Trung Quốc hối thúc Mỹ sửa chữa sai lầm và dừng tiến hành các động thái khiêu khích sau khi tàu khu trục Mỹ áp sát bãi cạn Scarborough.
Ngày 20/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết tàu khu trục mang tên lửa USS Hopper của Mỹ đã di chuyển trong phạm vi 12 hải lý gần bãi cạn Scarborough trên Biển Đông.
Đây là khu vực tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Philippines nhưng Bắc Kinh đã đơn phương tuyên bố có chủ quyền với toàn bộ bãi cạn Scarborough.
Theo ông Lục Khảng, tàu chiến Mỹ xuất hiện gần bãi cạn Scarborough mà không được sự cho phép của chính phủ Trung Quốc.
“Hải quân Trung Quốc đã tiến hành quy trình nhận dạng cũng như xác minh theo quy định của luật, và đã cảnh báo yêu cầu tàu Mỹ rời đi”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.
Lục Khảng còn hối thúc Mỹ “sửa chữa sai lầm và dừng tiến hành các động thái khiêu khích, tránh làm tổn hại tới quan hệ Trung – Mỹ và hòa bình, ổn định của khu vực”.
Về phía Mỹ, nước này không có đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông nhưng tuyên bố họ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Giới chức lãnh đạo Lầu Năm Góc nhiều lần nhấn mạnh sẽ tiếp tục thực hiện các sứ mệnh của tàu hải quân trong khu vực, nhằm bảo đảm hoạt động tự do hàng hải và ủng hộ thượng tôn pháp luật tại các vùng biển của thế giới.
Vì thế, sau tuyên bố của Trung Quốc, Trung úy Nicole Schwegman, phát ngôn viên của Hạm đội Thái Bình Dương thuộc Hải quân Mỹ cho biết: “Mỹ tiến hành các hoạt động tuần tra tự do hàng hải (FONOPs) thông thường và thường xuyên, như chúng tôi đã làm trong quá khứ và sẽ tiếp tục làm như vậy trong tương lai”.
The Washington Post dẫn lời bà Schwegman nói rằng, các hoạt động như vậy không phải nhằm vào bất cứ một quốc gia nào, cũng không phải là về tuyên bố chính trị.
Thay vào đó, Mỹ muốn chứng tỏ cam kết nước này bảo vệ quyền tự do đi lại và sử dụng hợp pháp biển cũng như không phận của tất cả các quốc gia theo luật pháp quốc tế
Bãi cạn Scarborough là một phần trong vụ kiện do Philippines khởi xướng tại tòa trọng tài thường trực quốc tế ở La Hay (Hà Lan) chống lại yêu sách “đường chín đoạn” phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trong phán quyết hồi tháng 7/2016, tòa trọng tài đã chính thức bác bỏ yêu sách này, song Bắc Kinh đến nay vẫn lớn tiếng phủ nhận và ngang nhiên không tuân thủ bất kỳ kết luận nào của tòa.