Nhóm tàu tác chiến Hải quân Mỹ đang hướng đến bán đảo Triều Tiên thiếu một khả năng quan trọng – bắn hạ tên lửa đạn đạo.
Washington điều nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson từ Singapore tới bán đảo Triều Tiên. Ảnh: EPA
Tàu sân bay USS Carl Vinson cùng các tàu khu trục và tàu tuần dương dự kiến đến vùng biển gần bán đảo Triều Tiên trong tuần này mang theo đầy đủ các loại vũ khí, trong đó có các tên lửa hành trình Tomahawk, tên lửa chống hạm, máy bay gây nhiễu radar và máy bay “Super Hornet” của hãng Boeing.
Mặc dù có hỏa lực mạnh mẽ đủ để tham gia bất kỳ cuộc chiến nào nhưng nhóm tàu này lại thiếu khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo.
Điều này có nghĩa là sự phô trương sức mạnh quân sự của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thiếu sót đáng kể khi muốn cảnh báo Triều Tiên không thử thêm tên lửa và từ bỏ chương trình hạt nhân.
Ông Omar Lamrani, nhà phân tích quân sự cấp cao của Công ty phân tích địa chính trị Stratfor (Mỹ), nhận định: “Bản thân tàu sân bay không thể thay đổi cuộc chơi. Mặc dù nhóm tàu do USS Carl Vinson dẫn đầu thu hút nhiều sự chú ý nhưng không làm được gì nhiều”.
Trong khi đó, Đô đốc Harry Harris, chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ (PACOM), bác bỏ lập luận trên. Điều trần trước Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ hôm 26-4, ông khẳng định: “Chúng tôi có các tàu trang bị tên lửa đạn đạo hộ tống, đủ khả năng phòng thủ trước bất kỳ cuộc tấn công bằng tên lửa nào. Nếu tên lửa nào bay tới nhóm tàu USS Carl Vinson, nó sẽ bị tiêu diệt”.
Hộ tống USS Carl Vinson là các tàu USS Wayne E. Meyer, USS Michael Murphy, USS Lake Champlain.
Thêm vào đó, ông Harris cũng nhận trách nhiệm cho bất kỳ sự nhầm lẫn nào sau khi nhóm tàu sân bay Mỹ di chuyển ngược hướng trong lúc được triển khai đến bán đảo Triều Tiên. Trước đó, nhóm tàu này được cho là khởi hành từ Singapore đến Triền Tiên nhưng thực tế nó đã đến Úc để tham gia tập trận cùng hải quân nước này trước khi hướng đến bán đảo Triều Tiên.
Quan chức này thừa nhận sai sót trong việc truyền đạt thông tin đến truyền thông nhưng khẳng định cuối cùng nhóm tàu đang di chuyển đến bán đảo Triều Tiên. Hôm 26-4, ông nói USS Carl Vinson đã ở vào vị trí có thể vươn tầm bắn tới Triều Tiên. Theo trang Bloomberg, nhóm tàu đang rời biển Philippines ở phía Nam Nhật Bản.
Ngoài ra, ông Harris đã đề xuất đặt hệ thống phòng thủ tên lửa tại bang Hawaii để đón đầu khả năng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên vươn tới Mỹ một ngày nào đó.
ông Harris cho rằng việc bảo vệ lãnh thổ Mỹ là ưu tiên hàng đầu đối với ông. “Với các cuộc thử nghiệm, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tiến gần hơn với mục tiêu tấn công hạt nhân phủ đầu các thành phố Mỹ và ông ta không sợ thất bại trước công chúng” – ông Harris cho biết.
Trong khi các hệ thống phòng thủ tên lửa được đặt tại các căn cứ ở bang Alaska và California đủ sức bảo vệ lãnh thổ Mỹ khỏi cuộc tấn công tên lửa tiềm năng từ Triều Tiên, ông Harris cho rằng chúng vẫn chưa thể bảo vệ Hawaii toàn diện. Theo ông Harris, Triều Tiên rõ ràng có khả năng đe dọa Hawaii.
Triều Tiên tự tin
Ông Sok Chol-won, Giám đốc Viện Nhân quyền thuộc Học viện Khoa học Xã hội Triều Tiên, cho biết các vụ thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên sẽ không bao giờ chấm dứt cho đến khi Mỹ dừng những hành động gây hấn.
Trong cuộc phỏng vấn hiếm hoi với đài CNN ngày 26-4, ông Sok Chol-won không khẳng định thời điểm Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 nhưng cho rằng vụ thử này sẽ không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài. “Thử nghiệm hạt nhân là một phần quan trọng trong nỗ lực tiếp tục tăng cường lực lượng hạt nhân của Triều Tiên” – ông Sok nói.
Bình luận của ông Sok được đưa ra khi các thành viên nội các hàng đầu của Mỹ nhấn mạnh việc triển khai các biện pháp trừng phạt kinh tế và áp lực ngoại giao nhằm kiềm chế Triều Tiên.
Cùng ngày, phái bộ thường trực của Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc ra thông báo tỏ rõ sự tự tin “sẽ thắng Mỹ nếu chiến tranh xảy ra”.