hơn nhiều hàng không mẫu hạm, đó là điều tôi có thể nói với các bạn”, ông Donald Trump nói trên Fox News Network.

Thông báo này sau đó, đương nhiên, đã gây căng thẳng gia tăng ở khu vực bán đảo này.

Đội tàu Carl Vinson được hãng thông tấn Triều Tiên KCNA mô tả, “không là gì ngoài một hành động gây hấn liều lĩnh khuấy động thêm căng thẳng trong khu vực”.

Nhưng ngay sau tuyên bố của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương, các quan chức quân đội Mỹ đã khẳng định lại với CNN rằng nhóm tàu này sẽ tiến hành cuộc tập trận quân sự với Hải quân Úc.

Sự nhầm lẫn đã được bổ sung khi Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis nói với truyền thông rằng việc điều tàu này đến đây không phải do tình huống cụ thể nào và được “tự do hoạt động xuôi ngược” ở khu vực.

Với những tuyên bố của các quan chức cho CNN biết, rõ ràng chẳng có “đòn gió” hay “tung hỏa mù” nào ở đây mà chỉ là sự nhầm lẫn và “truyền đạt không rõ ràng” của các cơ quan chức năng Mỹ.

Bên cạnh miệng hố chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên, ông Donald Trump cũng từng có phát ngôn nhầm lẫn khi tuyên bố với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về loạt 59 quả tên lửa được bắn thẳng vào căn cứ không quân Shayrat, Syria.

Theo những gì mà ông Trump kể lại với Fox Business về khoảnh khắc ông tuyên bố với Chủ tịch Trung Quốc về kế hoạch bắn 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ không quân Syria, ông Tập Cận Bình đã im lặng trong khoảng 10 giây.

Thực tế, khi đó, ông Trump đã nói rằng: “Chúng tôi đã phóng 59 quả tên lửa Tomahawk vào Iraq” và “tất cả đã trúng mục tiêu” dù cách xa “cả trăm cây số”. Điều này khiến Chủ tịch Tập ngầm hiểu Tổng thống Mỹ muốn giương oai về tiềm năng quân sự của Mỹ và đã tỏ ý khen ngợi công nghệ quân sự của Mỹ tốt hơn bất kỳ nước nào và “không ai dám cạnh tranh”.

Sau đó, một phóng viên đã chỉnh lại lời của Tổng thống Mỹ: “Ý ông là vào Syria” và ông Trump nhanh chóng sửa lại: “Đúng, là vào Syria và tôi muốn ngài biết điều đó”.

Chính sự thay đổi này của Tổng thống Mỹ khiến nhà lãnh đạo Trung Quốc bối rối và cần sự hỗ trợ của người phiên dịch để nắm lại thông tin.

Những gì truyền thông đưa ra sau đó là khoảnh khắc “lặng người” của Chủ tịch Trung Quốc khi nghe Tổng thống Mỹ cảnh báo đầy ẩn ý về tình hình ở Triều Tiên, chứ không phải sự nhầm lẫn một cách đáng tiếc của Tổng thống Mỹ khi tuyên bố một lời cảnh báo mang tính nhắc nhở Bắc Kinh.

 Sự “nguy hiểm” và  trau chuốt trong mỗi lời tuyên bố hay cảnh báo của nhà lãnh đạo Mỹ dường như đã bị “mất chất” khi được diễn đạt bởi vị Tổng thống thứ 45.

Điều này, trong sự kiện ở Triều Tiên những ngày qua, đang vô hình chung tạo nên một cuộc chiến ngầm và răn đe nhau khiến nó trở nên “nguy hiểm”.

RELATED ARTICLES

Tin mới