Trường hợp bổ nhiệm ông Trần Cát Ninh đã khái quát nên thế trận dùng người mới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Ông Trần Cát Ninh – Quyền Thị trưởng Bắc Kinh. Ảnh: Tân Hoa Xã
Sự kiện ngoài sức tưởng tượng
Mới đây, chính trường Trung Quốc đã chứng kiến sự một sự kiện ngoài sức tưởng tượng khi trong cùng một ngày, hai vị trí then chốt đứng đầu đảng và chính phủ tại Bắc Kinh đồng thời được bổ nhiệm. Giới chuyên gia gọi đây là sự kiện “đổi chủ kinh đô”.
Đó là Phó Bí thư thành ủy Bắc Kinh Thái Kỳ được bổ nhiệm vào vị trí Bí thư thành ủy Bắc Kinh và Bộ trưởng Bộ Bảo vệ môi trường Trần Cát Ninh vào vị trí Phó Thị trưởng kiêm Quyền Thị trưởng Bắc Kinh.
Đáng chú ý hơn là trường hợp của Trần Cát Ninh chỉ mất ba năm từ cấp phó (năm 2012 nhậm chức Hiệu trưởng Đại học Thanh Hoa – tương đương Thứ trưởng) trở thành cấp trưởng (năm 2015 nhậm chức Bộ trưởng Bộ Bảo vệ môi trường).
Thông thường tại Trung Quốc, các cán bộ quan chức thường mất khoảng mười năm để đi từ vị trí phó lên vị trí trưởng cơ quan cấp bộ.
Đặc biệt, chỉ hai năm sau khi đứng đầu cơ quan cấp bộ, Trần Cát Ninh – quan chức xuất thân từ lĩnh vực nghiên cứu – tiếp tục được bổ nhiệm vào vị trí quan trọng, vốn luôn thu hút sự chú ý trên chính trường Trung Quốc: Thị trưởng Bắc Kinh.
Theo Đa chiều (Mỹ), dù hiện tại, ông Trần mới là Quyền Thị trưởng nhưng dư luận Trung Quốc hiểu rằng, đây chỉ là bước đệm, trình tự thủ tục thông thường để đưa ông lên vị trí Thị trưởng.
Tờ này nhận định, trường hợp bổ nhiệm ông Trần Cát Ninh đã khái quát nên “thế trận dụng binh” mới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Giới nghiên cứu “lên ngôi”
Theo Đa chiều, lần nhậm chức này của Trần Cát Ninh hoàn toàn nằm ngoài sức tưởng tượng của dư luận Trung Quốc. Thứ nhất, trước đợt bổ nhiệm Trần, chính phủ nước này không hé lộ bất cứ thông tin liên quan nào.
Thứ hai, việc điều chuyển từ Hiệu trưởng Đại học Thanh Hoa sang vị trí Bộ trưởng Bộ Bảo vệ môi trường, Trần Cát Ninh trở thành Bộ trưởng trẻ nhất Trung Quốc, đồng thời là trường hợp hiếm có khi chỉ mất ba năm đi từ cấp phó lên cấp trưởng.
Trước khi nhậm chức Bộ trưởng Bộ Bảo vệ môi trường, Trần Cát Ninh chưa từng có kinh nghiệm làm việc trong cơ quan chính phủ. Theo đó, trường hợp của Trần đã tạo nên một xu hướng mới về cách sử dụng cán bộ của ĐCSTQ – “học giả tòng chính” – ý chỉ người theo nghiên cứu học thuật làm chính trị.
Thực tế, ngoài Trần Cát Ninh, Bí thư tỉnh ủy Hà Nam Tạ Phục Chiêm và Bí thư tỉnh ủy Thiểm Tây Lâu Cần Kiệm cũng thuộc nhóm “học giả tòng chính”. Hai ông này từng là đồng môn theo chuyên ngành kỹ thuật tại Hồ Bắc.
Hay như trường hợp của Hoài Tiến Bằng – Giáo sư Đại học Hàng không vũ trụ Bắc Kinh, chưa đầy hai năm điều chuyển từ vị trí nghiên cứu sang Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Thông tin Trung Quốc, ông lại được bổ nhiệm vào vị trí Phó Bí thư thành ủy Thiên Tân.
Ngoài ra, Chủ tịch tỉnh Liêu Ninh Trần Cầu Phát, Chủ tịch Quảng Đông Mã Hưng Thụy và Chủ tịch Hà Bắc Hứa Đạt Triết đều là quan chức xuất thân từ các đơn vị kỹ thuật của Bộ Công nghiệp và Thông tin.
“Cán bộ quan chức có xuất thân từ lĩnh vực nghiên cứu lại tỏa sáng trên chính trường Trung Quốc đã trở thành thực tế không thể chối cãi”, Đa chiều nhận định.
Giới quan chức 6X tỏa sáng
Lần bổ nhiệm Trần Cát Ninh (sinh năm 1964) không chỉ cho thấy sự tỏa sáng của giới nghiên cứu trên chính trường Trung Quốc mà còn chứng tỏ, quan chức 6X (chỉ người sinh vào thập niên 60) đã dần trở thành lực lượng chính trong đội ngũ lãnh đạo cấp cao tại các địa phương.
Theo đánh giá, từ đầu tháng 4 năm nay tại các địa phương trên toàn Trung Quốc, trong số 22 tân ủy viên thường vị tỉnh ủy có đến 19 quan chức 6X và 14 tân Phó Chủ tịch tỉnh của 11 địa phương cũng đều thuộc độ tuổi 6X.
Trong đó hiện nay, Hắc Long Giang và Trùng Khánh dẫn đầu cả nước về việc trẻ hóa đội ngũ cán bộ khi những người đứng đầu cơ quan đảng, chính phủ địa phương đều nằm trong đội ngũ 6X. Đặc biệt, tại hai tỉnh này, các ủy viên ban thường vụ đảng ủy đều thuộc 6X.
Theo giới quan sát, sự tỏa sáng của các quan chức 6X chứng tỏ, đội ngũ nhân tài Trung Quốc ngày càng trở nên hùng hậu. Tuy nhiên, nhóm quan chức sinh sau năm 65 vẫn còn thiếu hụt, đây có thể sẽ là thách thức với ĐCSTQ trong tương lai.