Monday, January 13, 2025
Trang chủĐàm luậnCạnh tranh ngoại giao Trung-Ấn: Từ Nam Á đến Đông Nam Á...

Cạnh tranh ngoại giao Trung-Ấn: Từ Nam Á đến Đông Nam Á (kỳ I)

Cùng với sự trỗi dậy của Trung Quốc và tính khó lường trong chiến lược của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương, chính sách ngoại giao của các nước xung quanh Trung Quốc đều bước sang giai đoạn điều chỉnh thích hợp. Đây cũng là nguyên nhân khiến khu vực láng giềng của Trung Quốc vài năm gần đây xuất hiện quan hệ đối tác hai bên, quan hệ hợp tác ba bên đan xen phức tạp cũng như vấn đề điểm nóng liên tục xảy ra. Trong bối cảnh đó, phản ứng và lựa chọn chiến lược của Ấn Độ đáng được quan tâm đặc biệt. 

Xem xét sự thay đổi của quan hệ Trung-Ấn sau khi Modi lên nắm quyền, có mấy điểm nổi bật nhất: Phạm vi khu vực mà Trung Quốc và Ấn Độ cạnh tranh đang mở rộng, nhân tố mang tính đối đầu trong cạnh tranh giữa hai nước đang gia tăng, tình hình Ấn Độ lợi dụng lực lượng bên ngoài để tranh giành ảnh hưởng khu vực với Trung Quốc ngày càng nổi cộm. 

Từ Nam Á qua Myanmar đến Nam Hải (Biển Đông) 

Ấn Độ là một nước lớn tầm khu vực có tham vọng lớn, nhưng lâu nay, ảnh hưởng của họ bị hạn chế ở tiểu lục địa Nam Á. Do chịu sự hạn chế của nền kinh tế mỏng yếu và mâu thuẫn giữa Ấn Độ và Pakistan, cộng thêm với nhận định chiến lược kém cỏi của giới tinh hoa chính trị Ấn Độ, trong một thời gian dài trước khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Ấn Độ ở vào trạng thái cao ngạo nhưng bị cô lập. 

Năm 1992, dưới sự thúc đẩy của Thủ tướng Ấn Độ Pamulaparti, quốc gia này bắt đầu “hướng sang phía Đông”, có ý đồ lấy ASEAN làm bàn đạp để tận dụng chuyến tàu nhanh của kinh tế Đông Á. Năm 1996, Ấn Độ đã điều chỉnh tế nhị chính sách với các nước láng giềng ở Nam Á, đưa ra 5 nguyên tắc ngoại giao gọi là chủ nghĩa Gelael, mong muốn thông qua ngoại giao thân thiện với láng giềng để tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của các quốc gia Nam Á. Sự điều chỉnh của ngoại giao Ấn Độ đã tạo ra môi trường có lợi để phát triển kinh tế trong nước. 

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc và Ấn Độ, cạnh tranh giữa hai nước cũng gia tăng, phạm vi cạnh tranh từ lục địa đã mở rộng ra biển. 
Ở Nam Á, Ấn Độ chưa từng thay đổi mục tiêu chiến lược lãnh đạo Nam Á, “chủ nghĩa Gujarat” chỉ trong thời kỳ đặc biệt và điều kiện đặc biệt đã thay đổi phương thức ngoại giao. Vấn đề này có rất nhiều bằng chứng như thôn tính Sikkim, kiểm soát Nepal làm vùng đệm chiến lược, ngầm gia tăng ảnh hưởng trong cuộc bầu cử ở Sri Lanka, chỉ đạo Bhutan về ngoại giao. 

Từ tháng 6 đến 8/2017, Trung Quốc và Ấn Độ đã xảy ra đối đầu trong 71 ngày ở khu vực Doklam, bề ngoài là Ấn Độ phản đối Trung Quốc sửa lại cơ sở hạ tầng tuyến đường biên phòng, nói rằng có thể đe dọa an ninh yết hầu của Ấn Độ, đằng sau hành động đó rõ ràng còn có mục đích gây sức ép với Bhutan, ngăn chặn Bhutan cải thiện quan hệ giữa Trung Quốc. Ngày 1/11/2017, Tổng thống Ấn Độ Ram Coede đã hội kiến với Vua Bhutan Wakatuck ở New Dehli. 

Những năm gần đây, để làm đối trọng với quan hệ hữu nghị giữa Trung Quốc và Bangladesh, Ấn Độ đã tăng cường quan hệ ngoại giao với Bangladesh. Năm 2015, Ấn Độ và Bangladesh đã ký Hiệp định biên giới trên đất liền. Ấn Độ đã trao trả cho Bangladesh 11 khu đất với diện tích 68.000 m2 nằm trong lãnh thổ Ấn Độ, Bangladesh cũng đã chuyển 51 khu đất của Ấn Độ với diện tích gần 28.000 m2 nằm trong lãnh thổ Bangladesh. Đối với Ấn Độ là nước “giỏi gảy bàn tính” thì sự kiện này là hành động “hào phóng” hiếm có, dụng ý lôi kéo Bangladesh là điều không cần nói ra mà ai cũng hiểu. 

Ở Đông Nam Á, Ấn Độ nhanh chóng gia tăng ảnh hưởng văn hóa và quân sự của họ. Tháng 12/2012, để kỷ niệm 20 năm ngày Ấn Độ và ASEAN thiết lập quan hệ ngoại giao, Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ-ASEAN đã tổ chức ở New Delhi, hai bên đồng ý nâng cấp thành quan hệ đối tác chiến lược. Lấy thời điểm đó làm cột mốc, sau 20 năm chiến lược “nhìn sang hướng Đông”, nay đã chuyển thành chiến lược “can dự hướng Đông” toàn diện.

Sau khi Modi lên nắm quyền, ông nêu rõ ASEAN là trụ cột của chính sách “can dự hướng Đông” của Ấn Độ, đã tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước như Việt Nam, Singapore, Indonesia, Malaysia… Theo tin tức của Times of India, Thủ tướng Modi đã nhân cơ hội Hội nghị cấp cao ASEAN để mời lãnh đạo của 10 nước thuộc ASEAN dự lễ kỷ niệm Quốc khánh Ấn Độ vào tháng 1/2018. 

Trong cạnh tranh ở Đông Nam Á, Myanmar ở vào một vị trí rất đặc biệt. Trong cuốn sách “Tương lai của Ấn Độ với Đông Nam Á”, nhà chiến lược cũng là nhà ngoại giao nổi tiếng của Ấn Độ Panikkar nêu rõ: Bảo vệ Myanmar là bảo vệ Ấn Độ. Ấn Độ mong muốn nắm lấy thời cơ tốt chuyển đổi mô hình chính trị ở Myanmar, tăng cường hợp tác chiến lược Ấn Độ – Myanmar để làm đối trọng với Trung Quốc. Tháng 7/2017, trong bối cảnh đối đầu Trung-Ấn, Ấn Độ sử dụng nghi lễ đón tiếp cao nhất để đón Tổng thống Myanmar Htin Kyaw, vội vã bày tỏ nguyện vọng giúp đỡ về quân sự với Myanmar; tháng 9/2017, sau khi tham dự Hội nghị cấp cao của Nhóm BRICS ở Hạ Môn (Trung Quốc), Modi đã thăm Myanmar, trong chuyến thăm này, Modi thăm chùa Shwedagon ở Yangon và đền Ananda ở Bagan, trồng cây bồ đề ở Chùa Shwedagon nhằm thể hiện di sản văn hóa chung.  

Cùng với sự tăng cường thực lực hải quân và điều chỉnh chiến lược biển, Ấn Độ còn có ý đồ vượt qua eo biển Malacca can dự vào vấn đề Nam Hải. Sau khi Modi lên nắm quyền, Ấn Độ đã can thiệp sâu hơn vào vấn đề Nam Hải: Nhiều lần cùng với các nước như Mỹ, Nhật Bản, Việt Nam… tuyên bố về vấn đề Nam Hải, lập trường của Ấn Độ hoàn toàn thống nhất với Mỹ và ASEAN, yêu cầu vấn đề Nam Hải phải duy trì tự do hàng hải và tuân thủ luật quốc tế; Ấn Độ liên tục tập trận chung với các nước xung quanh Nam Hải, bán vũ khí cho họ, tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực này.

Tháng 8/2014, sau khi thăm Hải Phòng (Việt Nam), tàu hộ vệ tên lửa Shivalik của Ấn Độ đã tập trận chung với hải quân Việt Nam tại vùng biển tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam ở Nam Hải; tháng 6/2015, Ấn Độ điều động 4 tàu chiến của hải quân đến Nam Hải để triển khai tập trận chung với 5 nước thuộc ASEAN, sau đó những tàu chiến này còn đến thăm Jakarta (Indonesia), Kuantan  (Malaysia), Sattahip (Thái Lan), Sihanouk (Campuchia) và Singapore. Ấn Độ còn có kế hoạch bán cho Việt Nam các vũ khí hiện đại như ngư lôi Black Shark chống tàu ngầm, tên lửa hành trình siêu thanh Brahmos… 

Còn tiếp

RELATED ARTICLES

Tin mới