Monday, November 11, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 16/10/17

Bản tin Biển Đông ngày 16/10/17

Bản tin Biển Đông ngày 16/10/2017.

Tướng Ấn Độ lo ngại về tình hình Biển Đông

Theo tin từ tờ India Times ngày 15/10, Tham mưu trưởng Hải quân Ấn Độ, Đô đốc Sunil Lanba ngày 14/10 đã phát biểu bày tỏ lo ngại về xung đột ở Biển Đông và bán đảo Triều Tiên. Nhận định “chủ quyền lãnh thổ” của một số quốc gia đã bị “phớt lờ”, Đô đốc Lanba cho rằng “việc chia sẻ quyền sở hữu không thể được diễn giải một cách tùy tiện thành việc cướp bóc tài nguyên một cách đáng ngờ”. Ông Lanba chủ trương bảo tồn hệ sinh thái mong manh, đảm bảo sự duy trì vì lợi ích chung, đồng thời khẳng định việc tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của tất cả các quốc gia ven biển là trách nhiệm tập thể mà một số nước có thể đã phớt lờ. Đô đốc Lanba cho rằng tranh chấp giữa các quốc gia ven biển cần phải được giải quyết thông qua các cơ chế giải quyết xung đột đã được thiết lập. Tuy nhiên, thái độ hẹp hòi, dân tộc thái quá dường như đang làm suy yếu các cơ chế như vậy ở Biển Đông, gây lo ngại cho nhiều người.

Mỹ cần chiến lược Biển Đông thông thái hơn

Ngày 15/10, tờ Thời báo Hoàn Cầu đăng bài viết của tác giả Zhao Minghao thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho rằng Mỹ cần có một chiến lược Biển Đông thông thái hơn. Bài viết đề cập đến việc Mỹ triển khai hoạt động tự do hàng hải vừa qua khi đưa tàu khu trục tên lửa Chafee vào quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông và dự đoán rằng trong vài tháng tới, Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành 1-2 hoạt động tương tự. Ông Zhao cho rằng việc Mỹ âm thầm tăng cường triển khai quân sự, đánh bóng sự hiện diện quân sự ở khu vực thông qua các hoạt động tự do hàng hải đã làm phức tạp quan hệ Trung – Mỹ, đẩy căng thẳng lên cao. Tác giả cho rằng có ba nguyên nhân chính cho việc này: (i) Mỹ muốn thể hiện cam kết bảo vệ an ninh Biển Đông đối với các nước Đông Nam Á; (ii) Trung Quốc và ASEAN đang hy vọng đàm phán được một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông mà Mỹ hy vọng có thể gây tác động. Một số chuyên gia tư vấn của Mỹ từng gợi ý Mỹ xây dựng quy tắc ứng xử trên biển với Nhật Bản, Ấn Độ và Australia để đảm bảo sự thống trị về an ninh biển; (iii) Quan hệ giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á đang ấm lên khiến Mỹ lo lắng, với ví dụ về việc chính quyền của Tổng thống Duterte nối lại đối thoại song phương với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông và căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được kiểm soát tốt.

Tuy nhiên, tác giả cho rằng các thách thức đối với quan hệ Trung – Mỹ ở Biển Đông không chỉ xuất phát từ Mỹ mà còn từ Nhật, Australia, Indonesia và các nước khác. Vì vậy, trong vấn đề Biển Đông, Mỹ cần phải có một chiến lược hợp lý hơn chứ không chỉ đơn thuần cho phép triển khai các hoạt động “tự do hàng hải” làm suy giảm lòng tin và hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ.

Rõ ràng, việc Mỹ tăng dần tần suất triển khai hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông đang ít nhiều khiến cho Trung Quốc lo ngại bởi các hoạt động này sẽ thách thức các yêu sách biển phi lý của Bắc Kinh. Việc tác giả Zhao Minghao lấy con bài lòng tin và hợp tác sẽ không thể khiến chính quyền Tổng thống Trump hay bất cứ quốc gia nào đi ngược lại luật pháp quốc tế, để yên cho Trung Quốc tự tung tự tác hoành hành trên biển.

RELATED ARTICLES

Tin mới